Bí thư TP HCM Nguyễn Văn Nên: Một số quy định '5K' không còn phù hợp
Một số nội dung trong thông điệp '5K' như khoảng cách, không tập trung được Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Ý kiến được ông Nên nói tại cuộc họp BCĐ phòng chống COVID-19 và phục hồi kinh tế TP HCM, sáng 9/3. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh TP ghi nhận hơn 93.000 F0, số ca mắc là học sinh tăng cao.
Không lơ là, mất cảnh giác, nhưng không lo lắng thái quá
Giám đốc Sở Y tế thành phố Tăng Chí Thượng cho biết, trong 67 mẫu bệnh phẩm nhiễm Omicron tại TP HCM được giải mã gene virus có 24 mẫu là chủng BA.1 và 43 mẫu BA.2 - Hiệp hội Y khoa Mỹ gọi là “stealth variant” (biến chủng tàng hình).
“TP HCM hiện có mặt cả hai chủng Omicron và BA.2 chiếm ưu thế, điều này giải thích được tại sao dịch lây lan rất nhanh. Chúng ta không nên quá lo lắng vì biến chủng mới đã có tại TP rồi”, ông Thượng nói.
Cũng theo ông Thượng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định vaccine vẫn có khả năng bảo vệ cơ thể khi nhiễm biến chủng BA.2 nhưng không đủ sức để giúp cơ thể không bị lây nhiễm. Do vậy, chiến dịch tiêm chủng vaccine vẫn cần được đẩy mạnh.
Tại cuộc họp, đề cập đến kiến nghị của Bộ Y tế về việc để F1 đi làm trong một số trường hợp và đáp ứng một số điều kiện, Chủ tịch TP HCM Phan Văn Mãi cho rằng các sở, ngành cần nghiên cứu để hoàn thiện đề xuất này trong bộ tiêu chí an toàn đối với các lĩnh vực.
Cụ thể, các F1 nếu không có vấn đề về sức khỏe và có tinh thần tự nguyện, có thể được bố trí công việc. Các đơn vị có F0 không triệu chứng, không có vấn đề sức khỏe cũng được duy trì cách làm việc phù hợp.
“Hiện, nhiều cơ quan có 30-50 ca F0, cách ly 7-10 ngày cho đến 2 tuần sẽ rất bị động trong công việc”, ông Mãi nói và cho rằng các F0 có triệu chứng cần nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe, nhưng trường hợp không triệu chứng gì cần tính toán để đảm bảo hoạt động cơ quan, đơn vị sự nghiệp, sản xuất, kinh doanh.
Về tình hình lây nhiễm của biến chủng Omicron trên địa bàn, ông Mãi đề nghị ngành Y tế đánh giá tình hình dịch trên cơ sở tuân thủ chỉ đạo, khuyến cáo của Bộ Y tế, WHO và cơ quan chuyên môn. “Nhận định 6 tháng tới có thể xuất hiện thêm làn sóng COVID-19 cũng chỉ là ý kiến tham khảo. Chúng ta không lơ là, mất cảnh giác nhưng tránh lo lắng thái quá dẫn đến hệ lụy không tốt”, ông Mãi lưu ý.
Cần xem lại hướng dẫn, khuyến cáo phòng chống dịch cho phù hợp
Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nói ngành Y tế cần xem lại hướng dẫn, quy định, các khuyến cáo phòng chống dịch cho phù hợp. Trong giai đoạn “bình thường mới” hiện nay, các cơ quan, DN đã hoạt động trở lại. Các trường học cũng đón học sinh đến học tập trung. Do đó, ngành Y tế cần có quy định, hướng dẫn cho phù hợp với thực tế, tránh tình trạng có hướng dẫn nhưng không thực hiện được.
Thông điệp “5K” gồm “khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế” là những khuyến cáo được Bộ Y tế đưa ra hồi tháng 8/2020, khi Việt Nam ghi nhận 1.044 ca COVID-19, trong đó 690 ca lây nhiễm trong nước, 354 ca từ nước ngoài về.
Thời điểm đó, Bộ Y tế cho rằng Việt Nam sẽ phải tiếp tục chống dịch trong thời gian dài. Người dân cần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh. Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần áp dụng các biện pháp cơ bản phòng chống dịch trong trạng thái “bình thường mới” và thực hiện nghiêm “5K”.
Theo ông Nên, nội dung “khẩu trang, khử khuẩn” có thể làm được, nhưng “khoảng cách, không tập trung” không còn phù hợp với thực tế. Trong tình hình mới, học sinh đến trường, cơ quan, DN tổ chức đi làm thì khó mà không tập trung được. Đặc biệt tại trường học, việc ăn, ngủ của học sinh càng khó thực hiện nếu duy trì quy định này.
“Tình hình thay đổi, nếu chúng ta cứ kêu gọi thực hiện 5K, mà không sửa lại cho phù hợp thực tế sẽ khó thực hiện, hoặc nói mà không làm được. Phụ huynh, nhà trường và người dân gặp khó khăn”, ông Nên nói.
Đối với thủ tục khai báo hiện nay dành cho F0, theo ông Nên, thủ tục phải ngắn gọn, thuận tiện cho người dân. Các địa phương, ngành Y tế nỗ lực hỗ trợ người dân để người dân thấy được trách nhiệm, quyền lợi khi khai báo, tránh để tình trạng người dân mắc COVID-19 mà không khai báo.
Đầu năm 2022, các nhà khoa học phát hiện biến chủng phụ của Omicron, gọi là BA.2. Giới chuyên môn gọi BA.2 là biến chủng tàng hình (stealth variant) vì nó không chứa đột biến đặc trưng của Omicron, có khả năng lẩn tránh test nhanh nhưng bị phát hiện bằng xét nghiệm PCR. BA.2 không gây triệu chứng nghiêm trọng hơn phiên bản gốc BA.1, song lây truyền nhanh hơn. Chỉ trong vòng hai tháng, 92 nước ghi nhận BA.2.
BA.2 khác với BA.1 ở trình tự di truyền, có sự thay đổi về axit amin trong protein gai và các protein khác. Nghiên cứu chỉ ra rằng BA.2 có lợi thế tăng trưởng hơn BA.1. Các nhà khoa học đã ghi nhận một số ca tái nhiễm BA.2 sau khi nhiễm BA.1, tức là mắc Omicron hai lần. Song dữ liệu vẫn cho thấy miễn dịch tự nhiên từ BA.1 đủ mạnh mẽ chống BA.2.
Nhìn chung, ở hầu hết các nước, BA.2 lan rộng đáng kể, nhưng chưa tạo ra sự khác biệt rõ rệt về độ nghiêm trọng. Các chuyên gia còn nhiều điều chưa biết về đặc tính biến chủng phụ này, chẳng hạn khả năng tái nhiễm và kháng vaccine. Các nghiên cứu về biến chủng cho kết quả không đồng nhất.
Tại Việt Nam, chủng tàng hình lần đầu được ghi nhận tại TP HCM và đang chiếm ưu thế so với chủng Omicron gốc BA.1, số ca nhiễm tăng cao nhanh chóng. Trong làn sóng dịch năm 2021, chủng Delta chiếm ưu thế ở Việt Nam.