Biến chứng bệnh tiểu đường ở người cao tuổi
Tiểu đường là bệnh lý phổ biến, thường gặp ở người cao tuổi. Đây là nhóm đối tượng có nhiều nguy cơ phát triển các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường, như hạ đường huyết, suy thận và bệnh tim, dẫn đến việc điều trị bệnh gặp nhiều khó khăn.
Gần 1 tuần nay, bà Phùng Thị Thủy (SN 1955, ấp Hưng Yên, xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản) phải nhập viện tại Khoa tim mạch - lão học, Bệnh viện đa khoa tỉnh để điều trị bệnh tiểu đường. Bà Thủy cho biết, bà bị bệnh tiểu đường đến nay đã 12 năm. Dù bà đi nhiều bệnh viện từ tuyến huyện đến Trung ương, tốn nhiều công sức và tiền bạc nhưng căn bệnh quái ác này không có dấu hiệu thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn.
Bệnh ngày một nặng, biến chứng cứ nối tiếp, 9 năm trước bà Thủy bị đột quỵ, sau đó lại phải cắt cụt chi dưới do bệnh mạch máu ngoại vi. Giờ mắt mờ, cao huyết áp, người phù nề, không đi lại được, mọi sinh hoạt đều do ông Trần Ký - chồng bà chăm sóc. Ông Ký cho biết, trung bình 1 năm bà Thủy phải nhập viện 4-5 lần. Nhà nghèo, con cái cũng khó khăn, do vậy mỗi lần bà nhập viện là gánh nặng lại đè lên vai ông và các con. Bệnh của bà giờ ngày nào cũng phải tiêm và uống thuốc. “Ngày nào bà vui thì mình vui, ngày nào bà khó chịu trong người thì mình cũng mệt. Chỉ mong bà ấy khỏe là mừng lắm rồi” - ông Ký chia sẻ.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thanh Hùng khám bệnh cho bệnh nhân tại Khoa tim mạch - lão học, Bệnh viện đa khoa tỉnh
Bà Đỗ Thị Quýnh (SN 1941, ấp 4, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp) cũng bị bệnh tiểu đường đến nay là 20 năm. Biến chứng của tiểu đường đã khiến bà phải tháo khớp 2 đốt chân và bị suy tim, thận yếu, thấp khớp. Bà Quýnh kể, bà quê ở tỉnh Hà Nam vào Bình Phước lập nghiệp theo diện đi xây dựng vùng kinh tế mới. Gia đình có tới 9 người con, cuộc sống khó khăn khiến bà cứ lao vào làm việc, kiếm sống. Nhiều khi biết bệnh trong người nhưng cũng không đi khám vì không có tiền. Cho đến ngày thấy người mệt nhiều, sụt cân, vết thương lở ở tay, chân không lành, bà đi khám thì mới biết mình bị tiểu đường type 2.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thanh Hùng, Trưởng khoa tim mạch - lão học, Bệnh viện đa khoa tỉnh, từ đầu năm đến nay, khoa đã tiếp nhận và điều trị nội trú hơn 2.300 bệnh nhân, trong đó rất nhiều người cao tuổi bị tiểu đường, rồi biến chứng qua tim, thận, phổi, huyết áp. Nguyên nhân gây bệnh rất đa dạng, tùy vào từng loại tiểu đường type 1, type 2. Về biểu hiện của bệnh tiểu đường, đầu tiên là sụt cân, tiếp đến là khát nước và đi tiểu nhiều. Ngoài ra, một số biểu hiện phụ, như đau đầu, choáng váng, vọp bẻ, đau nhức khắp người. Tuy nhiên, dù mắc loại tiểu đường nào thì bệnh vẫn dẫn đến lượng đường trong máu cao, từ đó gây nên hàng loạt vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Số người mắc bệnh tiểu đường gia tăng theo độ tuổi, trong một cuộc khảo sát gần đây, cứ 5-6 người trên 60 tuổi thì có 1 người được chẩn đoán là mắc bệnh tiểu đường. Số người cao tuổi bị biến chứng của bệnh tiểu đường ngày càng nhiều hơn nên người bị bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt các khuyến cáo của bác sĩ.
Theo khuyến cáo của Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thanh Hùng, đối với bệnh nhân tiểu đường, vấn đề quan trọng nhất là kiểm soát đường huyết để tránh biến chứng. Thuốc là yếu tố quyết định để kiểm soát đường huyết. Người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ quy trình điều trị của bác sĩ và không được tự động bỏ thuốc. Ngoài điều trị bằng thuốc cần tập thể dục thường xuyên cũng như có chế độ ăn uống lành mạnh, giảm béo, giảm ngọt và phải tăng cường ăn nhiều rau xanh, điều này rất tốt cho kiểm soát đường huyết.
Với nguyên tắc phòng hơn chữa bệnh, việc phát hiện sớm bệnh tiểu đường chính là biện pháp phòng bệnh tốt nhất, ngăn chặn các biến chứng của bệnh gây ra. Điều trị bệnh tiểu đường đúng cách giúp người cao tuổi có thể duy trì tuổi thọ và chất lượng cuộc sống.