Bích Hồng tái xuất với MV mới về Hà Nội đẹp tựa phim điện ảnh
Ngày 6/10, ca sĩ Bích Hồng chính thức phát hành MV mới 'Người con của dòng sông'. MV được Bích Hồng đặc biệt chọn ra mắt đúng dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023).
Bích Hồng dùng sản phẩm âm nhạc đặc biệt này để tri ân, tôn vinh Hà Nội, mảnh đất gắn bó với cô từ lúc thơ bé đến khi là một ca sĩ thành danh, trở thành một giảng viên thanh nhạc tại Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam dìu dắt bao thế hệ sinh viên trưởng thành, đồng thời ca ngợi những người chị, người mẹ đã một đời âm thầm như dòng sông, dùng tình yêu sâu nặng của mình để bồi đắp cho thế hệ tương lai.
Ca khúc "Người con của dòng sông" là sáng tác mới của nhạc sĩ Xuân Trí, MV do đạo diễn Trần Xuân Chung thực hiện.
Có người cho rằng, nghe "Người con của dòng sông" thấy phảng phất bóng dáng của NSND Thu Hiền. Bích Hồng thừa nhận, cô có ảnh hưởng từ NSND Thu Hiền từ khi bắt đầu thi Sao Mai 2011 được quen biết NSND Thu Hiền và sau đó được theo học cô ở trường Nhạc Viện. Bích Hồng thấy NSND Thu Hiền hát rất mộc mạc, cách nhả chữ rất hay, tình cảm.
Bích Hồng cho biết, đã 6 năm cô mới ra mắt sản phẩm mới. Đây là tác phẩm rất tâm huyết, ý nghĩa đối với cô. Cả ê-kíp vất vả trong gần ba năm mới thực hiện được MV sau nhiều lần hoãn vì mưa bão, Covid-19.
MV lập tức gây chú ý với giới chuyên môn và khán giả vì phần âm nhạc dễ nghe, dễ cảm mà sâu lắng, giọng hát Bích Hồng nhẹ nhàng, đằm đượm, da diết đi vào lòng người. Đặc biệt, phần hình ảnh của MV do đạo diễn Trần Xuân Chung thực hiện đẹp như một thước phim điện ảnh, cùng giọng hát của Bích Hồng khắc họa nên một câu chuyện nhiều ám ảnh, khó quên.
Câu chuyện MV kể về một tình bạn đẹp thời thơ ấu. Cô gái là con của một gia đình làm nghề hát tuồng dọc bờ sông. Gia đình cô quanh năm suốt tháng đi thuyền dọc theo dòng sông Hồng đi diễn tại các làng quê Bắc Bộ. Cậu bé như bao đứa trẻ khác trong vùng, mỗi ngày gánh tuồng tới đều háo hức, hân hoan. Những ngày gánh tuồng rời đi, đám trẻ tíu tít đưa cô gái ra đến tận bờ sông và cứ chạy theo cho đến khi con thuyền khuất hẳn. Một lần trước khi gánh hát đi, cậu bé chạy tới tặng cho cô bé chiếc mặt nạ tuồng bằng gốm nung mà cậu đã tự tay thực hiện. Chiếc mặt nạ ấy giống như một tín vật, mang theo bao luyến lưu của một tình cảm trong veo thuở thiếu thời.
20 năm sau, chiếc thuyền quen thuộc ngày nào lại thấp thoáng từ xa tiến tới. Cuộc sống không còn ngày nhộn nhịp khác thường khi gánh hát đến như xưa nữa. Đêm diễn rất vắng khán giả bởi thời cuộc, người ta đã không còn mặn mà với gánh hát năm nào, chỉ có lác đác vài người tới xem. Biết cô gái buồn, chàng trai đã lén tự hóa trang mặt mình như diễn viên tuồng thật sự như đã từng thấy từ người nghệ sĩ già năm nào và cùng cô tập những động tác tuồng đầy hào hứng. Một tình cảm trong trẻo thuần khiết cùng tình yêu một bộ môn nghệ thuật truyền thống như trăng sáng giữa đêm yên tĩnh, trong những khuôn hình thật mơ mộng bên dòng sông.
Thế nhưng, cô gái không ở lại bên sông, chàng trai lại tiễn cô gái như mọi lần, như bao năm qua vẫn vậy. Cô gái gửi lại chàng trai chiếc mặt nạ gốm ngày nào mà cô luôn mang bên mình, đã hoàn thiện những nét vẽ để trở nên sống động. Mỗi nét vẽ ấy, đều chứa đựng niềm thương, nỗi nhớ năm của cô gái về tình cảm ban sơ nơi bến sông năm nào.
6 năm mới ra sản phẩm mới, Bích Hồng thừa nhận mình "hơi lười", không chăm chỉ như em gái Thu Hằng vì quá bận công việc giảng dạy và bảo vệ luận án Tiến sĩ.
Nhận xét về sản phẩm âm nhạc mới của học trò, NSND Thu Hiền chia sẻ, MV gợi lại trong bà cả một tuổi thơ. Từng trưởng thành từ nhà hát tuồng, bà cảm thấy có nhiều tương đồng với nhân vật nữ chính trong bài hát. Bà cũng thấy hãnh diện vì thế hệ trẻ như Bích Hồng tiến bộ rất nhiều.
NSND Quốc Hưng thì nhận xét: "Toàn bộ MV như gói tuổi thơ tôi ở đó. Nhà tôi cũng ở ven sông, mỗi khi làng có một đoàn tuồng, đoàn chèo về , cả làng đổ ra rất sớm, không mang chiếu thì xếp gạch, nấu cơm sớm ra giành chỗ. Tác phẩm viết cảm xúc, phối khí cảm xúc cộng thẻm một giọng hát rất cảm xúc đã làm nên một bài hát rất nhiều cảm xúc, rất tuyệt vời".