Bia hơi chỉ dùng cốc 'cóc gặm': Minh chứng bảo thủ, kém năng động ở Hà Nội?
Việc uống bia hơi bằng cốc 'cóc gặm' và sự cố chấp giữ nếp cũ cho thấy nét bảo thủ của người Hà Nội, tính cách khiến thành phố kém năng động hơn nhiều vùng đất khác.
Tác giả bài “Uống bia hơi Hà Nội nhất định phải cốc 'cóc gặm', người ta đang quá bảo thủ?” đã nêu một vấn đề khá thú vị. Quả thật, ngoài cái cốc, chúng ta có thể nhìn thấy tính kiên định giữ gìn nếp cũ đến mức cố chấp này của người Hà Nội trong nhiều sự việc khác.
Chẳng hạn, người ta sẵn sàng bỏ ra cả nửa tiếng xếp hàng trước một quán phở được coi là chuẩn mực của phở Hà Nội, ra quầy gọi món, rồi tự bê bát phở đầy ặp nóng bỏng tay kiên nhẫn đứng cạnh khách hàng khác, chờ họ ăn xong để được thế chỗ. Vì đã mặc định ăn phở phải đến quán X, họ nhất định không sang hàng khác để đổi lấy sự thoải mái, dù quán khác chưa chắc đã kém ngon, lại phục vụ nhanh hơn, tốt hơn.
Cũng giống như vậy, con phố nọ có dăm bảy hiệu bánh trung thu truyền thống, chất lượng một chín một mười, nhưng hầu như khách chỉ tập trung ở một hiệu được coi là “chân truyền” của nhà làm bánh nổi tiếng. Họ xếp hàng rồng rắn cả buổi làm tắc nghẽn đường đi; họ cãi nhau, mắng nhau, thậm chí thuê người xếp hàng mua hộ. Hàng xóm nhà ấy chỉ mở dịch vụ trông xe cũng đã kiếm bộn tiền.
Rồi thì bún mắng cháo chửi gần như cũng chỉ phổ biến ở Hà Nội, nơi sự cố chấp về tiêu chuẩn món ăn ngon, đúng vị khiến người ta nhiều khi quên mất những yếu tố khác. “Nghề ăn cũng lắm công phu”, người ta không chỉ chịu mất thời gian, chịu cực xếp hàng, bưng bê, đợi chờ trong không gian chật như nêm mà còn chịu mắng nữa, dù nhiều người trong số họ thừa tiền đi ăn chỗ sang chảnh hơn.
Quay lại chuyện cái cốc bia “cóc gặm”, nó vốn không phải truyền thống, không phải cái đẹp. Dù được thiết kế bởi một họa sĩ, ngay ở thời điểm ra đời mấy chục năm trước, chiếc cốc này cũng chưa từng được coi là đẹp mà chỉ để giải quyết nhu cầu đồ đựng trong thời buổi thiếu thốn trăm bề: Có cốc để uống bia là tốt lắm rồi, thôi thì từ đám thủy tinh phế liệu, làm sao để tạo ra cái cốc tươm tất nhất có thể là được, miễn rẻ và dễ làm.
Nó được chấp nhận, trở thành quen thuộc và găm vào ký ức bao người Hà Nội. Cảm xúc mà bia hơi Hà Nội tạo nên thực ra đến từ nhiều thứ: Hương vị tuyệt vời của bia, không gian phố cổ, niềm vui hàn huyên với bạn bè, và cảm giác bay bổng thoát ly thực tại, tạm quên những căng thẳng của cuộc mưu sinh… Chiếc cốc xanh xù xì do cơ duyên mà có mặt trong đó, đi vào thói quen và bị ngộ nhận là bản sắc. Mà với người Hà Nội, cái gì đã quen rồi thì ít khi chịu bỏ.
Ngay chuyện ăn uống đã cho thấy, người Hà Nội thường đúc kết mọi thứ thành tiêu chuẩn, thước đo, rồi tích cực dùng cái thước ấy trong cuộc sống thường ngày. Sự khó tính, cầu toàn và cầu kỳ thường thấy ở dân cư đất kinh kỳ, đất có bề dày văn hiến khiến người ta luôn muốn loại trừ những gì không đạt chuẩn. Nhiều khi người ta quá câu nệ vào khuôn thước đến quên mất rằng nó cũng chỉ là công cụ mà thôi. Và khi coi thứ gì đó là chuẩn mực, họ mất rất nhiều thời gian để nhận ra rằng thứ khác nó cũng rất tuyệt, và mất nhiều thời gian hơn nữa để thừa nhận, tiếp nhận.
Một anh bạn tôi làm quản lý cho doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài cho biết, nhãn hàng của anh đã vào TP.HCM khá lâu nhưng vẫn đang ngần ngại trong việc tiến ra Hà Nội, vì sợ người Thủ đô chỉ thích những thứ quen dùng. Kinh nghiệm thất bại của nhiều đối thủ trước đó khiến công ty anh thận trọng, dù việc chinh phục khách hàng Hà Nội là mục tiêu lớn. “Hà Nội khá bảo thủ, nếu so với nhiều thành phố năng động khác”, anh nhận xét.
Nhiều người sẽ nói, bảo thủ thì đã sao? Chẳng phải tinh thần lưu giữ, bảo tồn đã giúp hội tụ, trầm tích bao nhiêu tinh túy từ mọi miền, qua nhiều thế kỷ để làm nên Hà Nội nghìn năm văn hiến hay sao? Quả có thế. Nhưng cũng nên nhìn từ một góc khác. Bảo thủ mang tính đóng, trong khi tốc độ biến chuyển của thế giới ngày nay lại yêu cầu tính mở. Hai hướng vận động này cần có sự cân bằng để phát triển mà vẫn ổn định, vẫn giữ được bản sắc riêng. Thiên về đóng, chúng ta sẽ chậm tiếp nhận cái mới, chậm thay đổi.
Người Hà Nội tinh tế và thanh lịch, tài hoa và trí tuệ, đầy kiêu hãnh, là niềm tự hào của văn hóa Việt. Nhưng phải chăng nếu cởi mở hơn, nếu bớt bảo thủ, thành phố sẽ phát triển năng động hơn hiện nay?
(*) Ý kiến độc giả không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của VTC News