Biến chủng P.1 nguy hiểm tới mức nào?
Biến chủng virus corona nguồn gốc từ Brazil đang lây lan nhanh chóng ở hàng chục quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ nó sẽ tiếp tục tiến hóa và có thêm những đột biến nguy hiểm mới.
Biến chủng P.1 bắt nguồn từ Manaus của Brazil đã lây lan ra ít nhất 25 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các chuyên gia cảnh báo biến chủng mới sở hữu những đặc tính đáng lo ngại có nguy cơ tiến hóa để trở nên khó lường hơn nếu tiếp tục lan rộng trong thời gian dài.
P.1 lan rộng
Biến chủng Brazil, tên khoa học là P.1, lần đầu được phát hiện trên nhóm 4 người ở Nhật Bản hồi tháng 1. Đây là những du khách mắc biến chủng mới sau chuyến du lịch ở Brazil, theo New York Times.
Các nghiên cứu sau đó phát hiện biến chủng P.1 khởi phát từ thành phố Manaus, đô thị 2 triệu dân lớn nhất khu vực Amazon, từ khoảng cuối năm 2020.
P.1 đã nhanh chóng trở thành chủng virus thống trị ở Manaus và đang lan rộng khắp Brazil.
Biến chủng này hiện đã được phát hiện tại ít nhất 25 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài Brazil, tình trạng biến chủng P.1 lây nhiễm trong cộng đồng đã xuất hiện ở Colombia, Mexico, Bỉ và Thụy Điển.
Nam Mỹ hiện là khu vực biến chủng P.1 hoành hành dữ dội nhất. Ngoài Brazil và Colombia, biến chủng này đã có mặt tại Chile, Argentina, Peru, Venezuela và Guyana.
Tại Đông Á, những ca mắc biến chủng P.1 đã được phát hiện ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Đây đều là những trung tâm giao thương lớn của khu vực, làm dấy lên lo ngại biến chủng này sẽ tiếp tục lan rộng.
Bên cạnh đó, Ấn Độ và Bangladesh cũng đã phát hiện các ca mắc Covid-19 do biến chủng nguồn gốc từ Brazil.
Tuần qua, nhà chức trách Anh báo động sau khi phát hiện 6 ca nhiễm biến chủng P.1 nhưng mất thông tin truy vết với một trường hợp, theo Guardian.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết 5 người nhiễm biến chủng Brazil đã tự cách ly tại gia. Người còn lại xét nghiệm tại nhà nhưng không điền đầy đủ thông tin trong đơn đăng ký, dẫn tới nhà chức trách mất khả năng truy vết.
"Chúng tôi đã xác định được nhóm thiết bị xét nghiệm tại nhà trong diện nghi vấn, cuộc truy tìm đã được thu gọn vào 379 hộ gia đình ở khu vực Đông Nam của Anh. Chúng tôi đang liên hệ tới từng người", ông Hancock nói.
Tại Mỹ, 10 ca mắc biến chủng P.1 đã được phát hiện ở 5 tiểu bang gồm Alaska, Florida, Maryland, Minnesota và Oklahoma, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết.
Michael Worobey, chuyên gia virus tại Đại học Arizona, cảnh báo đã đến lúc cảnh giác trước nguy cơ biến chủng P.1 lan rộng tại Mỹ cũng như các khu vực khác trên thế giới.
Qua mặt kháng thể
Tuần qua, các nghiên cứu mới đã được công bố, mang lại những hiểu biết ban đầu về biến chủng P.1.
Nhóm nghiên cứu các mối đe dọa do virus đường hô hấp mới và đang phát triển (NERVTAG) - tổ chức cố vấn y tế chính của Bộ Y tế Anh - cảnh báo P.1 là một "biến chủng đáng lo ngại".
Mọi biến chủng virus đều có những đột biến khác nhau. NERVTAG cho biết P.1 có 17 đột biến amino acid độc nhất và 4 đột biến thay thế, trong đó ba đột biến đáng lo ngại nhất là K417T, E484K và N501Y.
E484K thu hút sự chú ý lớn nhất trong số các đột biến đã được phát hiện trên virus SARS-CoV-2.
Đột biến này xuất hiện trên gai protein của virus, khiến biến chủng P.1 thay đổi hình dáng, tránh bị phát hiện bởi các kháng thể sản sinh sau khi tiêm vaccine Covid-19, hoặc sau lần đầu người bệnh mắc Covid-19 do các chủng virus khác.
Đột biến E484K cũng được phát hiện trên biến chủng B.1.351 có nguồn gốc từ Nam Phi.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học từ Đại học Imperial College London, E484K giúp biến chủng P.1 làm giảm mạnh hiệu quả của vaccine CoronaVac do Trung Quốc phát triển.
Trong khi đó, Los Angeles Times đưa tin những nghiên cứu ban đầu cho thấy hai loại vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna có thể bị suy giảm hiệu quả trước biến chủng P.1 và biến chủng B.1.351 từ Nam Phi.
Thử nghiệm lâm sàng của loại vaccine mới do Johnson & Johnson phát triển cũng cho thấy biến chủng P.1 làm giảm hiệu quả của vaccine xuống chỉ còn 66%, theo công bố của tạp chí khoa học New Scientist.
Đồng thời, đột biến E484K cũng giúp P.1 lây nhiễm cho cả những người từng hồi phục sau khi mắc Covid-19 do chủng virus khác trước đó. Đây là kết luận từ nghiên cứu tiến hành tại Manaus, nơi được cho là nguồn gốc khởi phát của biến chủng P.1.
"Trong 100 người từng mắc Covid-19 năm ngoái, 25-61 người có nguy cơ tái nhiễm Covid-19 vì biến chủng P1", ông Nuno Faria, chuyên gia từ Đại học Imperial College London, cho biết.
Theo Guardian, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cảnh báo có thể cần phát triển một loại vaccine mới để đối phó với biến chủng P.1 và B.1.351.
"Chúng ta đang làm mọi điều có thể để ngăn biến chủng mới này lan rộng ở Anh, đồng thời phân tích tác động của nó và phát triển một vaccine cập nhật có thể phát huy hiệu quả đối với các biến chủng đáng quan ngại", ông Hancock nói.
Nguy cơ tiếp tục tiến hóa
Những đột biến đáng chú ý khác trên P.1 là K417T và N501Y. Hai đột biến này cũng xuất hiện trên gai protein của virus. Chúng làm thay đổi hình dạng của gai protein, giúp virus dễ dàng xâm nhập tế bào của người và bám dính chặt hơn.
Đột biến N501Y và K417T, dù không giúp virus qua mặt kháng thể, lại chính là tác nhân khiến biến chủng P.1 lây lan mạnh hơn các chủng virus khác.
Kết quả nghiên cứu tại thành phố Manaus cho thấy P.1 có khả năng lây lan mạnh hơn các chủng virus cũ từ 40-120%.
Tiến sĩ Ester Sabino, chuyên gia bệnh truyền nhiễm từ Đại học Sao Paulo, cho biết một trong các đợt bùng phát mới xảy ra ở thành phố Araraquara của Brazil.
Tại đây, tỷ lệ người mắc Covid-19 duy trì ở mức tương đối thấp cho đến khi biến chủng P.1 xuất hiện. Đây là bằng chứng cho khả năng lây lan mạnh của biến chủng P.1.
"Nếu số người mắc Covid-19 do biến chủng P.1 gây ra tăng mạnh ở Araraquara, tình trạng này sẽ xuất hiện ở nhiều thành phố khác", bà Sabino cho biết.
Các nhà khoa học cảnh báo khi biến chủng P.1 lan rộng, nó sẽ có thêm cơ hội tiến hóa và trở nên nguy hiểm hơn.
Điều này từng xảy ra với biến chủng "siêu lây nhiễm" B.1.1.7 có nguồn gốc từ Anh. Ban đầu, biến chủng này chỉ có đặc tính lây lan mạnh, nhờ sở hữu đột biến N501Y.
Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy B.1.1.7 dường như đã có thêm đột biến E484K giúp nó kháng lại kháng thể, theo New Scientist.
"Rất có khả năng khi ngày càng nhiều người được tiêm vaccine, áp lực chọn lọc tự nhiên sẽ tăng lên với virus, khi đó chúng ta sẽ thấy có thêm những đột biến khác", giáo sư Astrid Iversen, chuyên gia từ Đại học Oxford, cảnh báo.
Tại những nơi biến chủng B.1.1.7 đang thống trị, trong đó có Anh và Mỹ, sự xuất hiện của một biến chủng mạnh như P.1 là dấu hiệu đáng lo ngại.
Bác sĩ Charles Chiu, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm từ Đại học California, cảnh báo việc hai biến chủng mạnh song song tồn tại trong cộng đồng mở ra khả năng chúng đồng thời xâm nhập cơ thể một cá nhân.
"Hai biến chủng sẽ trao đổi chéo đột biến cho nhau, tạo ra một biến chủng virus corona mới thậm chí còn nguy hiểm hơn. Đó sẽ là kịch bản ác mộng", bác sĩ Chiu cảnh báo, theo Los Angeles Times.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bien-chung-p1-nguy-hiem-toi-muc-nao-post1189133.html