BIDV và Agribank tiếp tục kiến nghị tăng vốn điều lệ

Lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Nông thôn và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện để tăng vốn điều lệ trong bối cảnh chương trình phục hồi kinh tế – xã hội sẽ được triển khai trong giai đoạn 2022-2023, đòi hỏi duy trì mức tăng trưởng tín dụng cao.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2022 chiều 29-12, ông Phan Đức Tú – Chủ tịch BIDV – cho biết ngân hàng đang chịu áp lực tăng vốn khi tiếp tục thực hiện chuẩn mực Basel 2 nâng cao và Basel 3.

Ngoài ra, các ngân hàng còn đối mặt với áp lực duy trì mức tăng trưởng tín dụng cao trong giai đoạn 2022–2023 – khi Chính phủ thực hiện chương trình phục hồi kinh tế xã hội.

Vì vậy, ông đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành có kế hoạch tạo điều kiện tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước.

“Trước mắt, có thể thực hiện thông qua các hình thức phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ cổ tức, từ lợi nhuận còn lại, cổ phiếu cho cán bộ nhân viên”, ông Tú nói.

Tương tự, ông Phạm Đức Ấn – Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank – cho rằng việc bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng là cần thiết để ngân hàng duy trì được tăng trưởng tín dụng, nhất với là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Lý giải điều này, ông Ấn cho biết hiện có ngân hàng thương mại cổ phần với quy mô tín dụng chỉ bằng 1/4 so với Agribank, nhưng vốn điều lệ đã cao hơn Agribank.

Vì vậy, ông kiến nghị cần dành Ngân sách Nhà nước để sớm tăng vốn cho Agribank trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa dự kiến là 31-12-2022 sẽ tăng giá trị vốn Nhà nước khi cổ phần hóa.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Khanh.

Cũng tại Hội nghị, ông Đào Minh Tú – Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam – cho rằng cho rằng nguồn lực dành cho các ngân hàng thương mại Nhà nước còn bất cập với vai trò, trách nhiệm thực hiện các chính sách lớn và việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ.

Cụ thể, vốn điều lệ tăng không tương xứng với vai trò, vị thế đã hạn chế năng lực của các ngân hàng đã khiến họ gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng tín dụng, tham gia vào các dự án lớn, các công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia, gồm điện, BOT giao thông, sân bay, cảng biển hoặc mở rộng tín dụng đối với nhiều lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất nhập khẩu, DNNVV.

Ngoài ra, việc chưa được ngân sách Nhà nước bố trí đủ vốn hoặc nguồn cấp bù lãi suất phần nào gây khó khăn cho các ngân hàng thương mại Nhà nước khi thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, gói hỗ trợ đã và sắp triển khai.

Những yếu tố này, theo ông Tú, đã ảnh hưởng đến vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường của các ngân hàng thương mại Nhà nước.

Còn một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết tỉ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng Việt Nam đã giảm từ mức 13% vào năm 2015 xuống còn 11,1% vào tháng 6-2021.

Với 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, tỉ lệ này chỉ khoảng 9,17% với 3 ngân hàng thương mại đã áp dụng Thông tư 41 và khoảng hơn 10% với Agribank – ngân hàng đang áp dụng Thông tư 22.

Trước đó, BIDV đã phát hành hơn 1 tỉ cổ phiếu, tương đương tỉ lệ 25,77% – cao hơn 2 lần so với mức chia cổ tức đã được thông qua tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021 – để trả cổ tức năm 2019 và 2020, qua đó nâng vốn điều lệ lên hơn 50.585 tỉ đồng.

Lý giải việc tăng vốn điều lệ tại tờ trình gửi các cổ đông tham dự cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021, lãnh đạo BIDV cho biết tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng vẫn còn thấp hơn nhiều so với các ngân hàng TMCP khác (trên 10%). Ngoài ra, ngân hàng đã triển khai thành công dự án MRA&ICAAP.

Vì vậy, tăng vốn sẽ giúp ngân hàng đảm bảo nhu cầu vốn trong điều kiện kinh doanh thông thường, cũng như giai đoạn căng thẳng.

Trong đó, tăng vốn điều lệ là một trong những nguồn tăng giữ vai trò nền tảng, tạo điều kiện cho các nguồn tăng thứ cấp khác. Đồng thời, giúp ngân hàng cải thiện các kết quả xếp hạng tín nhiệm, tăng thu hút các nhà đầu tư tiềm năng.

Với Agribank, việc cấp vốn vẫn chưa được thực hiện dù Quốc hội đã thông qua phương án tăng vốn tối đa 3.500 tỉ đồng từ tháng 6-2020.

Đáng lưu ý, Agribank chỉ được tăng trung bình 384 tỉ đồng vốn điều lệ mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020, trong khi mục tiêu đặt ra là tăng trung bình 5.000 tỉ đồng mỗi năm. Nguyên nhân là việc tăng vốn của Agribank hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách.

Việc chưa tăng vốn điều lệ để cải thiện tỉ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel 2 khiến tăng trưởng tín dụng năm 2020 của Agribank bị hạn chế. Theo đó, dư nợ tín dụng của Agribank tính đến hết năm 2020 chỉ tăng khoảng 8% so với hồi đầu năm.

Hoàng Thắng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bidv-va-agribank-tiep-tuc-kien-nghi-tang-von-dieu-le/