Biến chủng nCoV từ Nam Phi có thể giảm 70% kháng thể do vaccine tạo ra

Kết quả này được thực hiện trong phòng thí nghiệm, dựa trên vaccine do Pfizer/BioNTech sản xuất và mẫu máu của những bệnh nhân nhiễm biến chủng B1351 từ Nam Phi.

Kết quả trên do các nhà khoa học tại Đại học Texas Medical Branch (UTMB) thực hiện và công bố trên tạp chí Y học New England (NEJM). Họ thử nghiệm biến chủng virus từ Nam Phi được thiết kế lại, sau đó kiểm tra với máu của những người đã được tiêm vaccine.

Thí nghiệm cho thấy biến chủng B1351 từ Nam Phi có thể giảm 2/3 kháng thể do của vaccine Pfizer/BioNTech tạo ra. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng trên người cho thấy ảnh hưởng của B1351 tới vaccine.

Dù vậy, các chuyên gia vẫn lo ngại với kết quả này. Phía Pfizer/BioNTech dự định cập nhật công thức vaccine của mình hoặc có thêm một mũi tiêm nhắc lại trong trường hợp biến chủng từ Nam Phi gây ảnh hưởng hiệu quả.

Guardian dẫn lời phát ngôn viên của Bộ Y tế Nam Phi Popo Maja cho hay các nhà khoa học tại nước này sẽ gặp gỡ và thảo luận kỹ hơn về vấn đề trên. “Chúng tôi sẽ chưa vội đưa ra tuyên bố trước khi các nhà khoa học thảo luận và có kết luận cuối cùng”, đại diện Bộ Y tế nói.

 Nghiên cứu cho thấy biến chủng mới từ Nam Phi có thể giảm tới 70% kháng thể do vaccine của Pfizer tạo ra. Ảnh: AP.

Nghiên cứu cho thấy biến chủng mới từ Nam Phi có thể giảm tới 70% kháng thể do vaccine của Pfizer tạo ra. Ảnh: AP.

Kết quả cho thấy mức kháng thể trung hòa mà vaccine của Pfizer/BioNTech tạo ra giảm 2/3 (gần 70%) so với mẫu nhiễm chủng viurss cũ. Tuy nhiên, điều này chưa thể khẳng định vaccine mất tác dụng với các biến chủng virus mới đang lan rộng trên thế giới.

Do đó, Giáo sư Pei-Yong Shi và cộng sự tại Đại học Texas Medical Branch vẫn hy vọng vaccine của Pfizer vẫn có thể bảo vệ chúng ta khỏi biến chủng mới từ Nam Phi. Ông cũng cho rằng ngay cả khi biến chủng mới làm giảm hiệu quả của các kháng thể một cách đáng kể, vaccine vẫn có thể bảo vệ người tiêm khỏi bệnh tật nghiêm trọng, tử vong. Đây là yếu tố quan trọng nhất bởi nó sẽ giúp hệ thống y tế không bị quá tải.

Giáo sư Shi cho biết họ cần phải nghiên cứu thêm để biết liệu vaccine chống lại biến chủng từ Nam Phi được không và với hiệu quả như thế nào.

Đại diện Pfizer/ BioNTech tiết lộ các nhà khoa học của họ cũng đang làm công việc tương tự trong phòng thí nghiệm. Trong khi đó, Moderna đã công bố kết quả trên NEJM cho thấy mức độ kháng thể của vaccine khi tiếp xúc biến chủng từ Nam Phi chỉ còn 1/6 so với bình thường.

Moderna chia sẻ họ chưa thực sự rõ về hiệu quả của vaccine trong việc chống lại biến chủng từ Nam Phi. Nhưng công ty này sẽ có những cập nhật để phù hợp với tình hình thực tế.

Trước đó, ngày 8/2, Nam Phi đã tạm dừng kế hoạch triển khai vaccine Covid-19 của AstraZeneca sau khi dữ liệu cho thấy loại vaccine này có ít khả năng bảo vệ chống lại sự lây nhiễm nhẹ từ biến chủng virus.

Tính từ ngày 27/1 đến nay, Việt Nam ghi nhận thêm 791 người mắc Covid-19 trong cộng đồng tại 13 tỉnh, thành.

Trong đó, qua kết quả giải trình tự gene, các bệnh nhân ở nước ta đã mắc nhiều biến chủng như B117 (Anh) và A.23.1 từ Rwanda. Bên cạnh đó, một chuyên gia từ Nam Phi nhập cảnh vào Việt Nam nhiễm biến chủng B1351 (Nam Phi).

Để phòng bệnh, chúng ta cần tuân thủ quy định 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) của Bộ Y tế.

Tuyến bài "Tư vấn phòng Covid-19 chủng virus mới" sẽ cung cấp nghiên cứu mới của các nhà khoa học trên thế giới và thông tin từ chuyên gia, bác sĩ trong nước để giúp người dân có biện pháp phòng bệnh an toàn.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bien-chung-ncov-tu-nam-phi-co-the-giam-70-khang-the-do-vaccine-tao-ra-post1185900.html