BIDV tái xuất đường đua lợi nhuận ngành, nợ xấu tăng 40% sau quý 1/2023
Sau một thời gian dồn lực trích lập dự phòng, BIDV đang dần trở lại đường đua lợi nhuận, lấy lại vị thế của ngân hàng có quy mô lớn nhất hệ thống khi vững vàng ở vị trí Top 2 lợi nhuận ngành quý 1/2023.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - HoSE: BID) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023 ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 13.936 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ.
Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng lần lượt đạt 1.517 tỷ đồng và 673 tỷ đồng, tăng 19% và 15% so với quý 1/2022. Thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần cũng ghi nhận kết quả khả quan 110 tỷ đồng, tăng gần 32%.
Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh chứng khoán ghi nhận lãi 66 tỷ trong khi cùng kỳ lỗ 2 tỷ đồng.
Ngược lại, hoạt động mua, bán chứng khoán đầu tư lại lỗ 200 triệu thay vì có lãi như cùng kỳ năm ngoái. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác giảm 33% so với quý 1 năm trước, chỉ ghi nhận 977 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí hoạt động của ngân hàng ghi nhận 4.832 tỷ đồng, tăng 12% do tăng chi phí cho nhân viên và chi phí công vụ.
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng nhẹ 5% lên 12.446 tỷ đồng. Nhưng nhờ ngân hàng cắt giảm chi phí dự phòng 25%, từ hơn 7.300 tỷ đồng xuống còn hơn 5.500 tỷ đồng.
Kết quả, quý 1/2023, BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 6.920 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 5.559 tỷ đồng, tăng hơn 53% so với cùng kỳ năm trước.
Với kết quả này, BIDV đang vươn lên vị trí thứ hai về bảng xếp hạng lợi nhuận toàn hệ thống và chỉ đứng sau Vietcombank, trong khi cùng kỳ năm trước, lợi nhuận của ngân hàng này chỉ xếp vị trí thứ 6 toàn ngành.
Trên bảng cân đối kế toán, tính đến 31/3/2023, tổng tài sản của BIDV đạt hơn 2,1 triệu tỷ đồng, giảm 0,6% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm 33% xuống 74.131 tỷ đồng, tiền gửi tại tổ chức tín dụng khác cũng giảm 20% chỉ còn 162.363 tỷ đồng. Trong khi đó, cho vay khách hàng tăng 5% lên gần 1,6 triệu tỷ đồng.
Về nguồn vốn kinh doanh, tiền gửi khách hàng tăng 2% so với đầu năm lên gần 1,5 triệu tỷ đồng. Ngược lại, tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác giảm 15%, còn 116.596 tỷ đồng, tiền vay tổ chức tín dụng khác giảm 25%, chỉ ghi nhận 30.250 tỷ đồng
Về chất lượng tín dụng, nợ xấu nội bảng của ngân hàng tăng hơn 40% lên 24.730 tỷ đồng trong quý 1/2023. Trong đó nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 127%; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 59% và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 13%.
Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng tăng từ 1,19% lên 1,59%.
Tại ĐHĐCĐ thường niên ngày 28/4 vừa qua, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV thừa nhận, xu hướng năm nay nợ xấu có nhiều khả năng tăng hơn năm ngoái.
Ông cho biết BIDV cũng lường trước kế hoạch này, kế hoạch năm nay là giữ tỷ lệ nợ xấu dưới 1,4% (vào cuối năm trước là 0,98%).
Kế hoạch của BIDV năm nay là trích dự phòng dự kiến khoảng 20.000 - 21.000 tỷ đồng, thấp hơn năm ngoái. Nguyên nhân là năm 2022 và những năm trước đó, BIDV đã trích lập dự phòng rất lớn cho các khoản nợ có vấn đề và đã trích thêm, trích trước cho các khoản nợ ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Quỹ dự phòng của BIDV hiện nay là tương đối lớn, khoảng 38.000 tỷ đồng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 226%. Do đó, việc giảm thời gian trích lập sẽ được cân nhắc trên cơ sở đảm bảo lợi ích của cổ đông, Nhà nước.