BIDV ghi nhận hơn 6,6 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trong quý đầu năm
Đến hết quý I/2023, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã chứng khoán: BID) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt trên 6,6 nghìn tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ.
Các kết quả kinh doanh khác cũng rất khả quan, bám sát kế hoạch đề ra. Cụ thể, tổng tài sản đạt trên 2 triệu tỷ đồng; dư nợ tín dụng đạt trên 1,57 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 5% so với cuối năm 2022; huy động vốn đạt trên 1,65 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 2,3%; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,4%.
Đây là những thông tin mới nhất được ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc BIDV cập nhật tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của ngân hàng diễn ra sáng nay 28/4 ở Hà Nội.
Trước đó, Tổng Giám đốc BIDV cho biết, trong năm 2022, BIDV đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh hậu COVID-19. Tổng quy mô các gói tín dụng hỗ trợ khách hàng đã triển khai lên tới gần 690.000 tỷ đồng với mức hạ lãi suất khoảng từ 0,5-2,5%/năm, tương ứng thu nhập của BIDV giảm trên 5.500 tỷ đồng.
Về định hướng năm 2023, BIDV đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế từ 10-15% so với năm 2022, phù hợp với diễn biến thị trường, năng lực của BIDV và phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước. Dư nợ tín dụng tăng trưởng đảm bảo tuân thủ giới hạn tín dụng do Ngân hàng Nhà nước giao; huy động vốn phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo an toàn, hiệu quả; Tỷ lệ nợ xấu không quá 1,4%.
Cũng tại đại hội, BIDV đã trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 21,7% so với cuối năm 2022, lên hơn 61.557 tỷ đồng. Cụ thể, BIDV dự kiến phát hành hơn 1.097 triệu cổ phiếu; trong đó, gần 642 triệu được phát hành để trả cổ tức năm 2021 tỷ lệ 12,69% số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm 31/12/2022. Nguồn thực hiện lấy từ lợi nhuận còn lại năm 2021 sau trích lập các quỹ. Thời gian thực hiện trong năm 2023.
Ngoài ra, BIDV cũng tiếp tục phát hành riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng hơn 455 triệu cổ phiếu theo theo Phương án đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 đã thông qua (dự kiến 9% vốn điều lệ tại ngày 31/12/2022).
Sau khi hoàn thành, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng thêm gần 10.972 tỷ đồng, được dùng toàn bộ để bổ sung vốn kinh doanh, được sử dụng cho các hoạt động tín dụng, đầu tư và kinh doanh giấy tờ có giá, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ mới, ngân hàng số và nâng cao năng lực cạnh tranh của mạng lưới kinh doanh.
Hội đồng quản trị BIDV cũng đề xuất phương án chi trả cổ tức từ lợi nhuận còn lại năm 2022 với tỷ lệ 23% bằng cổ phiếu.
Liên quan đến kế hoạch phát hành riêng lẻ 9% cho nhà đầu tư, Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú cho biết ngân hàng đã tiếp xúc với 38 nhà đầu tư nhưng tình hình kinh tế các nước không thuận lợi làm giảm nhu cầu đầu tư. Hiện đã có một số nhà đầu tư tiềm năng, BIDV sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước, các đối tác để tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp nhất.
Ngoài ra, Hội đồng quản trị BIDV cũng trình cổ đông thông qua việc niêm yết các trái phiếu không phải là trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền BIDV phát hành ra công chúng. Trước đó, BIDV trong năm 2022 đã triển khai phát hành hơn 2.209 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng theo thương thức phát hành trực tiếp thông qua các chi nhánh, phòng giao dịch, trụ sở chính ngân hàng và hoàn thành niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ngày 12/5/2022.
Đại hội đã thống nhất cao bầu bổ sung 1 Ủy viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022-2027 là ông Đặng Văn Tuyên. Ông Tuyên sinh năm 1973, có trình độ Cử nhân Luật, Cử nhân Tài chính – Ngân hàng, là Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ông Tuyên sẽ đồng thời là người đại diện 30% vốn Nhà nước tại BIDV.
Trước đó, từ ngày 1/11/2022, bà Nguyễn Thị Thu Hương – Thành viên Hội đồng quản trị (đại diện 30% vốn Nhà nước tại ngân hàng) đã nghỉ hưu theo chế độ.
Cổ phiếu BID tại thời điểm 11h30 sáng 28/4 có giá 43.850 đồng/cổ phiếu./.