Biến chiến trường thành đồng bãi xanh tươi
ĐBP - Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, bên cạnh những người xông pha nơi hòn tên mũi đạn để bảo vệ độc lập dân tộc còn có những người xung phong rời quê hương bản quán đến vùng sâu núi thẳm, biên giới để khai hoang, lập làng, lập bản, bám biên. Họ đã biến vùng đất hoang vu, sỏi đá thành làng, thành bản trù phú xanh tươi, thành quê hương thứ hai của họ. Trên mảnh đất Ðiện Biên anh hùng có những ngôi làng như thế và Thanh Bình (xã Thanh Luông, huyện Ðiện Biên) là một trong số đó...
Những người con đất Thái Bình của làng Thanh Bình, xã Thanh Luông (Ðiện Biên) luôn đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Trong ảnh: Ông Vũ Quang Chiến, làng Thanh Bình chăm sóc vườn nhãn ghép.
Ðến làng Thanh Bình, xã Thanh Luông những ngày đầu tháng 7 khi các tuyến đường cờ, hoa, băng rôn, khẩu hiệu đỏ rực, chào mừng đại hội đảng bộ các cấp. Thanh Bình hôm nay đang thay da đổi thịt từng ngày. Trong cuộc trò chuyện với ông Vũ Ðức Lợi - người đã có trên 20 làm Bí thư Chi bộ làng Thanh Bình được biết, hiện nay trong làng có trên 98% là người dân quê ở Thái Bình chuyển lên theo diện đi xây dựng khu kinh tế mới. Những người tiên phong trong khai hoang, xây dựng, phát triển kinh tế vùng biên.
Ông Lợi tâm sự: Hưởng ứng lời kêu gọi của Ðảng, Chính phủ, tháng 2/1964 có 26 hộ dân (143 khẩu) thuộc 2 xã Ðông Xuân và Hoàng Diệu, huyện Ðông Quan (nay thuộc huyện Ðông Hưng) tỉnh Thái Bình đã xung phong đi xây dựng kinh tế mới, tại xã Thanh Luông, huyện Ðiện Biên (tỉnh Lai Châu cũ) lập nên làng Thanh Bình ngày nay. 56 năm trước, khi lên Ðiện Biên tôi mới 17 tuổi; gia đình khi ấy gồm 6 người, tôi là con trai cả trong nhà. Do đường sá đi lại rất khó khăn vất vả, có những chỗ cả đoàn phải xuống đẩy xe nên sau 5 ngày đoàn mới có mặt tại Ðiện Biên. Tháng 10/1964 có thêm 2 hộ cũng từ Thái Bình chuyển lên. Ðiều kiện cơ sở vật chất khó khăn vất vả, chưa có đường giao thông, xa chợ, xa trường học, toàn hàng rào thép gai, ngổn ngang hố bom, bãi mìn, bụi rậm lau lách; cơm không đủ no, áo không đủ ấm. Ngoài số gạo, sắn được Nhà nước hỗ trợ trong 6 tháng đầu, các hộ phải vào rừng, ra khe suối hái rau ăn trừ bữa, để cùng nhau khai khẩn đất hoang, tháo gỡ hàng rào thép gai, san lấp giao thông hào, hố bom lấy đất làm ruộng. Nhà được làm bằng cột tre, lợp rơm rạ và cỏ tranh, trát vách đất; các vật dụng trong nhà cũng chủ yếu được làm từ tre hoặc tận dụng, tái chế mảnh bom, đạn pháo sót lại sau chiến tranh. Vì cuộc sống quá khó khăn vất vả nên đã có 3 hộ gia đình bỏ về quê cũ. Ðến cuối năm 1964 chỉ còn 25 hộ bám trụ lại; khai hoang được 8ha ruộng, cộng với 6ha của người dân địa phương chuyển nhượng. Từ đây, cuộc sống các hộ dân bớt khó khăn hơn vì đã bắt đầu sản xuất được lương thực. Những cánh đồng lúa, ngô, sắn đã phủ một “màu xanh hy vọng” lên những bãi mìn, hố bom, giao thông hào mà thực dân Pháp để lại ngày nào.
Sau 56 năm dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, Thanh Bình đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt. Tổ chức Ðảng, từ một chi bộ ban đầu với 6 đảng viên đến nay đã phát triển thành 2 chi bộ với 60 đảng viên. Từ 25 hộ ban đầu ngày nay đã lên tới 237 hộ với 812 khẩu. Tổng diện tích của làng Thanh Bình 35,74ha (28,8ha đất nông nghiệp). Vốn xuất thân từ vùng đất lúa nước, cộng với tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất lương thực năm sau cao hơn năm trước. Ðời sống người dân Thanh Bình ngày càng khởi sắc, năng suất lúa trung bình đạt 62 - 67 tạ/ha; lương thực bình quân đạt 350kg/người/năm; chăn nuôi phát triển, gia súc xuất chuồng đạt trung bình 15 tấn/năm; gia cầm trung bình mỗi hộ có từ 50 con trở lên. Dịch vụ phát triển, giao thông thuận tiện, trong làng Thanh Bình hôm nay có một chợ nhỏ, phục vụ nhu cầu người dân; 98% gia đình có nhà kiên cố; 99% hộ có từ 1 - 3 xe máy; 100% hộ có tivi, nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Thu nhập bình quân đạt từ 25 - 30 triệu đồng/người/năm.
Là người con đất Thái Bình theo gia đình lên Ðiện Biên xây dựng vùng kinh tế mới từ năm 1964, ông Vũ Quang Chiến người dân làng Thanh Bình chia sẻ: Tôi cùng bố mẹ lên Ðiện Biên khi mới 11 tuổi, lúc đó gia đình có 8 người. Cuộc sống những ngày đầu rất vất vả, nhưng với mục tiêu tất cả cho tiền tuyến, năm 1970 tôi viết huyết tâm thư tình nguyện tham gia bộ đội, đến năm 1977 xuất ngũ về tham gia công tác tại UBND xã Thanh Luông. Ðến nay, gia đình tôi đã bước sang thế hệ thứ 4 sinh sống trên đất Ðiện Biên. Tham gia xây dựng phát triển kinh tế tại địa phương, gia đình tôi luôn gương mẫu trong áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Hiện nay, ngoài làm hơn 2.000m2 ruộng lúa 2 vụ; gia đình tôi phát triển kinh tế theo mô hình vườn - ao - chuồng (trồng 6.000m2 cây nhãn ghép; trên 100 con gia cầm, 500m2 ao cá); mang lại thu nhập ổn định cho gia đình trên 100 triệu đồng/năm. Hiện nay, các con dâu, rể của gia đình tôi đều làm việc trong cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang của tỉnh.
Nói về đóng góp của người dân làng Thanh Bình trong công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương, ông Hà Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Luông chia sẻ: Người Thái Bình trên đất Ðiện Biên hiện nay đã sang thế hệ thứ 3, thứ 4. Toàn xã có 18 thôn, bản thì 5 thôn có người Thái Bình, chiếm trên 90% trở lên. Ðây là lực lượng góp phần không nhỏ vào thay đổi tập tục canh tác lúa nước lạc hậu của người dân bản xứ. Làng Thanh Bình là một trong những làng trung tâm về kinh tế, văn hóa của xã. Kinh tế phát triển đồng đều, có đầy đủ các câu lạc bộ văn hóa, thể dục thể thao (cầu lông, bóng chuyền, đội văn nghệ…). Với những đóng góp tích cực đó, năm 2017, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Xã Thanh Luông nói riêng và tỉnh Ðiện Biên nói chung có sự phát triển như ngày hôm nay, không thể không kể đến công lao của những người con đất Thái Bình đã đi đầu, tiên phong, mở lối trong việc khai hoang biến những giao thông hào, hố bom thành những công trình nhà máy, những cánh đồng lúa, ngô xanh mướt. Họ thực sự là những người đã “biến chiến trường thành đồng bãi xanh tươi” nơi cực Tây Tổ quốc.