Biên cương rợp bóng cờ bay
Đường lên xã biên giới Thu Lũm (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) cứ cheo leo, thăm thẳm theo những ngọn núi mây trắng quanh năm bao phủ bởi mây mù. Giữa cái lạnh miền quan ải, chúng tôi nghe tiếng xào xạc của đại ngàn, trong đó có cả tiếng cờ Tổ quốc phần phật trong gió. Tổ quốc càng trở nên thiêng liêng khi ở nơi tận cùng đất nước ta thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nền trời biên giới mùa xuân...
Cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ
Với người lần đầu lên Thu Lũm, không chỉ ấn tượng về mảnh đất biên cương hùng vĩ mà trước mỗi nếp nhà trình tường truyền thống hay được xây chắc chắn kiểu mới cũng đều treo cờ Tổ quốc. Bởi vậy mà các bản Thu Lũm, Ló Na, Á Chè, Là Si... cứ đỏ rực lên giữa đại ngàn xanh thẳm. Cụ Chu Xé Cà, 70 tuổi (bản Thu Lũm, xã Thu Lũm) cho biết: “Trong tín ngưỡng của mình, người Hà Nhì không có tập quán lập bàn thờ nên nơi treo ảnh Bác Hồ lại là chỗ trang trọng nhất trong ngôi nhà. Lá cờ Tổ quốc và ảnh chân dung Bác Hồ là hai “báu vật” có giá trị nhất trong nhà tôi đấy. Nhà tôi có truyền thống treo lá cờ, ảnh Bác từ lâu lắm rồi. Nhìn lá cờ và ngắm ảnh Bác, tôi thấy tự hào lắm”. Chị Pờ Gia Vân (bản Thu Lũm) lại có suy nghĩ: “Ở đây, thời tiết khắc nghiệt nên lá cờ nhanh bạc màu và bị rách do gió thổi suốt ngày đêm. Ủy ban nhân dân xã và Đồn Biên phòng cũng cấp cờ cho nhân dân nhưng phải theo đợt. Những lần lá cờ bị rách, để có lá cờ mới gia đình tôi tự bỏ tiền xuống phố huyện mua. Vợ chồng chúng tôi nghĩ nếu không treo cờ thì thôi, nhưng khi đã treo mà để lá cờ bạc màu quá hoặc rách quá thì không nên. Lá cờ là linh hồn của dân tộc, của Tổ quốc, màu đỏ là màu máu của các anh hùng, liệt sĩ, của những người đã chiến đấu anh dũng để bảo vệ non sông đất nước. Vì vậy, giữ cho lá cờ không bị rách, luôn tươi mới là cách để chúng ta bày tỏ tấm lòng với Tổ quốc, sự tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống để giữ gìn sự toàn vẹn của bờ cõi đất nước”.
Đối với người Hà Nhì nơi đây, trong bóng cờ Tổ quốc có hình ảnh quê hương, đất nước và Bác Hồ là người mà họ đời đời nhớ ơn, kính trọng. Bởi vậy mà ở hoàn cảnh nào, đồng bào Hà Nhì luôn gìn giữ niềm tin với Bác, với Đảng, một lòng quyết tâm cùng Bộ đội Biên phòng quản lý, bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc biên giới, góp phần cùng cả nước xây dựng tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, ổn định và phát triển. Ông Chu Xé Lù - Bí thư Đảng ủy xã, có những trải lòng thú vị: Mặc dù chưa bao giờ lên Lai Châu nhưng Bác Hồ rất quan tâm tới đồng bào các dân tộc thiểu số Lai Châu. Ngày 12-12-1953, (thời điểm quân Pháp đổ bộ tái chiếm thung lũng Mường Thanh chưa đầy một tháng), Bác Hồ gửi một lá thư cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc Lai Châu. Bức thư thật ngắn gọn, từng câu từng chữ mộc mạc và cụ thể, nhưng ở đó ta nhận thấy rất rõ tấm lòng thương dân của Bác: “Đã hơn 80 năm nay, đồng bào tỉnh nhà bị thực dân Pháp và Việt gian phản động áp bức, bóc lột, lừa bịp; chưa hề được hưởng hạnh phúc, độc lập, tự do như đồng bào các nơi khác. Tôi và Chính phủ luôn luôn thương xót đồng bào. Ngày nay đồng bào đã được bộ đội Chính phủ giải phóng khỏi ách thực dân và phản động; tôi thay mặt Chính phủ thân ái gửi lời hỏi thăm đồng bào và cán bộ...”. Lĩnh hội lời dặn của Bác, hơn sáu thập kỷ qua, đồng bào Hà Nhì trên địa bàn biên giới Mường Tè đã và đang đoàn kết, quyết tâm xây dựng cuộc sống hạnh phúc ấm no, mặc các thế lực thù địch thường xuyên có các hoạt động gây chia rẽ dân tộc. Người dân đã biết áp dụng giống mới, kỹ thuật mới, tư duy làm ăn mới, lại được Đảng, Nhà nước đầu tư tiền của, các ngành các cấp tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ, đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân đang được cải thiện mạnh mẽ.
Trái tim hồng giữa màu xanh biên giới
Đến Thu Lũm hay như bất cứ vùng đất biên giới, người ta không thể không nhắc đến những người lính biên phòng. Câu chuyện về những người lính quân hàm xanh gắn với đồng bào Hà Nhì nơi đây bằng con chữ, cây lúa để diệt giặc đói, giặc dốt. Sau này là cây ngô lai, thảo quả, trồng và chưng cất tinh dầu sả, chăn nuôi gia súc để tính chuyện làm giầu. Rồi chuyện chăm sóc sức khỏe cũng một tay biên phòng đảm nhiệm khi vùng đất xa xôi này bị cách trở bởi đường sá gần như tê liệt vào mùa mưa. Những người lính từ miền xuôi không ngại khó khăn, gian khổ lên đây cùng ăn, cùng ở, cùng bảo vệ đường biên cột mốc, chủ quyền an ninh biên giới và cùng bà con xây dựng cuộc sống ấm no. Còn nhiều khó khăn, còn nhiều việc phải làm nhưng những người lính vẫn cần mẫn, kiên trì cùng bà con bắt đầu từ những việc nhỏ nhất. Tự khi nào, những người lính biên phòng đã trở thành một phần trong cộng đồng người Hà Nhì ở Thu Lũm. Những việc làm ấy càng khắc sâu thêm vào tâm khảm đồng bào biên giới về hình ảnh người lính Cụ Hồ.
Đã 10 năm nay, trong Đồn biên phòng Thu Lũm luôn có những “chiến sĩ nhí” là các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Hiện tại, đơn vị đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng 3 học sinh người Hà Nhì và La Hủ là Chang Mò Hừ (sinh năm 2006, bản Á Chè), Mạ Đức Mạnh (sinh năm 2006, bản Ló Na) cùng học lớp 8B trường THCS Thu Lũm và cháu Vàng Lò Hừ (sinh năm 2009, bản Là Si) hiện đang học lớp 7A Trường THCS Thu Lũm. Các cháu đều có hoàn cảnh đặc biệt vì bố mất, mẹ lấy chồng khác hoặc gia đình quanh năm thiếu đói khiến các cháu không có nhiều cơ hội để được đến trường. Đơn vị nhận các cháu làm con nuôi theo chủ trương của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Tiêu chuẩn ăn uống, sinh hoạt của các nhau như một chiến sĩ trong đơn vị. Một ngày bình thường của 3 anh em Mò Hừ, Đức Mạnh và Lò Hừ bằng việc buổi sáng báo thức dậy tập thể dục với bài võ thể dục 32 động tác cùng cán bộ, chiến sĩ. Là con trai nên việc được học võ ai ấy đều thích thú. Thực hiện vệ sinh cá nhân, ăn sáng xong, khi cán bộ, chiến sĩ bắt đầu một ngày làm việc thì cũng là lúc 3 “chiến sĩ nhí” tới lớp. Buổi chiều, 3 anh em tự học ở nhà, chỗ nào không hiểu thì cùng trao đổi, không hiểu nữa thì hỏi các chú biên phòng. Nhưng có lẽ vui nhất là giờ tăng gia sản xuất. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, người thì cho gà ăn, xách nước tưới rau, người thì giúp các chú nuôi quân hái rau, hái mướp và hái bí...
Sáng nay, 3 anh em Mò Hừ, Đức Mạnh và Lò Hừ quay trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. 6 giờ 30 phút, 3 anh em được Trung úy Nguyễn Duy Khánh, Đội trưởng Đội vận động quần chúng và Thiếu tá QNCN Khoàng Gió Tư, nhân viên đội Vận động quần chúng đưa tới trường. Bóng 3 em xa dần nhưng vẫn thấp thoáng màu của khăn quàng đỏ như 3 đốm lửa trong sương mờ.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/bien-cuong-rop-bong-co-bay-608799