Bị Trung Quốc tẩy chay, tôm hùm Australia tìm thị trường mới
Xuất khẩu tôm hùm đá từ Australia sang Trung Quốc bị chặn đứng sau khi Bắc Kinh trả đũa thương mại Canberra.
Theo South China Morning Post, trước năm 2020, doanh nghiệp đánh bắt và xuất khẩu thủy hải sản của ông Andrew Ferguson ở Nam Australia bán khoảng 450 tấn tôm hùm đá sang Trung Quốc. Tuy nhiên, dịch Covid-19 và đòn trả đũa thương mại của Trung Quốc khiến ông Ferguson mất trắng mối làm ăn này.
Xuất khẩu tôm hùm đá từ Australia sang Trung Quốc đạt 11.000 tấn/năm, nhưng đã bị chặn đứng hoàn toàn từ năm ngoái. Một năm trước, chính phủ Australia kêu gọi điều tra quốc tế về nguồn gốc của dịch Covid-19. Lập tức, chính quyền Trung Quốc cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng Australia để trả đũa, bao gồm rượu vang, lúa mạch, bông, đồng, than đá, đường và tôm hùm.
"Có lẽ chúng tôi đã quá phụ thuộc vào nhu cầu từ Trung Quốc. Đây là bài học quá lớn. Giờ chúng tôi phải xem xét lại chiến lược và tìm những thị trường mới", doanh nhân Ferguson thừa nhận.
Từ năm ngoái, Liên đoàn Nông dân Quốc gia Australia (NFF) đã kêu gọi chính phủ liên bang "đặt ra những ưu tiên dài hạn, rõ ràng cho việc tiếp cận các thị trường mới”.
Trong năm 2019 và 2020, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 91% tổng sản lượng xuất khẩu tôm hùm đá của Australia. Bộ Nông nghiệp Australia xác định trong 5 năm tới, xuất khẩu tôm hùm đá sang Trung Quốc khó quay lại mức như giai đoạn 2013-2019.
Bộ Nông nghiệp Australia cho rằng ngành xuất khẩu tôm hùm có thể hướng đến những thị trường khác nhỏ hơn Trung Quốc. Ông Ferguson cho biết doanh nghiệp của ông đã lên kế hoạch cung cấp tôm hùm đông lạnh cho các siêu thị ở Australia, Mỹ, đặc biệt là châu Âu.
Trước khi Australia và Trung Quốc ký hiệp định thương mại tự do hồi năm 2015, châu Âu là một trong những thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Australia. Ngoài ra, ông Ferguson và các doanh nghiệp khác cũng kéo dài mùa đánh bắt tôm hùm từ 5 tháng lên 12 tháng.
Đầu năm 2021, để hỗ trợ ngành khai thác tôm hùm đá khu vực miền nam, chính quyền Australia cho phép ngư dân kéo dài mùa đánh bắt. “Đó là sự hỗ trợ cần thiết để doanh nghiệp chúng tôi đàm phán với các thị trường mới mà không phải chịu áp lực về sản lượng trong thời gian ngắn”, ông Ferguson chia sẻ.