Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên: 'Nhân viên y tế không đơn độc'
Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM khẳng định, lãnh đạo TP luôn sát cánh bên nhân viên y tế. 'Anh em y tế không đơn độc!'.
Ngày 5/8, Bí thư Nguyễn Văn Nên đã đến Sở Y tế TP.HCM, gặp gỡ và lắng nghe nhân viên y tế.
Cuộc gặp đặc biệt này được kết nối trực tuyến đến các bệnh viện, cơ sở y tế trên toàn TP.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ, trong thời điểm dịch Covid-19 căng thẳng, ông nhận được rất nhiều lời động viên chia sẻ của thầy thuốc, giáo sư lâu năm. Ông Nên day dứt khi nhân viên y tế gặp vấn đề, bản thân ông lại không hiểu được họ.
“Bác sĩ không khỏe thì ai lo và lo ra sao? Cuộc gặp gỡ không bao giờ nhận đủ chia sẻ sâu sắc, khó đủ thời gian, điều kiện để tâm sự hết những điều lo lắng trong bối cảnh hiện nay. Nhưng không có cách nào khác! Chúng tôi muốn nghe, bàn và đưa ra giải pháp:.
Ông Nên nhắc lại 6 nguyên nhân khiến nhân viên y tế nghỉ việc theo một nghiên cứu xã hội học.
“Thứ nhất là lương thấp. Thứ hai là không hài lòng với môi trường làm việc. Thứ ba là cường độ làm việc quá cao. Thứ tư là không có cơ hội học hỏi, nâng cao tay nghề. Thứ năm, là không hài lòng với giám đốc. Cuối cùng, vì không hài lòng với người quản lý trực tiếp của mình. Tôi muốn biết, những điều này có hay không, chia sẻ hôm nay phải thật”.
Tại buổi gặp gỡ, sau những phút báo cáo thủ tục ban đầu, nhiều bác sĩ đã bày tỏ tâm tư về thu nhập, chế độ, áp lực làm việc vốn đã tồn tại rất nhiều năm qua của ngành y tế. Dịch Covid-19 như một giọt nước tràn ly, khiến mọi sự chịu đựng vượt qua giới hạn.
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho hay, chọn ngành y không phải để làm giàu, nhưng có thực mới vực được đạo.
"Ít nhất cũng phải ở mức có thể chấp nhận được để toàn tâm toàn ý cống hiến cho ngành và phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thu nhập của bác sĩ mới ra trường chỉ khoảng 7,8 triệu đồng. Mức lương đó sống làm sao được ở TP.HCM.
Nên chăng, thành phố có những chính sách cơ chế hỗ trợ nhân viên y tế để yên tâm cống hiến lâu dài. Đặc biệt, người ta thấy hãnh diện khi phục vụ cho y tế thành phố", bác sĩ Tuyết nói.
Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM cũng bày tỏ, môi trường làm việc, áp lực của y bác sĩ rất lớn, gần như không có thời gian chăm sóc gia đình. Do đó, đến một thời điểm nào đó, họ phải đưa ra lựa chọn, gia đình, nghề y hay một công việc khác.
"Lương có thể không phải quan trọng nhất, nhưng môi trường, áp lực, thời gian tất cả dồn lại. Nhân viên y tế không từ nan khi chống dịch, nhưng kết thúc rồi mới thấy mỏi mệt quá, không giúp gì được cho gia đình, người thân. Chúng tôi tự hào về nghề nhưng chạnh lòng lắm", vị bác sĩ này chia sẻ.
Ông Nên cho hay, ngay từ trong dịch Covid-19, thành phố đã nhìn ra những vấn đề của ngày hôm nay và yêu cầu Sở Y tế phải xây dựng chiến lược y tế.
“Sau cuộc chiến Covid-19, hậu quả rất nhiều, di chứng cũng như chiến tranh. TP đã bàn rất kỹ về chiến lược y tế, trong đó có vấn đề nhân lực y tế, có vấn đề về chính sách y tế. Đó chính là những điều ngày hôm nay chúng ta lại phải nói đến”, ông Nên đặt vấn đề.
Ông khẳng định, lãnh đạo TP luôn sát cánh bên nhân viên y tế, không để anh em đơn độc. Thời điểm này, không phải để tri ân chung chung mà bằng hành động cụ thể. Ông yêu cầu các sở ban ngành cam kết làm tốt nhiệm vụ của mình, nghiên cứu tìm giải pháp cải thiện thu nhập cho nhân viên y tế. Đây là điều quan trọng nhất.
“Một bác sĩ trẻ mới ra trường chưa có lương nhưng phải làm việc liên tục. Chính sách của TP khi đưa bác sĩ trẻ về cơ sở là không để các em thiệt thòi”, ông nhấn mạnh.
"Khi cường độ và áp lực làm việc cao, phải có người lãnh đạo chia sẻ, thấu cảm, làm điểm tựa cho anh em chiến đấu. Đây là vắc xin tin thần”, ông Nên nói.