Bỉ trì hoãn kế hoạch bàn giao tiêm kích F-16 cho Ukraine, lý do là gì?

Diễn biến với F-16 nhấn mạnh những thách thức mà các quốc gia châu Âu phải đối mặt trong việc cân bằng giữa việc hỗ trợ Ukraine với các nỗ lực hiện đại hóa quốc phòng của chính họ.

Bỉ vừa hoãn kế hoạch chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon đầu tiên cho Ukraine, với lý do thiếu phi công được đào tạo và phụ tùng thay thế.

Hai máy bay đầu tiên, ban đầu dự kiến giao vào cuối năm 2024, sẽ không được chuyển giao trong năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ Ludivine Dedonder xác nhận vào ngày 19/12.

Theo ông Dedonder, sự chậm trễ này liên quan đến quá trình đào tạo phi công Ukraine tốn nhiều thời gian để vận hành các máy bay phản lực thế hệ thứ 4 này, cũng như những rào cản về mặt hậu cần trong việc đảm bảo các phụ tùng thay thế cần thiết cho khả năng sẵn sàng hoạt động của những chú "Chim Cắt".

Một chiếc F-16 của không quân Bỉ bay qua Tây Nam Á trong một nhiệm vụ hỗ trợ Chiến dịch 'Inherent Resolve' vào ngày 8/9/2021. Ảnh: European Security & Defence

Một chiếc F-16 của không quân Bỉ bay qua Tây Nam Á trong một nhiệm vụ hỗ trợ Chiến dịch 'Inherent Resolve' vào ngày 8/9/2021. Ảnh: European Security & Defence

Việc Bỉ trì hoãn kế hoạch bàn giao tiêm kích F-16 diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với Ukraine, quốc gia đang tìm kiếm máy bay chiến đấu do phương Tây sản xuất để chống lại ưu thế trên không của Nga và tăng cường khả năng tấn công của chính mình.

Mặc dù kế hoạch bàn giao bị đẩy lùi khỏi mốc cuối năm 2024, nhưng sự trì hoãn sẽ không quá lâu khi việc chuyển giao hiện được dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2025, tùy thuộc vào tốc độ giải quyết các vấn đề đã xác định.

Diễn biến này nhấn mạnh những thách thức mà các quốc gia châu Âu phải đối mặt trong việc cân bằng giữa việc hỗ trợ Ukraine với các nỗ lực hiện đại hóa quốc phòng của chính họ.

Bỉ không phải là quốc gia duy nhất cam kết chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 đã nghỉ hưu cho Ukraine. Hà Lan, Na Uy và Đan Mạch cũng đã cam kết chuyển giao những cỗ tiêm kích đã ngừng hoạt động của họ để tăng cường năng lực không quân của Kiev.

Những chiếc F-16 đầu tiên do phương Tây cung cấp đã được chuyển giao cho Ukraine vào đầu tháng 8 năm nay – một bước tiến mang tính biểu tượng và chiến lược trong cuộc xung đột đang diễn ra.

Tuy nhiên, việc triển khai không phải là không có khó khăn. Ngay sau khi tiêm kích đến tiền tuyến, một trong số chúng được cho là đã bị hủy trong một sự cố "quân ta bắn nhầm quân mình" liên quan đến hệ thống phòng không của chính Ukraine.

Sự cố này làm nổi bật sự phức tạp của việc tích hợp các nền tảng tiêu chuẩn NATO vào cơ sở hạ tầng quốc phòng chủ yếu từ thời Liên Xô của Ukraine.

Sự cố này cũng phản ánh một thách thức lớn hơn đối với Ukraine: Chuyển đổi quân đội của mình để vận hành hiệu quả các công nghệ của phương Tây.

F-16, mặc dù là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 mạnh mẽ và linh hoạt, nhưng đòi hỏi phải đào tạo lại phi công và phối hợp rộng rãi với các hệ thống trên mặt đất ở Ukraine vốn không được thiết kế để hoạt động cùng với máy bay NATO. Nhu cầu nâng cấp kỹ thuật và điều hòa hệ thống làm tăng thêm một lớp phức tạp nữa.

Bất chấp những thách thức này, các đóng góp kết hợp từ Bỉ, Hà Lan, Na Uy và Đan Mạch cho thấy cam kết mạnh mẽ từ các đồng minh NATO. Riêng Bỉ đã cam kết 36 máy bay F-16, trong khi Hà Lan và Đan Mạch đã cam kết thêm hàng chục máy bay nữa. Con số chính xác của Na Uy vẫn chưa được tiết lộ nhưng dự kiến sẽ tăng thêm đáng kể năng lực cho phi đội của Ukraine.

Những đợt chuyển giao này diễn ra khi Bỉ và các quốc gia tài trợ khác cho nghỉ hưu những chiếc F-16 cũ của họ để chuyển sang các nền tảng tiên tiến hơn như tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II thế hệ thứ 5.

Mặc dù sự thay đổi này cho phép Ukraine có được những chú chim sắt thiện chiến, nhưng nó cũng làm nảy sinh những rào cản về mặt hậu cần, bao gồm cả việc cung cấp phụ tùng thay thế và hỗ trợ bảo dưỡng cho những chiếc F-16 cũ hơn.

Minh Đức (Theo Bulgarian Military)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bi-tri-hoan-ke-hoach-ban-giao-tiem-kich-f-16-cho-ukraine-ly-do-la-gi-204241219211226318.htm