Bịa chuyện bị cướp kinh hoàng, kình ngư Lochte nói lời xin lỗi
Kình ngư Ryan Lochte (Mỹ) đã phải nói lời xin lỗi khi bị cảnh sát Brazil bóc mẽ hư cấu hoàn toàn câu chuyện anh bị cướp tấn công trong thời gian tham dự Olympic.
Việc nói dối của Ryan Lochte và ba 3 đồng đội của anh đã làm nước Mỹ xấu hổ và giận dữ trong suốt ngày hôm qua. Trước đó, tin báo của họ đã khiến chính quyền Brazil phải thành khẩn xin lỗi vì đã gây hoang mang cho các VĐV cũng như du khách đến Brazil trong thời gian diễn ra Olympic.
Lochte dựng lên một câu chuyện mình và các đồng đội James Feigen, Jack Conger, Gunnar Bentz đã bị một nhóm cướp giả dạng cảnh sát dùng súng chĩa vào đầu, kéo cả đám ra khỏi taxi để cướp tiền và điện thoại. Khi cảnh sát vào cuộc, họ phát hiện câu chuyện hoàn toàn khác.
Thực tế theo hình ảnh camera quay được ở cây xăng rạng sáng 14-8 (giờ địa phương) cho thấy khi taxi chở bốn kình ngư Mỹ ghé vào một trạm đổ xăng để họ đi vệ sinh. Do cửa phòng vệ sinh bị khóa, bốn anh chàng này đã... tè bậy lên tường.
Thấy vậy, nhân viên bảo vệ yêu cầu họ bồi thường thiệt hại là 30 USD nhưng nhóm VĐV không đồng ý, định bỏ đi. Nhân viên bảo vệ này đã rút súng ra, gây áp lực buộc Lochte và bạn bè phải móc ví nộp phạt mới cho rời đi.
Theo pháp luật Brazil, với câu chuyện hư cấu này, nhóm VĐV người Mỹ có thể phải đối mặt với mức án sáu tháng tù. Hôm qua, tòa án Brazil đã yêu cầu tịch thu hộ chiếu của cả bốn người để điều tra. Tuy nhiên, Ryan đã về Mỹ trước đó còn Jimmy Feigen, Gunnar Bentz và Jack Conger bị giữ lại.
Sau đó, Feigen được trả lại giấy tờ trong thỏa thuận hiến tặng 11.000 USD cho một tổ chức từ thiện. Bentz và Conger sau đó cũng được phép hồi hương khi cảnh sát xác định toàn bộ câu chuyện do Lochte khởi xướng.
Sau vụ này, hình ảnh Ryan Lochte bị xấu đi đáng kể. Chính người Mỹ gọi anh là “kẻ dối trá” và “người Mỹ xấu xí”. Tại Olympic, một số băng rôn được treo lên với hàng chữ: "Ryan Lochte nói dối”.
Trong văn hóa Mỹ, nói dối là hành động không thể chấp nhận được, nó được xem như một trọng tội.
Lochte phải nói lời xin lỗi và chờ một án phạt thích đáng. Trong khi đó, Ủy ban Thế vận hội Hoa Kỳ (USOC) cũng phải gửi lời xin lỗi đến chủ nhà Olympic Brazil: “Thái độ của các VĐV là không thể chấp nhận được. Nó không đại diện cho toàn đội tuyển hay số đông các VĐV khác. Chúng tôi sẽ xem xét và có biện pháp xử lý khi bốn VĐV này trở về Mỹ”.