Bí thư Vĩnh Phúc: Không để tình trạng nghị quyết ban hành nhưng không thực hiện

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An đề nghị bổ sung vào chương trình các kỳ họp nội dung báo cáo về tiến độ triển khai, kết quả thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh đã ban hành để theo dõi, giám sát kết quả thực hiện, không để xảy ra tình trạng nghị quyết đã ban hành nhưng không triển khai thực hiện.

Sáng 10/7, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII khai mạc kỳ họp thứ 16 để xem xét và quyết định nhiều nội dung quan trọng.

Kỳ họp thứ 16, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng để HĐND tỉnh xem xét, đánh giá một cách khách quan, toàn diện những kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024, chỉ ra những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Cùng với đó, dự báo tình hình, những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức; từ đó, đề ra những cơ chế, chính sách, biện pháp để các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2024 và năm 2025 - năm cuối của nhiệm kỳ.

Phát biểu chỉ đạo kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An cho biết, tỉnh còn những khó khăn, vướng mắc ở nhiều lĩnh vực, như tốc độ tăng trưởng kinh tế còn khiêm tốn, chưa đạt được mục tiêu 2 con số như kỳ vọng. Do đó, cần quyết tâm, quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Trọng Hiếu

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Trọng Hiếu

Trên cơ sở báo cáo của UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cần xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm một cách bài bản. Trong đó, chú ý những vấn đề mà tỉnh còn yếu như: tái cơ cấu ngành công nghiệp, chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, hướng tới thu hút các dự án đầu tư có chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường; ưu tiên các dự án có hàm lượng công nghệ cao...

Bí thư Tỉnh ủy cho biết, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng... Các luật này sẽ có hiệu lực sớm hơn 5 tháng so với trước đây.

Theo quy định, các địa phương sẽ phải ban hành khoảng 20 văn bản quy phạm pháp luật, do đó UBND tỉnh cần khẩn trương cụ thể hóa các quy định của mới của pháp luật để bảo đảm triển khai thực hiện trên toàn tỉnh phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương.

Thường trực, các Ban HĐND tỉnh nghiên cứu, tiếp tục đổi mới chương trình các kỳ họp. Trong quá trình xây dựng chương trình các kỳ họp, đề nghị HĐND tỉnh không chỉ chờ UBND tỉnh trình sau đó mới đưa vào nội dung kỳ họp, mà cần chủ động rà soát hoặc qua giám sát, tiếp xúc cử tri nhận thấy vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương nhưng chưa được thể chế hóa hay cần có chế độ, chính sách đặc thù về một lĩnh vực cụ thể thì nêu vấn đề, giao nhiệm vụ, nhắc nhở, đôn đốc UBND tỉnh nghiên cứu, đề xuất, trình HĐND tỉnh cho ý kiến hoặc quyết định.

Ngoài ra, cần bổ sung vào chương trình các kỳ họp nội dung báo cáo về tiến độ triển khai, kết quả thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh đã ban hành để theo dõi, giám sát kết quả thực hiện, không để xảy ra tình trạng nghị quyết đã ban hành nhưng không triển khai thực hiện.

Trần Hoàng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bi-thu-vinh-phuc-khong-de-tinh-trang-nghi-quyet-ban-hanh-nhung-khong-thuc-hien-post1653735.tpo