Bí thư và Chủ tịch tỉnh Bắc Giang không bị đề cập xử lý trong vụ Việt Á, vì sao?
Kết luận điều tra về vụ án Công ty CP Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) và các đơn vị, địa phương liên quan xác định, Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang có ký văn bản về cấp kinh phí hoặc chọn nhà thầu, dẫn tới Nhà nước bị thiệt hại số tiền đặc biệt lớn nhưng không vụ lợi và không có dấu hiệu phạm tội.
Theo đó, tại kết luận điều tra vụ án Công ty Việt Á, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã chỉ rõ doanh nghiệp này vi phạm về đấu thầu trong việc cung cấp test xét nghiệm Covid tại Bắc Giang, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 105 tỷ đồng.
Cụ thể, Công ty Việt Á không trực tiếp cung cấp test cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang mà bán hàng với giá cao thông qua Công ty Phan Anh (ở địa phương). Bị can Lâm Văn Tuấn, cựu Giám đốc CDC Bắc Giang sau đó được chi 5 tỷ đồng tiền “ngoài hợp đồng”.
Trong vụ án, Cơ quan điều tra xác định, ông Dương Văn Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh (hiện là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang) từng ký quyết định về cấp kinh phí cho các đơn vị mua sắm vật tư phòng chống dịch Covid - 19.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng nhận định, ông Thái căn cứ yêu cầu của Trung ương để tổ chức họp Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang, rồi chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bắc Giang và Ban chỉ đạo phòng chống dịch ban hành các kế hoạch, văn bản triển khai việc chống dịch bệnh, giao Sở Y tế và Sở Tài chính chủ động bố trí nguồn vốn để thực hiện mua sắm sinh phẩm chống dịch theo quy định.
“Không có căn cứ xác định ông Thái chỉ đạo, can thiệp trong việc mua Test xét nghiệm của Công ty Việt Á và Công ty Phan Anh”, kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an nêu.
Về quyết định do ông Thái ký bổ sung kinh phí, làm căn cứ để CDC Bắc Giang ký hợp đồng với Công ty Việt Á, Cơ quan điều tra xác định, tại hợp đồng này “không có chi tiền % ngoài hợp đồng”.
“Không có dấu hiệu tội phạm và không có căn cứ xác định ông Thái được nhận lợi ích vật chất từ Công ty Phan Anh và các tổ chức, cá nhân khác, nên không có căn cứ xác định ông Thái có động cơ vụ lợi. Ông Thái đã chủ động báo cáo và tích cực hợp tác với cơ quan chức năng làm rõ bản chất vụ án”, kết luận điều tra thể hiện.
Ông Dương Văn Thái cũng đã bị Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Bắc Giang kiểm điểm, nhắc nhở và rút kinh nghiệm về trách nhiệm liên quan công tác phòng chống dịch. Hồi tháng 3, Văn phòng Trung ương Đảng thông báo ý kiến của Bộ Chính trị về việc không thi hành kỷ luật đối với ông Dương Văn Thái.
Đối với ông Lê Ánh Dương, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh (hiện là Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang), Cơ quan CSĐT cũng xác định, ông này ký các quyết định về việc phê duyệt danh mục, số lượng, dự toán và Kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với 2 gói thầu với tổng số tiền 2.5 tỷ đồng.
Nhưng ông Dương được cho là: “Không biết, không phát hiện ra những sai phạm của CDC Bắc Giang; không thông đồng, không tác động, không can thiệp về giá test xét nghiệm hoặc tạo điều kiện cho Công ty Việt Á, Công ty Phan Anh trong đấu thầu, mua bán, thanh toán tiền Test xét nghiệm”.
Việc ông Dương chỉ đạo bố trí kinh phí mua test xét nghiệm tại thời điểm dịch Covid-19 bùng phát cũng được xác định là phù hợp.
Cơ quan điều tra kết luận, ông Lê Ánh Dương ký các quyết định nêu trên thực hiện chỉ đạo công việc trong giai đoạn chống dịch, không có dấu hiệu tội phạm và không có căn cứ xác định việc ông này nhận lợi ích vật chất từ Công ty Phan Anh và các tổ chức, cá nhân khác. Quá trình điều tra, ông Dương còn chủ động báo cáo và tích cực hợp tác với cơ quan chức năng làm rõ bản chất vụ án.
Tháng 2-2023, ông Lê Ánh Dương bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật khiển trách về những vi phạm, khuyết điểm trong công tác phòng chống dịch. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ cũng ra quyết định kỷ luật khiển trách đối với Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang.
Về các sai phạm “dính líu” đến Công ty Việt Á tại Bắc Giang, cựu Giám đốc CDC địa phương này là Lâm Văn Tuấn và hai bị can liên quan đã bị đề nghị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 222 - BLHS.