Bị truy thu hơn 821 tỷ đồng, Coca - Cola Việt Nam đã nộp tiền thuế gốc
Ngày 10/1, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: Trong tổng cộng số tiền Coca - Cola Việt Nam bị truy thu, phạt và tiền chậm nộp là hơn 821,4 tỷ đồng, đến nay, Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam đã nộp số tiền thuế gốc hơn 471 tỷ đồng.
Trong đó, số thuế giá trị gia tăng bị truy thu là hơn 60 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 359 tỷ đồng, thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài gần 52 tỷ đồng. Còn số tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp chưa nộp, hiện Coca - Cola Việt Nam đang tiếp tục thực hiện.
Do khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp, Coca - Cola Việt Nam bị cơ quan thuế ra quyết định phạt với số tiền lãi chậm nộp theo quy định pháp luật là 288,6 tỷ đồng (tính đến hết ngày 16/12/2019). Ngoài ra, Coca-Cola Việt Nam còn bị phạt vi phạm hành chính hơn 61,6 tỷ đồng. Tổng cộng số tiền Coca-Cola Việt Nam bị truy thu, phạt và tiền chậm nộp là hơn 821,4 tỷ đồng.
Theo ông Đặng Ngọc Minh, đây là đợt thanh tra kéo dài 9 năm từ năm 2007 - 2015 với nhiều sắc thuế khác nhau, nên số tiền cộng lại của doanh nghiệp lớn. Đại diện Tổng cục Thuế yêu cầu trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định (31/12/2019), Coca - Cola Việt Nam phải nộp số tiền trên vào ngân sách. Hiện Coca - Cola Việt Nam đang trong quá trình thực hiện. Nếu Coca - Cola Việt Nam chậm thực hiện thì phải tiếp tục nộp tiền chậm nộp. Coca - Cola Việt Nam cũng có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện đối với quyết định này.
Trước đó từ tháng 3/2017 - 12/2019, Tổng cục Thuế đã thực hiện một đợt thanh tra thuế, thanh tra lượng hồ sơ trong suốt thời kỳ 9 năm hoạt động của công ty, từ năm 2007 - 2015. Phía Coca-Cola Việt Nam khẳng định: Sẽ tiếp tục làm việc sâu sát cùng các cơ quan Chính phủ về vấn đề này; đồng thời cam kết trong việc hoạt động kinh doanh tại Việt Nam với tinh thần trung thực, tuyệt đối tuân thủ pháp luật.
Coca - Cola Việt Nam đã liên tục báo lỗ kể từ khi hoạt động ở Việt Nam từ 1992 đến cuối năm 2012, lỗ lũy kế đã lên tới 3.768 tỷ đồng, cao hơn cả số vốn đầu tư ban đầu 2.950 tỷ đồng (nghĩa là về mặt kỹ thuật lẽ ra công ty này phải phá sản).
Trong khi đó, thực tế sản lượng doanh nghiệp FDI này liên tục tăng 25%/năm, năm 2014 lại tiếp tục đầu tư mở rộng thêm 210 triệu USD. Nghi án gian lận chuyển giá khá rõ, nhưng bằng chứng để chứng minh lại rất yếu, sau quá trình đấu tranh khó khăn, năm 2013 công ty này mới chịu báo lãi và nộp thuế.