Biến chuyển của lòng tin ở phương Tây Trái đất và Thiên đường tức khắc

Dưới sự tấn công của những triết lý chống lại tha hóa, viễn ảnh Thiên đường ở cõi cao xa đã bị lung lay. Tiến bộ khoa học, tiến bộ kỹ thuật, muôn màu muôn vẻ, mang lại cho con người vô vàn tiện lợi, thú vui, thỏa mãn, khiến con người cảm tưởng rằng mình có thể có bất cứ cái gì mình muốn trên cõi thế gian này.

Trên thế gian này, con người lớn vọt lên vì chiến thắng thiên nhiên, thiên nhiên ở bên ngoài cũng như thiên nhiên ở bên trong. Thiên nhiên ở bên trong là cái mà ta gọi là bản tính. Bản tính đối chọi với tính lịch sử (historicité) nằm trong thuyết Tiến bộ. Bản tính thì bất biến, phi thời gian, “thiêng liêng”.

Tính lịch sử thì biến chuyển, phù du, hủy hoại, tương đối. Có hủy hoại thì mới có mới, có sáng tạo, có tự do, có ý muốn chống lại số mệnh, có tư tưởng mọi vật là vô thường. Con người chiến thắng thiên nhiên bên ngoài, con người chiến thắng thiên nhiên bên trong, chiến thắng mọi trở ngại và chiến thắng không ngưng nghỉ vì chẳng có lý do gì để ngưng nghỉ. Không có số phận, định mệnh nào là không bị đánh bại, bởi vì khoa học tiến mãi, không ngừng, không có lý do gì để ngừng.

Niềm tin vô biên ở tiến bộ do khoa học mang lại thổi lạc quan vào lòng con người, xóa nỗi sợ truyền kiếp của ngày tận thế. Muôn ngàn thú vui mà con người ngày nay hưởng được trong cuộc đời này đẩy ra khỏi đầu óc của rất nhiều người cái mà người ta gọi là Thượng đế. Những thú vui nho nhỏ kết hợp thành một chuỗi hạnh phúc nho nhỏ; những câu chuyện nho nhỏ về hạnh phúc thay thế những câu chuyện lớn về sáng tạo trời đất, về nạn hồng thủy, về phán xét cuối cùng, về cách mạng…

Thế nhưng, lạ thay, đến một mức tiến bộ nào đó, con người Âu châu đâm ra hoài nghi. Những thú vui nho nhỏ rốt cục cũng không phải là hạnh phúc tìm kiếm. Giải phóng tập thể cũng không nhất thiết giải quyết được hạnh phúc cá nhân. Tiến bộ đã không đưa đến hòa bình mà đưa đến chiến tranh: Chiến tranh Thế giới thứ nhất với hàng triệu người chết; Chiến tranh Thế giới thứ hai với sự hủy hoại của những giá trị nhân bản và sự tàn phá của những chủ thuyết phi nhân.

Tiến bộ kỹ thuật, khoa học đem lại cho con người vô vàn tiện lợi vật chất, nhưng đồng thời cũng tạo những phương tiện hủy diệt tàn khốc: khí giới, bom đạn, Hiroshima… Con người chế ngự thiên nhiên nhưng cũng tàn phá thiên nhiên, tàn phá thiên nhiên cả trong thức ăn đưa vào miệng: bò điên, gà nuôi bằng kích thích tố…; tàn phá thiên nhiên cả trong ước mơ chế tạo con người giống nhau hàng loạt. Đâu là “Tiến bộ đạo đức” mà nhân loại tưởng sẽ đi đến? Tương lai có thật đưa con người đến Thiên đường?

Xã hội tiêu thụ và cá nhân chủ nghĩa lên tiếng dụ dỗ: này đây, khoái lạc là bây giờ, phục vụ cho cái “tôi” được tận hưởng lạc thú là lẽ sống trước mắt, không có bổn phận nào cao hơn là bổn phận đối với chính tôi, đối với thể xác của tôi, đối với sức khỏe của tôi, tôi phải mạnh khỏe, tráng kiện, để tận hưởng ở đây và bây giờ.

Nhắm vào mục đích thực tiễn đó, tín ngưỡng của người Âu châu ngày nay tập trung trên hai chiều hướng: một, là sống với trần thế này; hai, là sống trọn vẹn với cá tính của mình.

A. Thứ nhất, các tín ngưỡng hiện nay ở Âu châu đều xoay chiều, càng ngày càng hướng về cõi đời này. Trong suốt lịch sử châu Âu, cái chết, nỗi sợ hãi về số phận xảy ra sau khi chết, về tội lỗi và hình phạt, đã làm đề tài cực kỳ phong phú trên đó Nhà thờ đã triển khai cả một kho tàng hình ảnh, ngôn ngữ, nghi lễ, vừa để răn đe vừa để xoa dịu nỗi lo âu về thế giới bên kia. Khái niệm “ngục giam tạm” (purgatoire) là một phát minh đặc biệt thành công, ăn sâu vào tâm khảm của mọi tầng lớp quần chúng.

Ở Pháp, lòng tin về ngục giam tạm còn chế ngự trong lòng tín đồ cho đến Chiến tranh Thế giới thứ hai, và trong nhiều vùng cho đến những năm 1960. Hết thế hệ này đến thế hệ khác, tín đồ cầu nguyện hàng ngày để khỏi chết bất đắc kỳ tử, vì chết đột xuất như vậy, chưa kịp rửa tội, lấy hộ khẩu ở ngục giam tạm là cái chắc.

Ngày nay, các nhà xã hội học ở Pháp cho biết: hầu như ai cũng ao ước được chết chớp nhoáng như vậy, để khỏi phải chết bệnh, chết già, khổ lắm, và người tín đồ Cơ Đốc ao ước chẳng kém ai. Nhà xã hội học Yves Lambert, trong một điều tra nổi tiếng thực hiện năm 1990 và trong quyển sách của ông xuất bản trước đó về biến chuyển tín ngưỡng trong một làng nhỏ ở vùng Bretagne ngoan đạo(1), mô tả rất rõ khuynh hướng tìm câu trả lời về cứu rỗi một cách thực tế ở đời này. Tôn giáo chỉ còn quan hệ trong chừng mực lòng tin còn đem lại lợi lộc.

Trong điều tra 1990, 86% người trả lời đồng ý với nhận định “ý nghĩa của cuộc đời là tận dụng tốt nhất cuộc đời”: Tôn giáo càng ngày càng nằm trong chiến lược cá nhân đó. Thượng đế khoác một bộ mặt khác trong đầu tín đồ cũng như trong các buổi giảng đạo, không phải là Thượng đế - Quan tòa tuyên xử ai lên Thiên đường ai xuống địa ngục, mà là Thượng đế - Tình thương gần gũi với con người, lo lắng cho hạnh phúc ở đây và bây giờ của từng người.

Nói về khuynh hướng giáo lý này, châu Âu chưa bắt kịp châu Mỹ và châu Mỹ La-tinh, Cơ Đốc chưa bắt kịp Tin Lành. Các nhà truyền đạo Tin Lành trên khắp thế giới thuộc phái évangélistePentecôtiste tuyên giảng rằng thành công vật chất của cá nhân là bảo kê và chứng cớ của tiến bộ tâm linh. Nhiều nhà thờ Tin Lành ở châu Mỹ La tinh hào hùng tuyên bố minh bạch rằng tình trạng nghèo khổ ở đây là hậu quả của văn hóa Cơ Đốc, liên hệ sự cứu rỗi ở cõi trời với sự xa lánh lợi lộc ở cõi đất. Văn minh Tin Lành ngược lại: thành công kinh tế là dấu hiệu thương yêu của Thượng đế, làm giàu là châm ngôn.

Quỷ Sa-tăng hầu như cũng biến mất trong các buổi giảng đạo Chủ nhật. Còn lại gì chăng về địa ngục thì được cắt nghĩa như một hình ảnh tượng trưng: “địa ngục” là tình trạng cô đơn và đau khổ của những ai chối từ ân sủng của Thượng đế. Trẻ con là giới ít đặt câu hỏi nhất về địa ngục, nhưng câu trả lời đã được soạn sẵn cho những người dạy giáo lý: “Kẻ nào từ chối tình thương của Thượng đế và tự xa cách với huynh đệ, kẻ ấy tự nhốt mình trong địa ngục của mình”.

Hoàn toàn không có những tư tưởng tín điều, đặt kinh nghiệm vào vị trí trọng tâm, đề cao thực hành để làm tiến bộ cho con người, chú trọng quân bình giữa lòng tin và lý trí, và quan tâm liên kết giữa thể xác và tâm linh, Phật giáo được xem như tôn giáo đặt trách nhiệm trên cá nhân và trao cho mỗi người quyền tự do theo đuổi con đường riêng của mình mà vẫn giúp cho mỗi người thả neo vào một truyền thống vững chắc qua bao thế kỷ”.

Danìele Hervieu-Léger

Nói như vậy không có nghĩa là cái chết đã hết ám ảnh người Âu châu thời nay hoặc sự thưởng phạt ở cõi siêu nhiên đã hết lảng vảng trong đầu óc. Ngược lại! Không ai sợ chết hơn người ở đây! Không ai có thể sống thản nhiên bên cạnh cái quan tài như cha mẹ ông bà chúng ta ngày trước. Nhưng rõ ràng là quan tâm về thế giới hiện tại phủ sóng thủy triều trên ám ảnh về thưởng phạt và thế giới bên kia.

Chính trong vấn đề sống chết này mà ảnh hưởng của Phật giáo càng ngày càng thấy rõ. Lòng tin về tái sinh ở Âu và Mỹ liên hệ mật thiết với khuynh hướng kéo trời xuống đất hiện nay. 34% tín đồ Cơ Đốc ở Pháp, trong khi vẫn xác nhận tín ngưỡng ở Thượng đế nhân dạng, tin ở tái sinh. Con số này không ít hơn bao nhiêu so với số người tự cho mình là không có tôn giáo nhưng nghĩ rằng có một Thượng đế, một thánh thần, hoặc một năng lực cơ bản nào đó: 36%. Nói chung về người Pháp, số người tin ở tái sinh là 24% theo thống kê 1990. Ở Âu châu là từ 20 đến 25% tùy điều tra. Ở Mỹ cũng vào khoảng có số đó.

Một số lớn những người này tin ở tái sinh như đi buôn mà chỉ biết tính lời chứ không tính lỗ: Họ không biết phải ở hiền kiếp này mới gặp lành kiếp sau, mà chỉ tính kiếp sau là tái bản của kiếp này, in lần thứ hai có sửa chữa thêm bớt, bớt những lựa chọn sai lầm trong lúc đánh cờ với cuộc đời, thêm những nước cờ cao hơn đã quên đánh lần trước. Chết sống là hai mặt, như cái bàn tay: lật cái chết thì thành cái sống.

Cùng với sự phát triển của lòng tin ở tái sinh, dư luận ở phương Tây càng ngày càng chú ý đến những kinh nghiệm “sống trở lại”: sống trở lại sau khi hôn mê, sau khi y học cho là đã chết. Quyển sách “Tạng thư về cái chết ở Tây Tạng” gây ảnh hưởng rộng lớn cho đến bây giờ. Những khám phá mới trong giới khoa học, những câu chuyện kể lại được giới khoa học sưu tầm, ghi chép về cái “chết cận tử” (Near Death Experience) mà Phật giáo Tây Tạng chứng nghiệm và phổ biến từ lâu, góp phần giúp cho người Tây phương nhìn viễn ảnh của cái chết một cách thanh bình hơn, như một giai đoạn chuyển tiếp giữa hai trạng thái sống khác nhau.

Nhưng giá như hết chết thì sướng quá! Với khoa học trợ giúp, không thiếu gì người Tây phương mơ giấc mơ của Đường Minh Hoàng gặp tiên tặng thuốc trường sinh bất tử. Đã có dăm ba nhà triệu phú Mỹ dự tính ướp đông lạnh xác mình để chờ ngày hồi sinh. Dư luận tin rằng rồi sẽ có thuốc ngăn tế bào già cỗi. Có ngày rồi chúng ta sẽ trẻ mãi để hưởng thụ, du dương… ở đây và bây giờ. Sau phúc và lộc, ông thọ hiện ra, không phải với râu tóc trắng phau, mà là chàng thanh niên hồng rám nắng sân tê-nít.

Phim ảnh thể hiện những khao khát mới đó, về sự gặp gỡ giữa sống với chết, về bức tường dần dần trong hơn giữa chết với sống. Người chết hiện về sống trong thế giới người sống, hoặc thông tin được với người sống, những chuyện mà chúng ta nghe quen tai từ thế giới ấu thơ, bây giờ đầy dẫy trên truyền hình Tây phương, lan rộng trong dư luận. Và lạ thật, các nhà xã hội học cho biết: càng có trình độ học vấn cao lại càng tin ở những hiện tượng siêu linh đó(2).

Hậu quả trên niềm tin tôn giáo cổ truyền thật lớn: cần gì phải đợi ngày phán xét cuối cùng mới gặp lại gia quyến, bạn bè trên Thiên đường; có thể gặp họ ở đây và bây giờ. Chết, đâu phải là chết hẳn. Vẫn còn đấy, sau tấm gương.

Và như thế, thế giới pháp thuật (magie) của thời tiền Thiên Chúa giáo trở về trong xã hội Tây phương. Pháp thuật có phải là tôn giáo không? Trên vấn đề này, bao nhiêu bàn cãi sôi nổi. Nhà đại nhân chủng học Claude Lévi-Strauss giải thích: “Chủ thuyết nhân cách hóa thiên nhiên (từ đó ta định nghĩa tôn giáo) và chủ thuyết thiên nhiên hóa con người (từ đó ta định nghĩa pháp thuật) là hai yếu tố luôn luôn có sẵn, chỉ phân lượng là thay đổi thôi. Cái này bao hàm cái kia. Không hề có tôn giáo mà không có pháp thuật, cũng như không hề có pháp thuật mà không ít nhất chứa đựng một hạt tôn giáo”(3).

Con người, khi phải đối phó với những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, bi đát, khẩn thiết, thường vụt nghĩ đến những giải pháp siêu nhiên lởn vởn trong đầu về cách chữa bệnh, thoát hiểm, hộ mệnh… Thiên Chúa giáo cực thịnh ở Âu châu đến mấy đi nữa trong các thế kỷ trước cũng không che lấp hết nguồn tín ngưỡng sinh động gọi là “tôn giáo dân gian” tôn thờ thần thánh chữa bệnh địa phương, phong tục tôn giáo địa phương, hành hương, khắc bảng ghi ơn trước nhà thờ vì được thần thánh chữa lành bệnh…

Như vậy, dù ở Tây phương, pháp thuật bao giờ cũng hiện diện trong tôn giáo. Vấn đề là ngày nay, tư tưởng và ứng dụng pháp thuật ào ào trở về với người Tây phương, bất lợi cho thái độ tôn giáo. Pháp thuật bành trướng nhờ nhiều thuận lợi của đời sống mới: Con người mất những tin tưởng căn bản; thế giới lưu thông khiến văn hóa dễ tiếp cận nhau, Paris đầy dẫy “đạo sĩ” Hồi giáo; nhịp sống chạy nhanh, buộc thành công cũng phải xảy ra tức khắc, mà xảy ra tức khắc là sở trường của pháp thuật, không phải của tôn giáo.

B. Chiều hướng thứ hai là tín ngưỡng của người Tây phương hiện tại phải đáp ứng với nhu cầu phát triển khả năng hoàn mỹ của mỗi “cái tôi”. Tất nhiên, cũng thế, phát triển đó phải được thực hiện ở đây và bây giờ. Chiều hướng này cũng xảy ra dưới hai hình thức không loại trừ lẫn nhau. Hình thức thứ nhất là làm nẩy nở ra một trạng thái tin tưởng ở chính mình, có khi nhờ ở sự phù hộ, che chở của một đấng hoặc một năng lực siêu nhiên nào đó.

Hình thức thứ hai là vượt lên sức lực của chính mình bằng cách khám phá và tận dụng những khả năng mà mình chưa dùng hoặc chưa biết.

Hình thức thứ nhất thường gặp trong giới Cơ Đốc lẫn Tin Lành dưới dạng biểu hiện của Chúa Thánh thần. Phái Pentecôtisme sử dụng hình thức này đến mức tuyệt chiêu(4). Pentecôtisme là một hệ phái Tin Lành do một người Mỹ da đen, William James Seymour, thành lập đầu thế kỷ XX. Hệ phái này nhấn mạnh đặc biệt về sự lan tràn lai láng trong nhà thờ, xưa cũng như nay, của Chúa Thánh thần, lan tràn cùng khắp để biến đổi, để cứu vớt, để chữa lành cho những ai nhận được.

Tín đồ của hệ phái này gặp nhau trong những buổi họp, trong những buổi lễ, nói, hát, nhảy, tưng bừng, say sưa, hứng khởi bốc lên ngùn ngụt, và chính trong lúc cảm xúc lên men nồng cháy, ngất ngây như vậy, họ nói họ nhận được “sự rửa tội trong Chúa Thánh thần”, nhận được ân sùng một cách bất chợt, khiến có người run rẩy, chan hòa lệ diễm phúc. Trong bầu không khí bừng bừng ân sủng như vậy, khi nào cũng có ít nhất một người say sưa kể phép lạ đã đến với mình như thế nào. Hệ phái này phát triển nhanh chóng trên khắp thế giới, đặc biệt là trong những nước chậm phát triển.

“Rửa tội trong Chúa Thánh thần”, người tín đồ nhận được ân sủng được xem như sinh ra đời lần thứ hai, born again. Trước xấu xa tội lỗi bao nhiêu, nay hồi sinh, phục sinh, hoán cải, thành công “ở đây và bây giờ bấy nhiêu”. Kể giữa công chúng những kinh nghiệm thành công nhờ ân sủng như vậy là cao điểm của buổi lễ. Hệ phái charismatique của Cơ Đốc cũng đặc biệt chú trọng phương pháp kể bằng miệng những chứng cớ cá nhân như vậy, trong mục đích ad intra (để củng cố lòng tin của tín đồ trong cộng đồng những người cùng cầu nguyện) hoặc ad extra (để truyền đạo, cải đạo những người “không biết rằng Giê-su thương họ”).

Kể hoài như vậy, chuyện nào cũng giống chuyện nào, cùng một nội dung, nhập đề, thân bài, kết luận, nhưng chính sự lặp đi lặp lại đó có ý nghĩa đàng hoàng: đó là những “chứng cớ” cho biết rằng Chúa Thánh thần luôn luôn có mặt, luôn luôn hành động, và hành động cho tất cả mọi người. Một sự có mặt không phải ở đâu xa xôi: ở đây và bây giờ. Sách vở do phái Pentecôtisme xuất bản, với cùng một nội dung, được dịch ra hàng chục thứ tiếng, truyền lan ào ạt trên khắp thế giới.

Tôn giáo, trong quan niệm cổ truyền, gợi lên hình ảnh một cuộc trường chinh đầy thử thách để dẫn đến được với chân lý. Trong thời đại chụp giật ngày nay, từ đêm đen của địa ngục đến ánh sáng của ân huệ, con đường phải thu ngắn đến mức tối đa, đi tắt đón đầu trong một bước. Các nhà xã hội học nói: Con người mới cần fast food thì cũng cần phải có fast religion. Xin tạm dịch là cần “tôn giáo mì ăn liền”.

Hình thức thứ hai là tự vượt lên khỏi mình, là “trở thành mình”. Đi tìm hạnh phúc và thực hiện bản sắc của mình là việc của chính mình, không nhờ cậy vào một khả năng nào ở bên ngoài, một nguyên tắc xã hội nào, một sự đồng hóa nào với tập thể. Câu nói của Nietzsche trở thành châm ngôn tâm lý của tính hiện đại: “Trở thành cái mà bạn đang có” (Deviens ce que tu es). Bạn đang có nhiều cái lắm mà bạn không biết đấy thôi. Hãy tận dụng! Hãy động viên! Các nhóm, các tổ, các mạng lưới, khác nhau muôn màu muôn vẻ, tập hợp chung quanh tổ chức có tính thần bí mang tên là New Age, chỉ thống nhất với nhau trên một điểm đó thôi: trở về lại với ta.

Yếu tố tâm lý được mang lên hàng đầu. Lý thuyết gia được biết đến nhất trên lĩnh vực này là nhà tâm lý học Mỹ Abraham Maslow (1908-1970). Trên thượng đỉnh của “kim tự tháp nhu cầu” của con người, ông đặt yếu tố tâm lý: nhu cầu an ninh, nhu cầu được thương, nhu cầu thực hiện mình… Bao nhiêu phong trào khai thác “tiềm năng của con người” đã lấy hứng từ đó. Nhiều từ mới được sáng tác ra, nhằm khai thác cả mục đích trị liệu: “biosynergie” của P. Lassalle, “somatopsychothérapie” của Y. Maurer. Hai tác giả này kết hợp việc tự mình hoàn thiện tâm linh với việc tái lập tính đồng nhất căn bản của con người, bị phân tán, chia vụn, vì đời sống tất bật và vì thiếu giao thiệp với môi trường chung quanh.

Phương pháp đề nghị để con người Tây phương sống một đời sống “minh triết” hơn nhiều không kể hết. Tạp chí Sciences Humaines (số 106, tháng 6-2000) đã thử làm một thống kê dưới hồ sơ “Les sagesses actuelles”. Tựu trung, tất cả đều nhắm vào một điểm: Tự mình mở ra con đường cho chính mình, bằng kinh nghiệm của bản thân, để vươn tới chân lý riêng của mình. Vận dụng phân tâm học, tâm lý học, đào bới từ Freud đến Jung, luyện tập những kỹ thuật thân xác, yoga, chế ngự hơi thở, buông xả, thư giãn, hét, nằm, chết đi sống lại (lying, rebirth), khai thác kiến thức khoa học phổ thông về não bộ, về thần kinh, về nhân chủng học, về dân tộc học, không thiếu thức gì.

Với tinh thần thực dụng, thực nghiệm, con người Tây phương hiện tại mở toang cái nồi xúp tả pí lù trí thức và tâm linh, thả vào đó bất cứ rờ-xét gì miễn là đưa đến kết quả mong ước, và kết quả đó chỉ cần thích hợp cho riêng mình, không cần phải phù hợp gì với chân lý của toàn thể hay chân lý tuyệt đối. Thực tế, hiệu quả, bao dung: nhu cầu tín ngưỡng mới của người phương Tây cũng là tiếng dội của một xã hội tự do, dân chủ, trong đó mỗi người tìm đến chân lý cho riêng mình, tùy nhịp độ của mình, và chẳng màng đến chuyện ép người khác phải theo chân lý của mình.

Mỗi người là một nghệ sĩ tự vẽ bức tranh cho chính đời mình, khai thức tính sáng tạo của mình như Nietzsche đã từng hô hào: giải phóng tưởng tượng sáng tạo để thực hiện một sáng tạo mỹ thuật cho chính bản thân. Dưới ảnh hưởng của Đông phương, người Tây phương ngày nay quan tâm nhiều đến cách sống minh triết, khác với các phong trào thần bí, hippies… thuở 1970: thuở trước, thanh niên tìm lạc thú ngây ngất (extase), bây giờ con người tìm đời sống nội tâm thanh bình, lánh xa tư tưởng độc quyền chân lý, độc quyền mệnh lệnh của tôn giáo cổ truyền.

Thực hiện mình một cách chân thật nhưng riêng rẽ, ích kỷ: đạo đức chân thật có đóng khung con người hiện tại trong tháp ngà không? Con người có tự soi dung nhan của mình suốt ngày, say đắm trong đó rồi bất kể việc gì xảy ra chung quanh? Chỉ có mình thôi, không có người khác? Đây là vấn đề gay go mà nhiều nhà xã hội học đã đặt ra, có người bi quan, có người không: Tự do có thể hạ con người xuống thấp nhưng cũng có thể đưa con người lên cao, có thể làm con người đánh mất mình, cũng có thể giúp con người tìm được mình nơi chính kẻ khác. Xã hội Pháp và xã hội Mỹ khác nhau ở chỗ này như đã nói trong một chương trước.

Với tinh thần thực dụng, thực nghiệm, con người Tây phương hiện tại mở toang cái nồi xúp tả pí lù trí thức và tâm linh, thả vào đó bất cứ rờ-xét gì miễn là đưa đến kết quả mong ước, và kết quả đó chỉ cần thích hợp cho riêng mình, không cần phải phù hợp gì với chân lý của toàn thể hay chân lý tuyệt đối

Với tinh thần thực dụng, thực nghiệm, con người Tây phương hiện tại mở toang cái nồi xúp tả pí lù trí thức và tâm linh, thả vào đó bất cứ rờ-xét gì miễn là đưa đến kết quả mong ước, và kết quả đó chỉ cần thích hợp cho riêng mình, không cần phải phù hợp gì với chân lý của toàn thể hay chân lý tuyệt đối

Ở đây, chỉ xin kết luận chương này bằng một sự kiện hiển nhiên: Khi phương Tây tìm đến yên ổn nội tâm và cách sống minh triết, tất nhiên đạo Phật là hy vọng của họ. Có khi họ cũng mê tín như ta, chẳng hạn như đọc thần chú (mantra) mà không hiểu ý nghĩa. Nhưng nói chung, khi người Tây phương làm cái gì, họ làm đến nơi đến chốn hơn ta, chẳng hạn như khi họ học ngồi thiền, thực hành nhập thất phần đông theo đúng kỷ luật. Ảnh hưởng của các nhà sư Tây Tạng rất lớn trên lĩnh vực này. Và trên hết, nụ cười của Đức Đạt-lai Lạt-ma. Tiếng nói của ngài đi thẳng vào lòng người Tây phương, đáp ứng đúng tâm lý của họ, tâm lý cá nhân cũng như tâm lý thời đại:

“Dù đến từ bên ngoài như chiến tranh, bạo lực và tội ác, hay biểu lộ ở bên trong chúng ta dưới hình thức đau khổ tâm lý hay tình cảm, những vấn đề ta gặp sẽ chẳng tìm được giải pháp chừng nào ta vẫn tiếp tục không biết đến chiều sâu nội tâm của ta. Chính điều vô minh đó giải thích rằng không một lý tưởng hoặc công trình lớn lao nào từ trăm năm nay – thuyết dân chủ, thuyết tự do, thuyết xã hội – có thể mang lại những lợi lộc cho toàn cầu như người ta mong muốn.

Bởi vậy, chắc chắn một cuộc cách mạng phải xảy ra. Nhưng không phải một cuộc cách mạng chính trị, kinh tế, hay ngay cả kỹ thuật. Thế kỷ này đã quá biết những chuyện đó rồi để chúng ta hiểu rằng một phương pháp thuần túy đến từ bên ngoài không thể nào đủ được. Điều mà tôi đề nghị là một cuộc cách mạng bên trong”.(5)

Không có ngôn từ nào lọt tai thời đại hơn thế. Nhà xã hội học tôn giáo hàng đầu của Pháp, bà Danìele Hervieu-Léger, mà tôi đã mượn hứng rất nhiều trong nhiều sách, tóm tắt như sau thành công “vũ bão” của Phật giáo trên nhu cầu tín ngưỡng “ở đây và bây giờ” khắp Tây phương:

“Hoàn toàn không có những tư tưởng tín điều, đặt kinh nghiệm vào vị trí trọng tâm, đề cao thực hành để làm tiến bộ cho con người, chú trọng quân bình giữa lòng tin và lý trí, và quan tâm liên kết giữa thể xác và tâm linh, Phật giáo được xem như tôn giáo đặt trách nhiệm trên cá nhân và trao cho mỗi người quyền tự do theo đuổi con đường riêng của mình mà vẫn giúp cho mỗi người thả neo vào một truyền thống vững chắc qua bao thế kỷ. Phật giáo (ít ra là theo truyền thống Tây Tạng) dung hòa lòng khao khát độc lập cá nhân và ước mơ bám rễ, cả hai quyện lấy nhau thâm nhập với tất cả sức mạnh vào giai tầng xã hội trung lưu và trên trung lưu, có vốn liếng văn hóa cao hoặc tương đối cao.

Giới y khoa và bán y khoa, giới viên chức hành nghề xã hội, giới giáo chức, giới nghệ sĩ và giới văn hóa trung gian, cảm nhận đặc biệt sức thu hút của đạo Phật... Một cách vạm vỡ, đạo Phật được xem như con đường tâm linh toàn vẹn, phù hợp với sự chờ đợi của những phần tử hội nhập sâu nhất vào văn hóa hiện tại của chủ nghĩa cá nhân minh thị. Con đường đó tỏ ra có khả năng giúp mỗi người tự mình vượt qua những mâu thuẫn và những đau khổ mà thực tế của đời sống hiện tại trùm lên cá nhân: cô đơn giữa phố thị, áp lực của những cơ cấu bàn giấy quan liêu, suy thoái môi trường, bất trắc toàn khắp...”(6).

Ngắn, gọn, đầy đủ.

Cao Huy Thuần dịch

(Trích Tôn giáo và Xã hội hiện đại -

Biến chuyển của lòng tin ở phương Tây)

-----------------------------------------

1. Yves Lambert, Un paysage religieux en pleine évolution, trong H. Riffaut (ed), Les valeurs des Francais, Paris, PUF, 1994. Cuốn sách này trình bày những kết quả của chương trình điều tra đại quy mô thực hiện năm 1990 về tiêu chuẩn giá trị của người châu Âu. Yves Lambert, Dieu change en Bretagne. La religion à Limerzen de 1900 à nos jours, Paris, Cerf, 1985.

2. D. Boy, et G. Michelat, Croyances aux parasciences: dimensions sociales et culturelles, trong Revue Francaise de Sociologie, số 27, 1986.

3. F. Lenoir, đã dẫn, trang 62.

4. Tông phái charismatique của Cơ Đốc, phát sinh tại Pháp đầu những năm 1970 cũng vậy. Xem Danìele Hervieu-Lesger, La religion en miettes ou La question des sects, Paris, Calmann-Lesvy, 2001.

5. Lenoir, trang 64.

6. Danìele Hervieu-Lesger, đã dẫn, trang 89.

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/bien-chuyen-cua-long-tin-o-phuong-tay-trai-dat-va-thien-duong-tuc-khac-post73205.html