Bí thư TPHCM: Khắc phục bệnh thành tích, hư danh trong giáo dục
Ông Nguyễn Văn Nên cho biết, hoạt động giáo dục và đào tạo của thành phố ngày càng được được nâng lên về chất, nhiều mô hình giáo dục mới tích cực, sáng tạo, mang tính đột phá, thể hiện tầm nhìn, tư duy theo hướng giáo dục mở, phục vụ cho xã hội học tập suốt đời, đồng thời khắc phục bệnh thành tích, hư danh.
Chiều 9/1, Thành ủy TPHCM tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Báo cáo của Thành ủy TPHCM cho biết, sau khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết 29, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM đã ban hành các kế hoạch và chương trình hành động để thực hiện nghị quyết này.
Từ đó, ngành GD&ĐT thành phố và các đơn vị có liên quan đã chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực; phối hợp, gắn kết với các cấp, các ngành, huy động xã hội tham gia thực hiện đạt kết quả các mục tiêu, nhiệm vụ được nghị quyết đề ra.
Đối với giáo dục trung học, toàn thành phố tiếp tục duy trì đạt chuẩn phổ cập bậc trung học theo xu hướng nâng cao tỷ lệ qua từng năm. Hiện có 312/312 phường, xã thị trấn duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2021, đối tượng trong độ tuổi từ 15-18 có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở là 319.516/325.564 người.
Bậc học giáo dục phổ thông đã chủ động triển khai thực hiện giáo dục nhà trường phổ thông theo định hướng phát triển năng lực học sinh với tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo của các cơ sở giáo dục bằng nhiều hình thức như xây dựng và triển khai nhiều hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm…
Với giáo dục đại học, tính đến thời điểm hiện nay, có 100% các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố đạt chuẩn cơ bản theo quy định, đạt mục tiêu đề ra trong chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố.
Khắc phục bệnh thành tích, hư danh
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 đã tạo một kết quả lớn là sự chuyển biến về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cộng đồng xã hội và người dân về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, gìn giữ cốt cách, truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc. Theo ông, điều này góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho TPHCM và đất nước.
Bên cạnh đó, sau khi Nghị quyết 29 ra đời, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã kịp thời ban hành các kế hoạch, chương trình hành động. Đến thời điểm này, UBND, HĐND và ngành giáo dục thành phố đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, chỉ thị, nghị quyết, quyết định cụ thể hóa nghị quyết này.
Thành phố cũng đã dành nguồn lực lớn cho giáo dục và đào tạo, trong đó có nhiều điểm sáng như đã ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho cán bộ giáo viên, nhân viên bậc mầm non.
Ngoài ra, hoạt động GD&ĐT của thành phố ngày càng được nâng lên về chất, nhiều mô hình giáo dục mới tích cực, sáng tạo, mang tính đột phá, thể hiện tầm nhìn, tư duy theo hướng giáo dục mở, phục vụ cho xã hội học tập suốt đời, đồng thời khắc phục bệnh thành tích, hư danh.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Nên cũng cho rằng, chặng đường 10 năm qua cũng không thể tránh khỏi những khó khăn, hạn chế, bất cập. Trong đó, việc phân luồng học sinh, đổi mới giáo dục nghề nghiệp theo chuẩn quốc tế, việc cải thiện chế độ tiền lương, thu nhập cho đội ngũ nhà giáo vẫn còn những nỗi lo.
Lưu ý nhiệm vụ thời gian tới, Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị tăng cường quán triệt sâu rộng hơn nữa để các tầng lớp nhân dân, các tổ chức ngoài hệ thống... tiếp tục quan tâm đầu tư căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo xứng tầm với thành phố văn minh, hiện đại.
Cùng với đó, phải huy động sức mạnh toàn xã hội để chăm lo cho giáo dục; thúc đẩy xã hội hóa, vận động tối đa chính sách đặc thù của Nghị quyết 98 để phát triển GD&ĐT thành phố.
Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu tiếp tục đổi mới đồng độ, mạnh mẽ các yếu tố của GD&ĐT theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho người học, hài hòa trí - thể - mỹ; đồng thời quan tâm định hướng tư duy phát triển giáo dục theo nhu cầu xã hội, chuyển biến dần nhận thức từ việc học để lấy bằng sang học để tinh thông nghề nghiệp; thực hiện mạnh mẽ chủ trương phân luồng học sinh.
Ông Nên cũng cho biết, một trong những vấn đề lãnh đạo thành phố luôn quan tâm, trăn trở là chăm lo cho đội ngũ thầy cô gáo, làm sao thu hút được người giỏi, người tài, tâm huyết đến với nghề sư phạm đồng thời chăm lo bồi dưỡng đạo đức nghiệp vụ cho người thầy… nhằm giúp các thầy cô yên tâm công tác, gắn bó với nghề, thu hút người giỏi.