Bí thư TPHCM: Có tình trạng doanh nghiệp để F0 về nhà
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, hiện nay đang có tình trạng một số doanh nghiệp muốn thoái thác trách nhiệm, khi phát hiện công nhân bị nhiễm thì thu dung và quản lý sơ sài, để công nhân tự thoát ra khỏi khu cách ly trở về địa phương.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên
Chiều 11/11, đoàn công tác của Thành ủy TPHCM do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên làm trưởng đoàn đến thăm và làm việc với Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (HEPZA). Tham gia đoàn công tác còn có Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo HEPZA, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đánh giá cao HEPZA đã chủ động phối hợp chặt chẽ với địa phương và doanh nghiệp (DN) để thực hiện mục tiêu cao nhất là hướng về người lao động, công nhân, kết nối để có kế hoạch chia sẻ với công nhân.
Bên cạnh đó, HEPZA cũng tổ chức được cơ chế vận hành để thực hiện mục tiêu vừa chống dịch, vừa bảo đảm sản xuất. Đến nay, các hoạt động của DN đạt chỉ tiêu đề ra.
Theo Trưởng ban Quản lý HEPZA Hứa Quốc Hưng, từ đầu đợt dịch đến nay, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có 8.136 ca mắc COVID-19 ở 431 DN. Từ ngày 1/10, đa số các ca F0 khi phát hiện đều không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ do đã được tiêm 2 mũi vắc xin nên ít ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động và kế hoạch sản xuất.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng việc trở lại hoạt động của DN đạt tỷ lệ gần 100%, thể hiện được sức chiến đấu của DN trong dịch bệnh. Ông khẳng định: TPHCM luôn sẵn sàng đồng hành, sát cánh cùng DN trong giai đoạn thích ứng mới nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi kinh tế.
Theo ông Nguyễn Văn Nên, trong thời gian tới, HEPZA phải có sự điều chỉnh hành vi thích ứng phù hợp với tình hình mới để khi gặp khó khăn thì không bị lúng túng và có thể tự kiểm soát, xử lý khi không may xuất hiện ca nhiễm. Ông đề nghị HEPZA tính toán cách quản lý dựa trên đặc điểm của lực lượng lao động để sớm thích ứng với dịch.
Bí thư Thành ủy TPHCM cũng cảnh báo, hiện đang có tình trạng một số DN khi công nhân bị nhiễm COVID-19 thì muốn thoái thác trách nhiệm, tổ chức thu dung sơ sài, để cho công nhân tự thoát ra khỏi khu cách ly, thậm chí để F0 về nhà.
“HEPZA phải quy định rõ ràng quy trình xử lý khi phát hiện F0. Để làm được điều này, phải quản lý bằng công nghệ. Việc này HEPZA có lợi thế về công nghệ cần tiếp tục phát huy để kiểm soát tốt các trường hợp bị nhiễm”, ông Nên nhấn mạnh.
Người đứng đầu Đảng bộ TPHCM cũng đề nghị HEPZA tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền vận động bằng nhiều hình thức phong phú để các DN, nhà quản lý, người lao động hiểu được giai đoạn thích ứng an toàn linh hoạt trong tình hình mới.
Về vai trò của HEPZA, địa phương có DN trú đóng, vai trò của DN, từng công nhân, người lao động…, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đề nghị phải có quy định trách nhiệm rõ ràng để thích ứng an toàn.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đánh giá hiện số công nhân quay lại làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp tăng. Số lượng ca F0 có tăng lên nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.
“Xử lý F0 phải phát hiện sớm, xử lý hợp lý, có khu cách ly riêng. Số ca bệnh nặng thì liên kết chuyển viện sớm để điều trị”, ông Đức yêu cầu.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, HEPZA cần tiếp tục phát huy tốt vai trò kết nối với DN để duy trì sản xuất, bảo đảm công tác phòng chống dịch. Thời gian tới, HEPZA phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu suất quản lý, nắm vững thông tin để đưa giải pháp đạt hiệu quả cao.
Báo cáo với đoàn công tác, Trưởng ban Quản lý HEPZA Hứa Quốc Hưng cho biết trong giai đoạn phòng, chống dịch, tại 17 khu công nghiệp, khu chế xuất của TPHCM có 652 DN đủ điều kiện duy trì hoạt động theo phương án sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” với 51.000/288.000 lao động. 760 DN còn lại phải tạm dừng hoạt động.
Hiện nay, đã có 1.355/1412 DN tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hoạt động, chiếm 96% số lượng khi chưa có dịch. Các DN đang trên đà phục hồi với các tín hiệu tích cực như liên tục bổ sung lao động để đưa dây chuyền sản xuất vào hoạt động. Số lượng lao động làm việc trong các DN đến nay là 230.528 người, đạt 80% tổng số lao động trong điều kiện bình thường.
Từ đầu năm đến nay, tổng số vốn đầu tư kể cả cấp mới và điều chỉnh tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tại TPHCM là 455 triệu USD, đạt 83% kế hoạch cả năm