Bí thư TPHCM: Du lịch phát triển, không chỉ doanh nghiệp mà dân phải có lợi
Phát triển yếu tố di sản văn hóa trong một đô thị thông minh là một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình xây dựng hệ thống du lịch thông minh. Trong đó, những di tích như khối nhà cổ, các bảo tàng văn hóa vừa mang biểu tượng cổ kính, uy nghi, đồng thời còn là yếu tố tham gia phát triển du lịch thông minh một cách bền vững.
Ngày 7/9, tại TPHCM, Sở Du lịch TPHCM tổ chức Hội thảo quốc tế Du lịch thông minh tại TPHCM. Hội thảo thu hút các chuyên gia, nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia và lãnh đạo các sở, ban, ngành TPHCM tham dự, nhằm thảo luận những giải pháp, mô hình phù hợp góp phần đẩy mạnh sự phát triển của du lịch thông minh cho thành phố. Đồng thời tạo cơ sở để xây dựng Đề án Phát triển du lịch thông minh tại TPHCM.
Hội thảo là hoạt động diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế TPHCM năm 2019 diễn ra từ 4-7/9 tại TPHCM.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, năm 2017 TPHCM đã công bố Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2025”, đưa TPHCM trở thành một trong những địa phương duyệt đề án xây dựng đô thị thông minh sớm nhất trong cả nước. Thành phố xác định đổi mới quản lý gắn với ứng dụng công nghệ thông tin là giải pháp khả thi để phát triển thành phố.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, sau 18 tháng triển khai đề án, đến nay thành phố đã xây dựng và vận hành được một số hạ tầng căn bản cho đô thị thông minh, gồm: kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở; trung tâm điều hành đô thị thông minh; trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội, trung tâm an toàn thông tin thành phố.
“Thời gian vừa qua, với việc thực hiện đề án phát triển du lịch thông minh, thành phố đã ứng dụng mạnh mẽ các yếu tố công nghệ để phát triển du lịch. Qua đó, đưa tốc độ tăng trưởng ngành du lịch trên địa bàn đạt được những kết quả đáng mừng. Dựa trên những tiềm năng, thế mạnh của mình, thành phố còn rất nhiều dư địa để phát triển du lịch thông minh”, ông Tuyến khẳng định.
Chia sẻ tại hội thảo, GS. Perry Hubson, Tổng Biên tập Tạp chí Journal of Vacation Marketing, cho rằng những yếu tố mà một điểm đến du lịch thông minh như TPHCM cần có chính là phải làm sao để kết nối các cấu phần hạ tầng trong một thành phố. Ông Perry Hubson nhấn mạnh: Điều quan trọng của du lịch thông minh chính là cần tạo nên những công cụ và trải nghiệm liền lạc, gắn kết với nhau thông qua những công nghệ hiện đại như AI, big data... “Thành phố Dubai (UAE), Helsinki (Phần Lan), hay Lyon (Pháp) là những điển hình về xây dựng du lịch thông minh và TPHCM cũng có thể trở nên như vậy”, GS. Perry Hubson nói.
Trong khi đó, ông Luigi Campanale, Tổng Giám đốc Tập đoàn SCE Project Asia (Ý) nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc phát triển yếu tố di sản văn hóa trong một đô thị thông minh. Theo ông Luigi Campanale, những di tích như khối nhà cổ, các bảo tàng văn hóa vừa mang biểu tượng cổ kính, uy nghi, đồng thời còn là yếu tố tham gia phát triển du lịch thông minh một cách bền vững.
Dẫn chứng ngay tại trung tâm TPHCM, ông Luigi Campanale cho rằng tại vùng lõi của thành phố như địa bàn quận 1 có nhiều villa, nhà cổ, tuy nhiên chúng chưa được sử dụng hiệu quả. Riêng di tích Dinh Gia Long mang giá trị văn hóa vô hình lẫn hữu hình và đây chính là giá trị xương sống của một thành phố du lịch. “Cần có chính sách để phát triển những hạ tầng này. Khi đó chúng ta có thể buộc du khách chi tiền để trải nghiệm những địa điểm văn hóa hấp dẫn, thu hút như vậy. Tất nhiên nơi này phải có không gian để du khách thưởng thức văn hóa đồng thời cũng cần có những yếu tố công nghệ gắn liền”, ông Luigi Campanale bày tỏ.
Vị chuyên gia nước Ý cũng cho rằng cùng với sử dụng những vốn có về những di tích lịch sử này, việc thay đổi và bổ sung công năng mới cho nó sẽ giúp thành phố hình thành những điểm đến thu hút du khách.
Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận hội thảo chính là dịp để thành phố thấy được hiện trạng, bức tranh du lịch thế giới, nắm bắt các xu hướng du lịch của quốc tế, biết được đối tác của chúng ta để cùng hợp tác, xây dựng chương trình 10 năm thành phố phát triển du lịch.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, thành phố đi vào du lịch thông minh, công nghiệp 4.0 là phù hợp với đặc thù của thành phố, dựa trên những lợi thế về nguồn nhân lực đã có cùng những cấu phần của một đô thị thông minh đã và đang dần hình thành.
“Hôm nay thành phố học được nhiều điều bổ ích từ những góp ý, chia sẻ của các vị khách quốc tế tại hội thảo. Đề nghị UBND thành phố hoàn thiện chiến lược du lịch thông minh giai đoạn 2020 – 2025. Trong đó lưu lý làm rõ, du lịch thành phố gắn liền với du lịch ĐBSCL. Chúng ta phải nhìn nhận thực tế rằng thành phố không có các tài nguyên du lịch phong phú của ĐBSCL, do đó phải kết hợp du lịch di sản gắn với du lịch đô thị, ven biển, văn hóa, tôn giáo… mà các địa phương 13 tỉnh, thành ĐBSCL vốn có. Hơn nữa, đồng thời với du lịch thông minh cũng cần lưu ý các kết nối thông minh (smart mobility). Trong đó phải chịu khó học hỏi những tiến bộ, cách thức giải quyết vấn đề hiệu quả của các đô thị trong khu vực và thế giới.
Cũng theo ông Nguyễn Thiện Nhân, chính quyền và doanh nghiệp cần ngồi lại bàn bạc xem doanh nghiệp có thể góp ý, sáng kiến làm du lịch thông minh như thế nào, các doanh nghiệp có thể cung cấp dữ liệu cho du lịch hay không và bằng phương thức gì, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp như thế nào...
“Đặc biệt, làm du lịch không phải chỉ có các doanh nghiệp hưởng lợi mà người dân cũng hưởng lợi. Quan tâm đời sống người dân khi phát triển du lịch, tăng trưởng du lịch phải gắn liền đảm bảo đời sống, không để đời sống người dân bị đảo lộn. Cần thiết thì có thể thiết kế quy trình du lịch, tái cơ cấu để họ thích nghi với sự phát triển du lịch”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nói.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, bản chất của vấn đề thông minh chính là hợp tác, và nếu không thực hiện điều này thì không thể có thành phố thông minh.
“Sau hội thảo, UBND TPHCM sẽ có kế hoạch triển khai chuyên đề về du lịch thông minh, chiến lược phát triển du lịch, làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học để lắng nghe đóng góp, hiến kế; đồng thời làm việc với 13 tỉnh, thành ĐBSCL để phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch”, ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết.