Biến đất hoang hóa ven sông Lạch Trường thành mô hình thủy sản hiệu quả

Ông Giáp xúc nhẹ chiếc vợt vào bất kỳ vùng nước nào của ao nuôi cũng đều vớt lên hàng kg tôm to đều như những ngón tay. Các ao nuôi với tổng diện tích 10.000m2 nhưng đều có mật độ thả khá dày và đồng đều bởi tôm nuôi được áp dụng cùng một quy trình khoa học. Khu nuôi tôm theo hướng công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới ven sông Lạch Trường thuộc xã Hoằng Yến này được coi là hiệu quả và hiện đại bậc nhất ở huyện Hoằng Hóa hiện nay.

Ông Nguyễn Đình Giáp (người đội mũ) giới thiệu những ưu điểm mô hình nuôi tôm hiện đại của mình.

Ông Nguyễn Đình Giáp (người đội mũ) giới thiệu những ưu điểm mô hình nuôi tôm hiện đại của mình.

Cải tạo bãi bồi hoang hóa...

Dòng sông Lạch Trường ngăn cách hai huyện Hoằng Hóa và Hậu Lộc, đoạn gần giáp biển có hệ thống bãi bồi chạy dài thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản. Hơn chục năm trước, đoạn triền sông bên phía xã Hoằng Yến (Hoằng Hóa) đa phần là những bãi sình lầy hoang hóa với cỏ năn và cây bụi mọc đầy. Thực hiện kêu gọi cải tạo đất hoang để phát triển kinh tế của địa phương, năm 1996, gia đình ông Nguyễn Đình Giáp ở thôn Sơn Trang đã mạnh dạn nhận thầu với UBND xã 4 ha đất để phát triển nuôi trồng thủy sản.

“Thiếu vốn, tôi phải vay mượn khắp nơi, rồi thuê lao động đào ao, đắp bờ thủ công, làm từng bước. Cứ lấy ngắn nuôi dài, ròng rã cải tạo trong nhiều năm để thành hình khu đồng nuôi thuộc hàng sớm nhất ở địa phương lúc bấy giờ. Ở vùng nước lợ, tôi nuôi quảng canh đủ loại, từ các loại cá, cua, tôm sú nhưng phụ thuộc vào tự nhiên, hiệu quả kinh tế thấp. Nhiều mùa mưa bão, bờ bao sạt lở, gia đình lại mất nhiều công sức, rồi thuê người cải tạo đắp lại. Việc nuôi trồng thủy sản cũng cầm chừng, năm được năm mất”, ông Giáp chia sẻ.

Quyết tâm phải đổi mới để tồn tại, đến năm 2014, ông Giáp tiếp tục vay mượn họ hàng, đi học tập kinh nghiệm để về cải tạo 1 ha vùng nuôi theo hình thức nuôi tôm công nghiệp. Tuy hiệu quả, nhưng cứ một vài năm lại gặp đợt tôm chết hàng loạt khiến gia đình trắng tay. Theo ông, nguyên nhân là do thay nước ao nuôi vào đúng thời điểm nguồn nước ô nhiễm mang theo mầm bệnh hoặc nước có độc tố do tình trạng xả thải ở thượng nguồn. Không chịu thất bại, người chủ đầm năng động đã tìm tòi nghiên cứu các thông tin về nuôi tôm hiện đại, rồi khăn gói đi tham quan học tập nhiều nơi trong và ngoài tỉnh để tìm hướng đổi mới. Cùng với đó, ông được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật do Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Tổng cục Thủy sản tổ chức nên tích lũy được nhiều kiến thức. Đến năm 2018, ông quyết tâm chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm trong nhà màng, nhà lưới theo hướng công nghệ cao.

Tại các ao nuôi, tôm được nuôi khá dày nhìn như trong chậu. Từ 10 ao nuôi công nghiệp trước đây được đào sâu, chủ đầm đã phá bỏ hoàn toàn để hình thành 10 ao nuôi dạng ao nổi. Trên 8/10 ao đều có mái che là hệ thống lưới và ni lông có thể điều chỉnh di động để giữ nhiệt vào mùa đông và che mát những ngày nắng nóng. Xung quanh khuôn viên và giữa các ao là những con đường xi măng kiên cố.

... thành mô hình lợi nhuận hơn 3 tỷ đồng/ha

Theo ông Giáp, nuôi theo hướng công nghệ cao trong nhà màng có nhiều khác biệt với trước đây. Các ao dạng nổi trải bạt sẽ đón được nhiều gió và nhiều ánh sáng hơn ao đào, tạo môi trường phát triển ổn định, hạn chế được dịch bệnh cho tôm. Từng góc các ao nuôi đều có hệ thống đường ống sục khí dẫn ô xi, có hệ thống quạt nước khuấy đảo, có dụng cụ đo môi trường nước để điều chỉnh giúp ngăn ngừa sớm mầm bệnh.

Không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm, ông Giáp cho rằng không cần tận dụng hết diện tích ao, bởi mô hình 1 ha của ông có 10 ao, nhưng chỉ dùng 8 ao chuyên thả tôm; 1 ao để lấy nước, lắng lọc sạch, xử lý hết mầm bệnh, dùng các thiết bị đo hiện đại để kiểm tra độ kiềm, độ PH và độc tố. Đây mới chính là “chìa khóa” thành công bởi đa phần trường hợp tôm nuôi bị chết là do lấy phải nguồn nước không tốt. 1 ao còn lại ông để xử lý nước thải từ các ao nuôi trước khi đưa ra sông, bởi theo ông đây là cách làm có trách nhiệm với môi trường, tạo nên nghề nuôi hải sản bền vững.

Hơn 4 năm theo đuổi mô hình nuôi tôm hiện đại, ông Giáp đã đầu tư hơn 4,3 tỷ đồng để xây dựng hệ thống hạ tầng đầm nuôi, đầu tư hệ thống điện và các thiết bị phụ trợ... Đổi lại, những tiến bộ khoa học đã mang đến liên tiếp những lứa tôm bội thu. Theo hạch toán của chủ mô hình, năng suất tôm thương phẩm đạt tới 30 tấn/vụ với giá khoảng 31.000 đồng/kg, mỗi năm nuôi 3 vụ. Trong các năm 2021 và 2022 gần đây, tổng doanh thu từ 1 ha nuôi tôm theo hướng công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới đạt hơn 7 tỷ đồng, trừ công lao động, thức ăn cho tôm và các khoản đầu tư khác, vẫn cho lợi nhuận từ 3,1 đến 3,2 tỷ đồng/năm.

Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Yến Lê Văn Bình nhận xét: Ông Nguyễn Đình Giáp là người luôn đi đầu trong hiện đại hóa nghề nuôi tôm ở địa phương từ hàng chục năm trước. Đến nay, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghệ cao của gia đình ông được đầu tư khá đồng bộ. Đây là mô hình đầu tiên của xã Hoằng Yến và là một trong số những mô hình nuôi tôm thành công nhất của huyện Hoằng Hóa hiện nay. Từ sự thành công của mô hình đã góp phần làm thay đổi tập quán nuôi tôm truyền thống của địa phương. Những năm gần đây nhiều hộ nuôi tôm trong xã đã đến học tập kinh nghiệm, từ đó phát triển được 15 mô hình nuôi tôm trong nhà màng theo hướng công nghệ cao tương tự.

Bài và ảnh: Lê Đồng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nguoi-tot/bien-dat-hoang-hoa-ven-song-lach-truong-thanh-mo-hinh-thuy-san-hieu-qua/183228.htm