Biến chứng nhiễm trùng ở bệnh nhân đái tháo đường

Thông tin từ Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận ca bệnh T.V.H. (37 tuổi) nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng đường tiêu hóa, mệt mỏi, đau bụng âm ỉ, đại tiện 20 lần/ ngày.

Được biết, người bệnh được chẩn đoán đái tháo đường tuýp 1 đã 20 năm, tăng huyết áp và thận mạn giai đoạn cuối.

Sau khi điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, người bệnh đã có tiến triển tốt hơn, được chuyển sang Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương do sốt xuất huyết giảm tiểu cầu nặng.

Có thể nói, đái tháo đường là một căn bệnh nguy hiểm. Nó có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể người bệnh. Một trong các biến chứng là nhiễm trùng. Khi đường huyết tăng thì người bệnh có nguy cơ nhiễm trùng tái phát nhiều lần, việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

Để phòng ngừa biến chứng nhiễm trùng nói chung bệnh nhân cần vệ sinh răng miệng đúng cách.

Để phòng ngừa biến chứng nhiễm trùng nói chung bệnh nhân cần vệ sinh răng miệng đúng cách.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương, biến chứng nhiễm trùng là tình trạng mà người mắc bệnh đái tháo đường bị nhiễm một loại vi sinh vật nào đó, gây ra tình trạng nhiễm khuẩn từ nhẹ tới nặng. Thông thường, việc nhiễm trùng này có tính chất dai dẳng và hay tái phát.

Các loại nhiễm trùng phổ biến như: Nhiễm trùng tiết niệu, nhiễm trùng phổi, nhiễm trùng da – mô mềm, nhiễm trùng răng miệng,…

Để phòng ngừa biến chứng nhiễm trùng nói chung, bệnh nhân cần kiểm soát tốt đường huyết và các bệnh lý kèm theo như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu... bằng cách sử dụng thuốc theo đúng quy định của bác sĩ, chế độ ăn uống lành mạnh và vận động hàng ngày.

Vệ sinh răng miệng đúng cách, dùng các loại bàn chải mềm, chải răng thường xuyên và tránh gây ra các tổn thương trong khoang miệng. Mỗi người luôn trang bị khẩu trang khi đi ra đường, tiếp xúc đông người. Tiêm phòng cúm mùa định kỳ mỗi năm.

Vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài sạch sẽ, rửa vùng kín sạch sẽ sau khi quan hệ tình dục, không nhịn tiểu và uống nhiều nước.

Người bệnh cần luôn vệ sinh da sạch sẽ, không tắm nước nóng (có nguy cơ bị bỏng do rối loạn cảm giác nhận biết) và dùng xà phòng giữ ẩm nhẹ; giữ da khô ráo ở những vùng hay cọ xát vào nhau như nách, bẹn, kẽ các ngón chân; cắt móng chân, móng tay thường xuyên.

Với các vết thương, cần rửa sạch bằng nước muối sinh lý hoặc cồn và băng những vết xước da, rách da ngay khi mới phát hiện.

Chuyên gia y tế khuyến cáo, khi có các biến chứng nhiễm trùng, nếu người bệnh đái tháo đường không được phát hiện và điều trị sớm sẽ có nguy cơ diễn biến nặng ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng người bệnh. Vì vậy, khi người bệnh đái tháo đường có triệu chứng nhiễm trùng cần được đưa tới các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.

Trước đó, Khoa cấp cứu, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã tiếp nhận một ca cấp cứu hạ đường huyết nguy hiểm do dùng nhầm thuốc điều trị đái tháo đường của con. Bệnh nhân M. 85 tuổi đã bị tăng huyết áp 20 năm, thuốc đều do con trai cho uống.

Do người con này đi vắng nên bệnh nhân được người con khác chăm sóc, trong thời gian này do nhầm lẫn bệnh nhân đã được cho dùng thuốc điều trị đái tháo đường (gồm: Glucosephage XR, Janumet, Diamicron MR, Fenosup, Philiver) 3 ngày liên tiếp.

Bệnh nhân có triệu chứng lơ mơ, hỏi không trả lời và được cho nhập viện gần nhà – với chỉ số đường máu lúc nhập viện là 1,1 mmol/l. Sau nửa ngày điều trị bệnh nhân có triệu chứng co giật toàn thân, lơ mơ, hỏi không đáp, phản ứng chậm nên được người nhà chuyển đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Khi nhập viện đường máu mao mạch của bệnh nhân chỉ là 1,3 mmol/l. Các bác sỹ Khoa cấp cứu – Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã cấp cứu kịp thời, truyền Glucose tĩnh mạch 30% và 5% theo phác đồ. Trong ngày đầu điều trị đường máu vẫn liên tục ở mức thấp, xấp xỉ 2 mmol/l. Sau điều trị tích cực đường máu đã về mức ổn định, bệnh nhân tỉnh táo, nói chuyện rõ ràng.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, người bình thường uống thuốc trị đái tháo đường sẽ gây hạ đường huyết kéo dài, trường hợp nặng có thể gây biến chứng suy gan, suy thận cấp, thậm chí suy đa cơ quan, dễ dẫn đến tử vong hoặc di chứng về sau. Vì vậy, người bệnh cần kiểm tra kỹ thuốc trước khi sử dụng.

Hà Linh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bien-chung-nhiem-trung-o-benh-nhan-dai-thao-duong.html