Bị xử phạt, dự án cấp nước sông Đà vẫn thách thức dư luận
Dù đã bị Thanh tra Sở GTVT Hà Nội xử phạt cũng như yêu cầu chấp hành các quy định về đảm bảo ATGT, nhưng đơn vị thi công vẫn phát lờ.
Khu vực thi công dự án không có biện pháp rào chắn, cảnh báo và người điều tiết giao thông tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông (Ảnh chụp ngày 16/3).
Sau khi Tạp chí Giao thông Vận tải (GTVT) phản ánh về tình trạng mất ATGT, không đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình thi công dự án cấp nước sông Đà giai đoạn II đoạn từ Km8 - Km10 đường gom Đại lộ Thăng Long, Thanh tra Sở GTVT TP Hà Nội và các lực lượng chức năng đã nhanh chóng vào cuộc.
Theo đó, dự án có tổng vốn đầu tư 4.300 tỷ đồng do Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà làm chủ đầu tư. Qua kiểm tra thực tế, Đội Thanh tra GTVT huyện Hoài Đức xác định, trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư dự án và đơn vị nhà thầu thi công đã gây mất ATGT và vệ sinh môi trường.
Hiện trạng đơn vị thi công tập kết vật liệu dưới lòng đường gây cản trở giao thông. Tổ công tác cũng nêu rõ đơn vị thi công sai phương án cấp phép của Sở GTVT TP.Hà Nội, không bố trí người hướng dẫn phần luồng giao thông để đảm bảo an toàn giao thông.
Trong khi đó, sau khi nhận được phản ánh của Tạp chí GTVT cũng như kiểm tra thực tế, ngày 4/3, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Trần Nhật Quang đã yêu cầu các đơn vị thanh tra chuyên ngành, phối hợp với Đội TTGT huyện Hoài Đức kiểm tra công tác thi công xây dựng công trình, việc chấp hành các quy định về đảm bảo ATGT, vệ sinh môi trường, làm rõ các tồn tại, vi phạm (nếu có) và nguyên nhân, trách nhiệm có tập thể, cá nhân có liên quan.
Theo ghi nhận của PV Tạp chí GTVT ngày 16/3, đơn vị thi công vẫn không thực hiện đầy đủ các quy định, yêu cầu được ghi rõ trong giấy phép thi công được cấp của Sở GTVT Hà Nội.
Cụ thể, tại khu vực Km8, đường gom đại lộ Thăng Long vẫn xuất hiện tình trạng nhiều phương tiện xe cơ giới như xe tải, xe cẩu,… hoạt động với mật độ dày đặc để thi công dự án nhưng lại không đáp ứng các quy định về đảm bảo an toàn trong thi công, gây ảnh hưởng tới các phương tiện tham gia giao thông khác trên cùng tuyến đường.
Ngoài ra, vật liệu thi công ngổn ngang, bùn đất rơi vương vãi; dọc đoạn đường thi công bụi mù gây nhiều phiền toái cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Lãnh đạo Đội Thanh tra GTVT huyện Hoài Đức khẳng định, nếu đơn vị thi công tiếp tục vi phạm, không khắc phục để đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường,… đơn vị này sẽ kiến nghị Sở GTVT TP Hà Nội thu hồi giấy phép thi công.
Được biết, ngày 30/9/2021, Sở GTVT Hà Nội đã cấp giấy phép thi công công trình đào dải phân cách giữa làn đường cao tốc và đường gom phải, các đường ra vào từ đường gom vào làn cao tốc, đường ra vào các hầm chui Đại lộ Thăng Long (đoạn từ Km7+800 đến Km30+800), các ram trái, phải cầu vượt Hòa Lạc, đường 21, đường nối 21 với Đại lộ Thăng Long, đường 446 thi công xây dựng tuyến ống truyền tải nước sạch từ khu xử lý đến trạm điều tiết Tây Mỗ cho Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà có thời hạn từ 1/10/2021 đến 31/3/2022.
Trong giấy phép thi công được Sở GTVT Hà Nội cấp, đơn vị thực hiện thi công dự án có trách nhiệm thi công an toàn, đúng tiến độ, đảm bảo không ảnh hưởng tới việc lưu thông của các phương tiện khác; Phải có hệ thống biển cảnh báo, rào chắn đúng quy chuẩn nhằm đảm bảo ATGT cho tuyến đường được thi công.
Đồng thời, quy định về vật tư, vật liệu xây dựng cùng các vật liệu được đào lên phải có chỗ tập kết và phải di chuyển ngay, tránh để ùn ứ dưới lòng đường hay trên vỉa hè.
Một số hình ảnh tái diễn vi phạm ATGT, vệ sinh môi trường tại Dự án do PV Tạp chí GTVT ghi nhận ngày 16/3/2022:
Các rào chắn, barie, cọc tiêu, biển báo, đèn tín hiệu, phân luồng giao thông tại dự án không được tổ chức nghiêm túc - là nguyên nhân gây mất ATGT cho người và phương tiện lưu thông (Ảnh chụp ngày 16/3).
Bùn đất được đổ trực tiếp dưới lòng đường giao thông mà không có biện pháp cảnh báo, rào chắn theo quy định (Ảnh chụp ngày 16/3).
Mặt đường lầy lội bùn đất trước cửa hàng ô tô Trung Thượng, Km8 đường gom Đại lộ Thăng Long (Ảnh chụp ngày 16/3).
Bụi mù dọc tuyến đường thi công dự án gây phiền toái cho người tham gia giao thông (Ảnh chụp ngày 16/3).
Các phương tiện phục vụ thi công dự án chiếm dụng 2/3 mặt đường khiến giao thông đi lại khó khăn (Ảnh chụp ngày 16/3).
Vật liệu xây dựng vẫn được đơn vị nhà thầu tập kết trái phép dưới lòng đường (Ảnh chụp ngày 16/3).
Phương tiện cảnh báo sơ sài, không có người phân luồng điều tiết giao thông dẫn đến mất an toàn, đặc biệt trong giờ cao điểm (Ảnh chụp ngày 16/3).
Theo luật sư, trong thời gian thi công dự án nếu xảy ra nguy hiểm cho người đi đường thì chủ đầu tư dự án, nhà thầu thi công chịu hoàn toàn trách nhiệm (Ảnh chụp ngày 16/3).