Bia tưởng niệm Quán Ngang và tấm lòng người anh hùng

Chắc hẳn những người con của mảnh đất Gio Linh sinh ra và lớn lên trong khói lửa chiến tranh đều biết đến căn cứ quân sự Quán Ngang. Đây là căn cứ có quy mô lớn, tập trung bộ máy đầu não của chính quyền Sài Gòn để điều hành và quản lý về mặt hành chính, quân sự, làm 'bàn đạp' xâm chiếm miền Bắc. Vì thế căn cứ Quán Ngang là chứng tích chiến tranh tiêu biểu trên vùng đất Gio Linh.

 Khởi công xây dựng Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Di tích Quán Ngang. Ảnh: HNK

Khởi công xây dựng Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Di tích Quán Ngang. Ảnh: HNK

Trong những năm hoạt động tại căn cứ, Mỹ- ngụy đã tập trung mở rộng phạm vi hoạt động và đầu tư các phương tiện kỹ thuật, vũ khí hiện đại, hỏa lực mạnh nhằm mục đích phòng thủ, chi viện, càn quét, đánh phá phong trào cách mạng trên địa bàn. Bên cạnh đó, chúng còn duy trì một lực lượng lớn quân đồn trú, gồm cố vấn, lính bộ binh, pháo binh Mỹ... tại các khu vực như đồn C1, chi khu quân sự và khu hành chính. Với bộ máy tổ chức hoạt động chặt chẽ từ quận xuống xã, thôn, chính quyền Sài Gòn đã gom người dân 5 xã Gio Hà, Gio Mỹ, Gio Lễ, Gio An, Gio Sơn vào khu tập trung trong căn cứ Quán Ngang, thực hiện chính sách “bình định nông thôn” và kế hoạch “tát nước bắt cá” ở vùng nam khu phi quân sự. Bởi vậy, địa điểm căn cứ Quán Ngang là nơi ghi dấu tội ác của Mỹ - ngụy, đồng thời là nơi thể hiện tinh thần đoàn kết, anh dũng, ý chí kiên cường, bất khuất của quân và dân Gio Linh trong kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của chính quyền cách mạng và phát huy truyền thống chống giặc ngoại xâm kiên cường, bất khuất của ông cha, nhiều người con ưu tú của quê hương Gio Linh đã vượt lên mọi khó khăn, thử thách, một lòng theo Đảng, theo cách mạng, sẵn sàng hy sinh máu xương để giành độc lập, tự do, bảo vệ từng tấc đất của quê hương.

Giờ đây, những năm tháng, sự kiện ấy đã đi vào quá khứ, đất nước đang trên đà xây dựng và phát triển nhưng nỗi đau thương, mất mát đó mãi mãi nhắc nhở chúng ta về tội ác của chiến tranh và giá trị cao cả của hòa bình, thống nhất. Đối với những người lính đã từng vào sinh ra tử, tham gia chiến đấu trên mảnh đất quê hương như anh Trương Đức Hai khi trở lại đời thường vẫn trăn trở không nguôi trước sự hy sinh của đồng đội. Anh Hai nhớ lại: “Đầu năm 1972, tôi được huyện Gio Linh điều về tăng cường cho xã Gio Sơn, một xã vùng trắng, bởi dân ở đây đã bị địch gom vào khu tập trung Quán Ngang. Là cán bộ quân sự địa phương, tôi đã sáng tạo ra nhiều cách đánh táo bạo và giành nhiều thắng lợi. Đặc biệt là trận phối hợp với đơn vị C4 bộ đội địa phương huyện Gio Linh đánh vào chi khu Quán Ngang, giải thoát người dân ra khỏi khu tập trung. Đây là trận đánh nằm trong chiến dịch tổng tấn công mùa xuân năm 1972 của toàn chiến trường Quảng Trị.

Sau chiến dịch giải phóng Quán Ngang thắng lợi, tôi được cử làm Chủ tịch UBND cách mạng xã Gio Sơn, đưa dân trở về quê cũ, ổn định nơi ăn ở, khắc phục hậu quả chiến tranh và phát triển sản xuất. Bước lên từ lòng đất với hai bàn tay trắng, cùng với sự nỗ lực của người dân tiến hành rà phá bom mìn, khai hoang, phục hóa, tăng gia sản xuất để ổn định cuộc sống cho hàng ngàn người từ nơi sơ tán trở về. Nhưng cũng từ trận đánh đó và nhiều trận tập kích khác cho đến bây giờ tôi vẫn không nguôi quên những gương mặt đồng đội, đồng chí của mình đã nằm xuống mảnh đất này. Cảm phục trước sự anh dũng, ngoan cường của các đồng đội, tôi cứ tâm niệm và tự nhủ với lòng mình phải có trách nhiệm làm một công việc gì đó đền đáp lại sự mất mát, hy sinh của các anh”.

Với nỗi niềm ưu tư trĩu nặng ấy trong suốt mấy mươi năm sau hòa bình, anh Trương Đức Hai vẫn ấp ủ ý tưởng xây dựng tại địa phận Quán Ngang một công trình để ghi dấu công lao của đồng đội cũng như làm nơi gặp gỡ, hội tụ để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Vậy nên trong lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, anh Trương Đức Hai đã dành toàn bộ số tiền thưởng để xây dựng bia tưởng niệm, khởi động ý tưởng quyên góp xây dựng Nhà tưởng niệm ở Di tích khu căn cứ Quán Ngang. Suốt gần chục năm trời, anh Hai lặn lội từ Nam chí Bắc tìm gặp lại những đồng đội năm xưa, gõ cửa các mạnh thường quân để tìm kiếm sự ủng hộ cả tinh thần lẫn vật chất. Cảm kích trước tấm lòng của người anh hùng nên ý tưởng xây dựng tượng đài đã được nhiều người đồng lòng ủng hộ. Giữa năm 2019, công trình Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Di tích khu căn cứ Quán Ngang được xây dựng với vốn đầu tư hơn 2 tỉ đồng trên diện tích 2.092 m2. Nhà bia được chia làm 3 khu vực chính gồm: Khu vực sân bãi đỗ xe; khu vực sân hành lễ nằm giữa khu đất; khu vực nhà bia và phần đế nhà bia. Bia tưởng niệm được làm từ đá nguyên khối với chiều cao 13,2m. Với số tiền quyên góp từ các đồng đội và các mạnh thường quân cùng với ngân sách của huyện Gio Linh, công trình được xây dựng đã đáp ứng được tâm nguyện của anh hùng Trương Đức Hai và những đồng đội còn sống đối với chiến công của quân dân Gio Linh anh hùng.

Hân hoan trong buổi sáng nắng nhuộm vàng trên đất trời Quán Ngang, người anh hùng một thời trận mạc Trương Đức Hai bùi ngùi chia sẻ: “Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, tại khu căn cứ Quán Ngang đã có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 31 bộ đội đặc công, các đơn vị bộ đội địa phương anh dũng hy sinh và mãi nằm lại ở mảnh đất này. Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” và để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, sau bao nhiêu năm tôi cùng đồng đội ôm ấp ý tưởng xây dựng ở đây một công trình kỷ niệm nhằm ghi dấu chiến công, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Công trình này sau khi hoàn thành không chỉ là nơi tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ mà còn làm nơi để hội họp các nhân chứng lịch sử, là điểm đến tham quan, tìm hiểu cho du khách gần xa”.

Hồ Nguyên Kha

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=147940