Bidenomics gây dựng lại vị thế kinh tế Mỹ?

Tổng thống Mỹ Joe Biden quảng bá rầm rộ về Bidenomics nhằm giành ưu thế với đối thủ đáng gờm - cựu Tổng thống Donald Trump, trong cuộc bầu cử tổng thống năm tới.

Bidenomics sẽ là trọng tâm trong chiến dịch tái tranh cử năm 2024 của Tổng thống Joe Biden. (Nguồn: Nerdwallet)

Bidenomics sẽ là trọng tâm trong chiến dịch tái tranh cử năm 2024 của Tổng thống Joe Biden. (Nguồn: Nerdwallet)

Nhà lãnh đạo Mỹ đã giao cho người đồng tranh cử của mình - Phó Tổng thống Kamala Harris đi khắp nước Mỹ với một mục đích chính là kêu gọi phiếu bầu của giới trẻ, qua đó, quảng bá về những tác động từ Học thuyết kinh tế Biden (Bidenomics) khi người dân Mỹ vẫn còn nhiều băn khoăn về nền kinh tế đất nước.

“Bidenomics là tương lai”

Tổng thống Mỹ Joe Biden từng không thích thuật ngữ Bidenomics và có lần nói đùa rằng “không biết đó là cái quái gì”. Tuy nhiên, gần đây, ông chấp nhận cách viết tắt đó cho chính sách kinh tế của mình và vạch ra kế hoạch lớn nhằm khôi phục “giấc mơ Mỹ” trước thềm cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024.

Đảng Cộng hòa sớm sử dụng từ “Bidenomics” như một cách công kích chính sách này, nhưng khi Tổng thống Biden nhận ra rằng, các chính sách bắt đầu có tác động tích cực thì ông đã tự áp dụng thuật ngữ này.

Trong bài phát biểu khoảng nửa giờ tại Chicago hồi cuối tháng Sáu, Tổng thống Mỹ quả quyết sẽ khôi phục “giấc mơ Mỹ”. Theo ông, tầm nhìn Bidenomics là bước đột phá cơ bản so với lý thuyết kinh tế vốn đã không đáp ứng kỳ vọng của người dân Mỹ trong bốn thập kỷ qua, những người làm việc chăm chỉ hơn bao giờ hết không thể tiến lên phía trước...

Bidenomics là trọng tâm trong chiến dịch tái tranh cử năm 2024 của ông Biden. Nhà lãnh đạo Mỹ định nghĩa Bidenomics là sự đảo ngược của “kinh tế học nhỏ giọt”, vốn ưu tiên lợi ích của người giàu hơn lợi ích của tầng lớp trung lưu, giúp người nghèo có cái thang để đi lên và người giàu vẫn làm tốt việc của họ.

Lý thuyết “kinh tế học nhỏ giọt”, nổi bật trong chính sách kinh tế của các đời Tổng thống thuộc đảng Cộng hòa, là chính phủ giảm thuế và tạo ra lợi ích cho các doanh nghiệp và những người giàu có, những tác động tích cực sau đó sẽ được “nhỏ giọt” xuống các tầng lớp khác trong xã hội. Còn học thuyết kinh tế mới của Tổng thống Biden sẽ là xây dựng từ dưới lên – “những gì chúng tôi luôn làm tốt nhất, đó là đầu tư vào người dân Mỹ”, như ông Biden phát biểu.

Một số tin tốt cho cả ông Biden và nước Mỹ như lạm phát giảm hơn một nửa kể từ mức đỉnh điểm, nâng lương thực tế của người lao động và cải thiện triển vọng việc làm (tỷ lệ thất nghiệp ở mức dưới 4% kể từ tháng 2/2022).

Tuy nhiên, người dân Mỹ dường như vẫn không cảm thấy an tâm về nền kinh tế. Cuộc thăm dò mới nhất của Công ty Tư vấn và phân tích Gallup (Mỹ) cho thấy, 76% người Mỹ được hỏi cho rằng, điều kiện kinh tế quốc gia đang trở nên tồi tệ hơn. Các cuộc thăm dò của NBC News và ABC News cũng cho thấy tỷ lệ tán thành đối với nền kinh tế Mỹ dưới thời ông Biden lần lượt chỉ ở mức 37% và 36%.

Micah Roberts, nhà thăm dò ý kiến của NBC News, bình luận: “Có sự khác biệt rõ ràng giữa chiến dịch Bidenomics và những gì mọi người thực sự cảm thấy”.

Điều này được cho có liên quan đến những ưu tiên lập pháp chính mà Bidenomics chưa thể chạm tới. Và bởi những “kỷ lục” khó khăn diễn ra trong nhiệm kỳ của ông Biden, như lạm phát trong năm ngoái có lúc tăng lên mức cao nhất trong 40 năm, khủng hoảng vật giá leo thang, thiếu lao động và gián đoạn chuỗi cung ứng… ăn sâu vào tâm trí nhiều người Mỹ, ngay cả khi một số khó khăn bắt đầu giảm, tin tốt xuất hiện gần đây.

Trong bối cảnh đó, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Nhà Trắng Brian Deese, cũng là người chịu trách nhiệm phần lớn về Bidenomics, tin rằng, Bidenomics là tương lai, là cần thiết nếu nước Mỹ muốn đạt được các mục tiêu đặt ra như chống biến đổi khí hậu, công nghệ không carbon...

Niềm tự hào và thách thức

Tổng thống Biden từng giải thích triết lý của ông được xây dựng trên ba trụ cột gồm: đầu tư công, trao quyền và đào tạo người lao động, đồng thời thúc đẩy cạnh tranh.

Với đầu tư công, chính quyền Mỹ tập trung vào cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch và chất bán dẫn; về đào tạo, chính phủ hỗ trợ để trang bị tốt cho người lao động các kỹ năng làm những công việc của tương lai; và để thúc đẩy cạnh tranh, Bidenomics sẽ tập trung vào việc giảm chi phí và tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp nhỏ. Song, thách thức trước mắt và đáng kể đối với ông Biden và bà Harris là cách giải thích các gói chính sách kinh tế gần đây, vốn đang làm người dân Mỹ bối rối và các đồng minh phương Tây hoang mang.

Trong chuyến thăm bang New Mexico hồi tháng 8/2023, phát biểu tại lễ động thổ một dự án nhà máy turbine gió, Tổng thống Biden ca ngợi chính sách Bidenomics đã hồi sinh các ngành sản xuất, cũng như thúc đẩy những lĩnh vực mới, như năng lượng tái tạo. Đây sẽ là cú hích lớn thúc đẩy làn sóng đầu tư sản xuất tại Mỹ mạnh mẽ hơn trong tương lai.

“Các bạn có biết tổng cam kết đầu tư từ Đạo luật CHIPS và Khoa học hiện là bao nhiêu không? 230 tỷ USD. Chúng ta tiếp tục đầu tư vào sản xuất để khắc phục chuỗi cung ứng, như vấn đề thiếu hụt chip bán dẫn hồi đại dịch”, ông nói.

Sự hậu thuẫn từ chính phủ có thể khiến các nhà đầu tư Mỹ yên tâm song hệ quả từ Bidenomics đang tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, vốn đang cố gắng tìm hiểu xem các nhà lãnh đạo của họ nên phản ứng ở mức độ nào, nhất là trong bối cảnh khối lượng thương mại thế giới đang giảm đồng loạt tại Trung Quốc, châu Âu và Mỹ. Hơn nữa, trước các gói chính sách của Mỹ, EU quyết định “không khôn ngoan nếu đi quá xa trong việc giảm ảnh hưởng của Trung Quốc” ở châu Âu.

Bối cảnh này dẫn Bidenomics đến đâu là điều khó nói trước? Tuy nhiên, niềm tự hào của chính quyền Tổng thống Biden về những con số đầu tư khủng, cũng là những thách thức mà nước Mỹ sắp phải đối mặt. Bởi thực tế, ngay cả với chính ngành chip, việc thúc đẩy tiến độ các dự án mới vẫn còn chậm chạp và chi phí vận hành cao, báo hiệu còn nhiều thách thức để nền kinh tế Mỹ gây dựng lại vị thế với ngành này, cũng như các lĩnh vực then chốt khác thời gian tới.

Các khoản đầu tư dài hạn, những nỗ lực của ông Biden nhằm xây dựng lại ngành sản xuất của Mỹ, tạo ra hàng triệu việc làm mới, giúp khử carbon cho nền kinh tế… sẽ cần thời gian mới thấy được kết quả.

Sau hai năm theo đuổi chính sách chi tiêu lớn, người Mỹ vẫn chưa thể có ấn tượng tốt với kinh tế trong nước và mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn nếu xảy ra một cuộc suy thoái trước ngày bầu cử.

Bởi vậy, liệu Bidenomics có giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri Mỹ trong năm bầu cử 2024 hay không còn là điều khó đoán.

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bidenomics-gay-dung-lai-vi-the-kinh-te-my-246804.html