'Biên chế do Chính phủ quản lý đã giảm 334.548 người'

Chính phủ đã rà soát, điều chỉnh, xác định rõ, cụ thể chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, cơ quan ngang Bộ; giảm tối đa cấp trung gian, thu gọn đầu mối, giảm biên chế, giảm số lượng lãnh đạo cấp phó.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết điều này khi trình bày báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII tại Phiên họp 48 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 16/9.

Giảm cấp phó, thu gọn đầu mối

Ông Mai Tiến Dũng cho biết, về lĩnh vực Nội vụ, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Chính quyền địa phương; đã ban hành 6 nghị định, 3 nghị quyết và đang tiếp tục hoàn thiện để ban hành 4 nghị định về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cán bộ, công chức.

Ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Chính phủ đã rà soát, điều chỉnh, xác định rõ, cụ thể chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, cơ quan ngang Bộ; giảm tối đa cấp trung gian, thu gọn đầu mối, giảm biên chế, giảm số lượng lãnh đạo cấp phó; sắp xếp lại tổ chức bộ máy ở một số lĩnh vực tổ chức theo ngành dọc.

Việc phân cấp, phân định thẩm quyền giữa Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ với chính quyền địa phương từng bước được hoàn thiện, hợp lý hơn; trên cơ sở quy định khung, điều kiện cụ thể, chính quyền địa phương tổ chức rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng thu gọn đầu mối; thí điểm hợp nhất một số cơ quan có nhiệm vụ tương đồng ở cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện”

Chính phủ cũng chỉ đạo xây dựng Kế hoạch biên chế công chức, thẩm định biên chế sự nghiệp hàng năm của Bộ, ngành, địa phương, bảo đảm mục tiêu chung đến năm 2021 tinh giản tối thiểu là 10% biên chế giao năm 2015.

“Tính đến năm 2020, biên chế do Chính phủ quản lý đã giảm được 334.548 người; so với yêu cầu của Bộ Chính trị thì trong năm 2021 còn phải tiếp tục giảm 20.076 người” – ông Mai Tiến Dũng cho biết.

Giải quyết 16 vụ việc tồn đọng từ 2016

Về lĩnh vực Thanh tra, Chính phủ đã chỉ đạo tập trung giải quyết các vụ khiến nại, tố cáo, nhất là các vụ việc tồn đọng, phức tạp kéo dài.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, đối với 16 vụ việc còn tồn đọng từ năm 2016, đến nay có 14 vụ việc đã được các cơ quan chức năng thực hiện theo kế hoạch; có 2 vụ việc đang tiếp tục rà soát, giải quyết.

Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được thúc đẩy, có chuyển biến tích cực; tỷ lệ giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền năm 2019 đạt cao (86,2%) so với năm 2016 (78,6%). Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng tiếp tục được quan tâm.

Về lĩnh vực Kế hoạch và đầu tư, Chính phủ cho biết trong giai đoạn 2016-2019, quá trình tái cơ cấu lại nền kinh tế đã diễn ra mạnh mẽ, có nhiều chuyển biến tích cực và thực chất hơn trong tất cả các nội dung trọng tâm (đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; cơ cấu lại đầu tư; cơ cấu lại thị trường tài chính…).

Đến nay, khung chính sách quản lý đầu tư công được cải thiện và đảm bảo tính đồng bộ, nổi bật với việc ban hành Luật Đầu tư công năm 2019 và 4 Nghị định quy định chi tiết.

Kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động đầu tư công được nâng cao, giảm tình trạng đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

“Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nỗ lực hơn nữa, tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội trong thời gian tới, nhất là những nội dung còn hạn chế, yếu kém” – ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh./.

Theo VOV.VN

Nguồn Long An: http://baolongan.vn/-bien-che-do-chinh-phu-quan-ly-da-giam-334-548-nguoi--a102484.html