Biến chứng mới sau hồi phục COVID-19 gây khó chịu ở hậu môn

Theo một báo cáo mới, sau khi hồi phục COVID-19, một cụ già ở Nhật Bản đã cảm thấy khó chịu sâu ở hậu môn.

Một cụ già, 77 tuổi đang được điều trị sau khi phát triển một tình trạng mà các bác sĩ gọi là "restless anal syndrome” (tạm dịch “hội chứng hậu môn không yên”). Theo báo cáo, người đàn ông gần đây đã hồi phục COVID-19.

Nghiên cứu về trường hợp này được công bố trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm BMC cho biết sau nhiều tuần hồi phục và xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, người đàn ông cảm thấy bồn chồn, khó chịu ở hậu môn, cách vùng đáy chậu gần 10 cm.

Theo báo cáo, ông cảm thấy muốn đi tiêu liên tục, tuy nhiên, việc đi đại tiện không làm ông bớt đau đớn hay khó chịu. Được biết, các triệu chứng của người đàn ông này trở nên tồi tệ hơn vào buổi tối và trong thời gian nghỉ ngơi, nhưng cảm thấy tốt hơn khi tập thể dục. Kết quả kiểm tra nội soi cho thấy ngoài việc mắc một vài búi trĩ nội, không có gì nghiêm trọng hoặc đáng lo ngại bên trong trực tràng của ông.

Ngoài ra, các cuộc kiểm tra thần kinh không tìm thấy vấn đề gì với phản xạ của các gân ở hậu môn, cũng như không phát hiện ra bất kỳ vấn đề nào với cảm giác ở vùng đáy chậu (khu vực giữa hậu môn và bộ phận sinh dục) và tủy sống.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Tokyo cho biết các triệu chứng của người đàn ông này có mối liên hệ với những biểu hiện của bệnh nhân mắc hội chứng chân không yên (RLS). Theo Viện Quốc gia về Rối loạn thần kinh và Đột quỵ (NINDS), hội chứng chân không yên là một chứng rối loạn gây ra cảm giác khó chịu ở chân và không thể cưỡng lại ý muốn di chuyển chúng. Hội chứng này liên quan đến rối loạn của hệ thống thần kinh.

Các triệu chứng của hội chứng chân không yên tương tự như những gì người đàn ông trải qua trong hậu môn của mình. Với hội chứng chân không yên, bệnh nhân thường cảm thấy muốn di chuyển vào buổi chiều muộn hoặc buổi tối và các triệu chứng thường tồi tệ hơn vào ban đêm khi ai đó đang nghỉ ngơi. Chúng cũng có thể xảy ra khi không hoạt động và ngồi trong thời gian dài.

Theo các bác sĩ tại bệnh viện, biến chứng sau COVID-19 liên quan đến "cảm giác khó chịu ở hậu môn" là một biến thể bất thường của RLS.

Bạn có nên lo lắng về việc mắc hội chứng hậu môn không yên nếu bạn bị COVID-19?

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Amesh A. Adalja, một học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins chia sẻ: “Bạn có thể sẽ hoảng sợ nếu trường hợp này xảy ra với mình nhưng điều này thực sự hiếm gặp. Cá nhân tôi chưa bao giờ thấy bất cứ trường hợp nào như thế này. Hội chứng chân không yên đã được báo cáo là một biến chứng hiếm gặp của COVID-19 và đây là một biến thể thậm chí còn hiếm hơn. Bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu nó xảy ra với bạn”.

Về lý do tại sao điều này có thể xảy ra, Tiến sĩ Adalja nhận định virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan đến các dây thần kinh, "có thể gây rối loạn chức năng".

Cách điều trị

Bệnh nhân mắc hội chứng “hậu môn không yên” được báo cáo ở trên đã được kê đơn 1,5 mg thuốc trị lo âu, chống co giật Clonazepam mỗi ngày, kết hợp với các bài tập thể dục như đi bộ hoặc chạy. Điều này đã giúp ông giảm bớt tình trạng khó chịu ở hậu môn./.

CTV Lương Trâm/VOV.VN (Biên dịch) Theo Health và Times of India

Nguồn VOV: https://vov.vn/suc-khoe/bien-chung-moi-sau-hoi-phuc-covid-19-gay-kho-chiu-o-hau-mon-896029.vov