Bị trúng tên lửa của Houthi, tàu chở dầu khổng lồ có thể gây thảm họa sinh thái

Tàu chở dầu Sounion mang cờ Hy Lạp bốc cháy dữ dội sau khi bị tên lửa của phiến quân Houthi tấn công ngoài khơi Hodeida hôm 21/8. Công ty trục vớt hôm 3/9 thông báo họ đã từ bỏ hoạt động cứu hộ do có độ rủi ro cao.

Tàu Sounion cháy dữ dội sau khi bị trúng tên lửa của Houthi hôm 21/8 (Ảnh: Reuters).

Tàu Sounion cháy dữ dội sau khi bị trúng tên lửa của Houthi hôm 21/8 (Ảnh: Reuters).

Nếu không tìm được giải pháp thích hợp trong thời gian ngắn, con tàu chở dầu có sức chứa cả triệu thùng dầu đang bốc cháy này có thể dẫn đến thảm họa sinh thái biển.

Lực lượng Hải quân Biển Đỏ của Liên minh Châu Âu, chịu trách nhiệm bảo vệ các tàu kéo, từng tuyên bố rằng sau cuộc tấn công vào tàu Sounion, một số đám cháy đã bùng phát trên boong chính, nhưng tạm thời không có dấu hiệu rò rỉ dầu rõ ràng. Tuy nhiên, phiến quân Houthi lại nói họ đã cài đặt các cạm bẫy và chất nổ trên tàu khiến các tàu cứu hộ không dám tiếp cận con tàu này.

 Hình ảnh tàu Sounion cháy hôm 21/8 (Ảnh: Reuters).

Hình ảnh tàu Sounion cháy hôm 21/8 (Ảnh: Reuters).

Hải quân Liên minh châu Âu cho biết, các công ty tư nhân kinh doanh dịch vụ trục vớt cứu hộ cho rằng môi trường tại chỗ không phù hợp cho hoạt động cứu tàu và không đảm bảo an toàn khi thực hiện nên đang nghiên cứu các giải pháp khác.

Hãng tin Reuters đưa tin nếu hoạt động cứu hộ gặp trở ngại, dầu thô từ hầm chứa có thể gây ra vụ rò rỉ tàu chở dầu lớn nhất trong lịch sử. Với khoảng 1 triệu thùng dầu thô trên tàu, người ta lo ngại sẽ xảy ra một vụ tràn dầu thô lớn làm ô nhiễm nghiêm trọng sinh thái Biển Đỏ.

 Con tàu vẫn đang cháy hôm 28/8 (Ảnh: Reuters).

Con tàu vẫn đang cháy hôm 28/8 (Ảnh: Reuters).

Một nguồn tin am hiểu tình hình cho biết, ban đầu các bên liên quan đã đánh giá thấp rủi ro khi trục vớt tàu Sounion. Hiện nay phải cần thêm nguồn lực kỹ thuật và nhân lực để ứng phó và họ không biết phải giải quyết vụ việc như thế nào.

Lực lượng Houthi ở Yemen từ tháng 11 năm ngoái bắt đầu tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa ở vùng biển Biển Đỏ để thể hiện tình đoàn kết với người Palestine đang bị tấn công trong cuộc chiến Hamas - Israel ở Gaza. Trong hơn 70 cuộc tấn công, lực lượng Houthis đã đánh chìm 2 tàu, bắt giữ 1 chiếc khác và giết chết ít nhất 3 thủy thủ.

Theo AP và các cơ quan truyền thông khác, tàu chở dầu khổng lồ Sounion đã bị lực lượng vũ trang Houthi tấn công vào ngày 21/8. Thân tàu bị hư hỏng nặng và một số đám cháy vẫn tiếp tục bùng cháy trên boong mặc dù bản thân con tàu hiện tạm thời không có dấu hiệu rò rỉ dầu rõ ràng. Vụ tấn công này có thể trở thành vụ việc gây thiệt hại nghiêm trọng nhất do lực lượng vũ trang của tổ chức Houthi gây ra cho đến nay.

 Houthi nói đã đặt cạm bẫy và cài thuốc nổ trên tàu khiến các tàu cứu hộ không dám đến gần (Ảnh: Reuters).

Houthi nói đã đặt cạm bẫy và cài thuốc nổ trên tàu khiến các tàu cứu hộ không dám đến gần (Ảnh: Reuters).

Thủy thủ đoàn của Sounion gồm 23 người Philippines và 2 người Nga. Một ngày sau cuộc tấn công, hôm 22/8, thủy thủ đoàn đã được một tàu khu trục nhỏ của Pháp giải cứu trong sứ mệnh SHIELD. Lực lượng Houthi hôm thứ Tư tuần trước (28/8) đã đồng ý để lực lượng cứu hộ kéo con tàu đi và di chuyển nó đến khu vực an toàn, nhưng sau đó lại cảnh báo đã đặt bẫy và cài thuốc nổ trên tàu.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, nhóm vũ trang Houthi được Iran hậu thuẫn đã phóng 2 tên lửa đạn đạo và một máy bay không người lái tự sát, tấn công hai tàu dầu chở đầy dầu thô đi qua Biển Đỏ. Một chiếc là "Blue Lagoon 1" (Đầm xanh 1) treo cờ Panama do Hy Lạp kinh doanh và chiếc tàu có tên "Amjad" do Arab Saudi kinh doanh.

 Biển Đỏ hiện trở thành tuyến hàng hải nguy hiểm vì lực lượng Houthi (Ảnh: Shutterstock).

Biển Đỏ hiện trở thành tuyến hàng hải nguy hiểm vì lực lượng Houthi (Ảnh: Shutterstock).

Lầu Năm Góc nhấn mạnh rằng các cuộc tấn công khủng bố ngang ngược này của lực lượng vũ trang Houthi liên tiếp làm gián đoạn thương mại của khu vực và toàn cầu, đe dọa tính mạng của dân thường và thủy thủ vô tội và an toàn của hệ sinh thái biển. Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác và đồng minh quốc tế để bảo vệ thương mại trên biển và giảm thiểu các tác động môi trường tiềm ẩn.

Theo Singtao, ATVnews

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/bi-trung-ten-lua-cua-houthi-tau-cho-dau-khong-lo-co-the-gay-tham-hoa-sinh-thai-post177915.html