BIDV đấu giá khoản nợ hơn 600 tỷ của Inox Hòa Bình
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ hơn 600 tỷ của CTCP Inox Hòa Bình và Công ty TNHH SX và TM Hòa Bình.
Theo đó, tại thời điểm 31/3, CTCP Inox Hòa Bình có tổng dư nợ tại BIDV là 273,6 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 138,7 tỷ, còn lãi là 134,8 tỷ đồng.
Khoản nợ này có 3 tài sản bảo đảm là bất động sản, trong đó có quyền sử dụng 85 m2 và 126 m2 đất cùng tại ngõ 376 đường Bưởi, Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội; và 120.8m2 đất và nhà ở tại số 913 đường Giải Phóng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Đối với khoản nợ của Công ty TNHH SX và TM Hòa Bình, tại thời điểm 31/3 là hơn 340 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 164,8 tỷ và lãi là 175 tỷ đồng.
Tài sản bảo đảm của khoản nợ này là đất và các loại máy móc. Cụ thể là máy đánh bóng thép không gỉ, máy dập xoắn ống thép không ghỉ và máy dập đốt trục ống thép, máy hàn Lepao Tig Star, máy cuốn ống thép không gỉ, máy đánh bóng ống thép… Ngoài ra là 2 lô đất tại 193 Phố Huế, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Giá khởi điểm của hai khoản nợ này đều bằng tổng dư nợ gốc và lãi của khoản nợ. Hai công ty này đều có địa chỉ tại thôn Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Trước đó hồi năm 2018, Agribank cũng đã bán đấu giá toàn bộ khoản nợ đến cuối năm 2017 gần 91 tỷ đồng có tài sản bảo đảm của Inox Hòa Bình với giá khởi điểm là hơn 75 tỷ đồng.
Thương hiệu inox Hòa Bình bao gồm hai nhà máy sản được thiết kế với tổng công suất 35.000 tấn sản phẩm/năm, với sản phẩm là cuộn inox cán nguội và ống, hộp thép inox các loại kích cỡ.
Doanh thu của Công ty liên tục có sự tăng trưởng vượt bậc. Tính riêng trong năm 2010, Inox Hòa Bình đạt doanh thu 2.500 tỷ đồng.
Nhưng từ năm 2017, Inox Hòa Bình gặp khó khăn về nguồn vốn, do đó mọi hoạt động sản xuất và kinh doanh chỉ cầm chừng. Bên cạnh từ thị trường và nền kinh tế nói chung, Inox Hòa Bình còn gặp phải tình trạng khó khăn riêng do chính nội tại của việc mở rộng đầu tư, sử dụng nguồn vốn ngắn hạn sang đầu tư dài hạn dẫn đến thiếu vốn sản xuất; đồng thời do việc lấy vốn ngắn hạn để trả lãi vay khiến thâm hụt vốn quay vòng, sản lượng và doanh thu sụt giảm nhanh chóng trong các năm vừa qua.
Và một loạt các hệ lụy kéo theo, không có nguồn vốn để mua nguyên vật liệu cho sản xuất, doanh thu không đảm bảo chi trả cho các chi phí sản xuất, chi phí quản lý bộ máy,… Do vậy, sau mỗi vòng quay sản xuất, nguồn vốn quay lại cho hoạt động tái sản xuất lại giảm đi 1 lượng đáng kể và cứ liên tục kéo dài trong suốt nhiều năm vừa qua khiến cho sản xuất và kinh doanh lao dốc.