Bí thư TP. HCM đề nghị rút kinh nghiệm việc đấu giá đất Thủ Thiêm vừa qua
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị về tình hình kinh tế - xã hội quý 1; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý 2/2022, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên đề nghị rút kinh nghiệm việc đấu giá đất Thủ Thiêm vừa qua để những buổi đấu giá sắp tới đảm bảo đúng quy định và đạt hiệu quả cao.
Phục hồi từ tăng trưởng âm 25%
Theo tính toán của Cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn TP. HCM (GRDP) quý I/2022 ước tính tăng 1,88% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 5,46% của quý 1 năm 2021 nhưng cao hơn 0,79 điểm phần trăm so với mức tăng của quý 1 năm 2020 (quý 1 năm 2020 tăng 1,09%).
Toàn cảnh Hội nghị.
Tổng tăng trưởng chung của nền kinh tế quý I/2022 tăng 1,84% so với cùng kỳ, đóng góp 97,8% vào tốc độ tăng GRDP Thành phố, trong đó đóng góp chi tiết của các ngành kinh tế như sau:
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,15% so với cùng kỳ và không đóng góp vào tốc độ tăng GRDP.
Khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 0,09% so với cùng kỳ, đóng góp 1,0% vào tốc độ tăng GRDP. Đây là mức đóng góp rất thấp so với vị trí, vai trò quan trọng của khu vực công nghiệp, xây dựng đối với kinh tế thành phố. Trong đó, ngành công nghiệp vẫn khẳng định vai trò trụ cột cho nền kinh tế khi tăng 3,08%, đóng góp 30,8%; ngược lại, ngành xây dựng giảm 14,73%, không đóng góp vào mức tăng GRDP mà còn kéo giảm 29,8% vào tốc độ tăng GRDP.
Khu vực dịch vụ tăng 2,87% so với cùng kỳ, đóng góp 96,8% vào tốc độ tăng GRDP. Riêng 09 ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố tăng 4,2%, đóng góp 2,42 điểm phần trăm; 06 ngành dịch vụ còn lại giảm 10,60%, kéo giảm 0,61 điểm phần trăm vào tốc độ tăng GRDP.
Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm quý I/2022 tăng 0,33% so với cùng kỳ, đóng góp 2,2% vào tốc độ tăng GRDP thành phố. Mặc dù, tổng thu ngân sách quý I/2022 tăng 9,4% so với cùng kỳ nhưng phần thu ngân sách liên quan đến thuế sản phẩm tăng khá thấp mà thu ngân sách tăng chủ yếu liên quan đến hoạt động bất động sản và thu từ dầu thô.
Về cơ cấu nền kinh tế GRDP quý I/2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 0,5%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 21,6%, trong đó công nghiệp chiếm 18,2%, xây dựng chiếm 3,4%; khu vực dịch vụ chiếm 64,6%, riêng 09 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 59,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 13,3%.
Tại Hội nghị, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP. HCM cho hay, từ mức giảm sâu ở quý 3, 4 năm 2021 lần lượt là -24,97% và -11,64% đến nay, kinh tế TP. đã dần ổn định và phục hồi tăng trưởng dương, sau thời gian “bạo bệnh chưa có tiền lệ” đã có bước hồi phục và đứng lên khởi sắc cho thấy dư địa, tiềm lực và sức sống của doanh nghiệp kinh tế Thành phố khá tốt.
Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 1 ước đạt gần 267.000 tỉ đồng, giảm 4,8% so cùng kỳ 2021. Xuất khẩu ước đạt 11,9 tỉ USD, tăng 3,5%; nhập khẩu ước đạt 17,4 tỉ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ.
Đầu tư FDI ước đạt 406 triệu USD, ước giảm khoảng 40% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 121.037 tỉ, đạt 31,31% dự toán và tăng 9,41% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 9.327 tỉ, đạt 9,36% dự toán, giảm 33,81% so với cùng kỳ.
Tập trung thúc đẩy các dự án trọng điểm
Đánh giá về những thách thức mà TP. HCM phải đối mặt trong năm 2022, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên chi sẻ về nền kinh tế Việt Nam nói chung và TP. HCM nói riêng trong hội nhập sâu rộng sẽ bị ảnh hưởng trước những biến động của thế giới, trong đó có xung đột Nga - Ukraine.
Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên đến dự và phát biểu chỉ đạo. Ảnh TTBC
Cạnh đó, tình hình dịch Covid-19 đang bùng phát ở nhiều nơi, nhiều nước vẫn thực hiện chiến lược "Zero COVID" nên TP. HCM khó tránh khỏi việc bị ảnh hưởng, gây áp lực tăng giá hàng hóa.
Ngoài ra, lạm phát cũng có dấu hiệu gia tăng, giá dầu thế giới còn cao, tác động đến TP. HCM.
Từ đó, Bí thư Nguyễn Văn Nên đề nghị các cấp, các ngành đánh giá, dự báo sớm tình hình để có cách ứng phó; theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, bình ổn giá tạo tâm lý yên tâm cho người dân.
Đồng thời, TP. HCM vẫn phải thực hiện nghị quyết 128 của Chính phủ về sống thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; rà soát tiêm vắc xin cho nhóm người có nguy cơ cao và nhóm trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Bí thư Thành ủy TP. HCM cũng cho biết, vừa qua báo chí có đưa tin về việc 400 nhân viên y tế nghỉ việc trong quý 1. "Đây là vấn đề khó tránh khỏi nhưng TP. phải cố gắng ban hành chính sách để nhân viên y tế yên tâm làm việc", Bí thư Nên khẳng định.
Về hạ tầng cơ sở, Bí thư TP. HCM cũng thông tin việc đã khởi động một số công trình chào mừng Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; hay đang đẩy nhanh các dự án có tính chất liên vùng như dự án các tuyến đường vành đai 2, 3, 4 và xúc tiến ngay dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo Bí thư Nên, TP. HCM phải tiếp tục tháo gỡ vướng mắc để sớm đưa vào vận hành dự án chống ngập, đẩy nhanh tiến độ nhà ở xã hội cho người lao động.
Về vấn đề đất đai, Bí thư Thành ủy đề nghị rút kinh nghiệm việc đấu giá đất Thủ Thiêm vừa qua để những buổi đấu giá sắp tới đảm bảo đúng quy định và đạt hiệu quả cao.