BIDV rao bán khoản nợ gần 2.500 tỷ của ông trùm khoáng sản phía Đông Bắc Bộ
Khoản nợ của công ty Ngọc Linh bao gồm toàn bộ nhà máy điện phân chì kẽm, mỏ nguyên liệu, quyền sử dụng đất và tài sản,...ở Bắc Kạn.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Nam Hà Nội (BIDV Nam Hà Nội) thông báo bán đấu giá khoản nợ lên tới gần 2.500 tỷ của Công ty TNHH Ngọc Linh. Đây là lần thứ hai BIDV rao bán khoản nợ của công ty này.
Chi tiết, khoản nợ bao gồm: toàn bộ dư nợ gốc và dư nợ lãi phát sinh đến thời điểm thực hiện giao dịch mua bán nợ đến ngày 28/12/2020 là: 2.404 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc là 1.385 tỷ, gồm 1.110 tỷ đồng và 11.887 USD. Dư nợ lãi, phí phạt là 1.019 tỷ đồng.
BIDV rao bán khoản nợ với giá khởi điểm là hơn 2.164 tỷ đồng.
Các tài sản đảm bảo được đưa ra trong thông báo đấu giá là nhà máy điện phân chì kẽm Bắc Kạn tại thôn Bản Cuôn 2, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn với diện tích gần 64,4 ha.
Các công trình dự án thuộc về Dự án Nhà máy điện phân chì Kẽm Bắc Kạn, cùng với các tòa nhà, công trình xây dựng, các bất động sản khác gắn liền hoặc phục vụ cho vận hành của nhà máy cũng được đưa vào danh mục tài sản đảm bảo cho khoản nợ này.
Tài sản đảm bảo thứ ba là các mỏ nguyên liệu, quyền sử dụng và khai thác tài nguyên các mỏ nguyên liệu, nhà máy tuyển quặng, toàn bộ các máy móc thiết bị phục vụ cho việc vận hành nhà máy được lắp đặt cố định hoặc tạm thời tại nhà máy (toàn bộ các máy móc thiết bị phục vụ cho việc khai thác mỏ nguyên liệu và toàn bộ các máy móc thiết bị phục vụ cho việc vận hành Nhà máy).
Ngoài ra còn có các tài sản khác như: ô tô; quyền khai thác mỏ chì kẽm Bó Liều tại xã Đồng Lạc và xã Nam Cường; quyền sử dụng 14.500 m2 đất tại xã Lạc Hồng huyện Mỹ Văn (Hưng Yên); quyền sử dụng mảnh đất 381 Giải Phóng (TP Hà Nội) do hai vợ chồng ông bà Vũ Đức Tuấn và Trần Thị Vui đứng tên.
Công ty TNHH Ngọc Linh được thành lập vào tháng 12/1993, vốn điều lệ 500 tỷ, trụ sở đặt tại số 381 đường Giải Phóng, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội. Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Vũ Đức Tuấn (sinh năm 1953).
Nhà máy Điện phân chì kẽm Bắc Kạn, dự án có công suất 30.000 tấn/năm này được UBND tỉnh Bắc Kạn cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2007 với tổng vốn đầu tư 789 tỷ đồng, trong đó, vốn tự có là 180 tỷ đồng, còn lại là vốn vay. Đến năm 2018, dự án này đã thay đổi giấy chứng nhận đầu tư lần thứ 8, tổng vốn đầu tư tăng lên 2.170 tỷ đồng (vốn góp của Công ty là 355,8 tỷ đồng, chỉ chiếm 16%). Một số phân xưởng của Nhà máy đã đi vào hoạt động từ tháng 3/2018.