Biển Đỏ dậy sóng khi Anh và Mỹ giáng đòn cảnh cáo Houthi

Cuộc không kích do Anh và Mỹ tiến hành nhắm vào các mục tiêu của Houthi có thể leo thang thành một cuộc ăn miếng trả miếng giữa các tàu hải quân của phương Tây và lực lượng vũ trang ở Yemen, thổi bùng một trận chiến lớn trên Biển Đỏ.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak nói rằng, các cuộc không kích của Anh-Mỹ nhằm vào lực lượng Houthi ở Yemen “có quy mô giới hạn, cần thiết và tương xứng”, nhưng chúng gửi đi một thông điệp rõ ràng: sẽ còn nhiều cuộc không kích nữa nếu Houthi không chấm dứt ngay lập tức các cuộc tấn công tàu thương mại ở Biển Đỏ.

Đòn không kích được thực hiện bằng máy bay chiến đấu và tên lửa Tomahawk phóng từ tàu hải quân. Hà Lan, Australia, Canada và Bahrain cũng tham gia với việc cung cấp hậu cần, thông tin tình báo và các hỗ trợ khác. Mục tiêu cuộc không kích là các địa điểm do Houthi kiểm soát bao gồm kho vũ khí và cơ sở phóng máy bay không người lái (UAV).

Một máy bay Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh tham gia vào cuộc không kích các mục tiêu của Houthi ở Yemen. Ảnh: Reuters

Một máy bay Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh tham gia vào cuộc không kích các mục tiêu của Houthi ở Yemen. Ảnh: Reuters

Đây là các cuộc tấn công chính xác và nhằm mục đích răn đe chứ không phải là một cuộc tấn công bao trùm hay nhằm mục đích thay đổi chế độ, như Mỹ và Anh đã tiến hành ở Libya năm 2011. Thực tế, nó giống với các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu chống lại chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria năm 2018.

Cuộc không kích diễn ra ngay sau khi Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) báo cáo về việc lực lượng Houthi bắn tên lửa đạn đạo chống hạm từ Yemen vào các tuyến đường vận chuyển quốc tế ở Vịnh Aden. Sự việc không gây ra thương tích hay thiệt hại nào cho các tàu đang hoạt động trong khu vực. Tuy nhiên CENTCOM lưu ý đây là cuộc tấn công lần thứ 27 của lực lượng Houthi nhắm vào hoạt động vận chuyển quốc tế kể từ ngày 19/11/2023.

Phương Tây đã mất kiên nhẫn

Cuộc không kích do Mỹ và Anh tiến hành cho thấy phương Tây đã mất kiên nhẫn với lực lượng Houthi. Nhóm vũ trang ở Yemen đã phớt lờ những lời đe dọa về hành động quân sự, vốn đã được cảnh báo trong nhiều tuần qua.

Houthi đã phóng hơn 100 tên lửa và máy bay không người lái (UAV) nhắm vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ. Nhóm này tuyên bố các cuộc tấn công của họ là nhằm ngăn chặn cuộc chiến của Israel với Hamas ở Dải Gaza.

Hành động quân sự của phương Tây ngày 11/1 không gây bất ngờ cho Houthi: tin tức về một cuộc tấn công sắp xảy ra đã được thông báo cho một số tờ báo của Anh trước vài giờ.

Khi xem những tin tức này, các thủ lĩnh Houthi đã tuyên bố, bất kỳ hành động quân sự nào cũng sẽ bị đáp trả bằng lực lượng tương đương.

“Chúng tôi sẽ đối đầu với Mỹ, đốt cháy các thiết giáp hạm và các căn cứ của nước này cũng như tất cả những ai hợp tác với họ, bất kể bằng giá nào”, ông Abdulsalam Jahaf, thành viên Hội đồng an ninh của Houthi, nhấn mạnh.

Trong một tuyên bố ngày 11/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo ông sẽ không ngần ngại thực hiện thêm các hành động khác nếu cần.

“Những cuộc tấn công có mục tiêu này là thông điệp rõ ràng rằng Mỹ và đối tác sẽ không tha thứ cho những cuộc tấn công nhằm vào lực lượng của chúng tôi hoặc cho phép các thế lực thù địch gây nguy hiểm cho quyền tự do hàng hải”, ông Biden nói.

Cuộc tấn công ngày 11/1 đã kéo Mỹ sâu hơn vào cuộc xung đột bùng phát sau khi Hamas tấn công Israel vào ngày 7/10/2023.

Một số đồng minh của Mỹ ở Trung Đông, bao gồm các quốc gia vùng Vịnh Qatar và Oman, trước đó bày tỏ lo ngại, các cuộc tấn nhằm vào Houthi có thể vượt khỏi tầm kiểm soát và kéo khu vực vào một cuộc xung đột rộng lớn hơn với các lực lượng ủy nhiệm khác của Iran, như Hezbollah ở Lebanon và lực lượng dân quân được Tehran hỗ trợ ở Syria và Iraq.

Nguy cơ trả đũa từ Houthi và Iran

Sau cuộc không kích của Anh và Mỹ, Saudi Arabia đã kêu gọi “kiềm chế” và “tránh leo thang”. Riyadh tuyên bố hết sức quan tâm đến các hoạt động quân sự diễn ra ở Biển Đỏ cũng như các cuộc tấn công vào một số địa điểm ở Yemen.

Trong khi đó, lãnh đạo cấp cao của Houthi Mohammed al-Bukhaiti cảnh báo Mỹ và Anh sẽ phải “hối tiếc” khi tấn công Yemen.

Theo các nhà quan sát, cuộc không kích nhằm vào Houthi có thể dẫn tới các hành động trả đũa của nhóm này. Họ có thể nhắm mục tiêu vào các căn cứ của Mỹ, Anh trong khu vực và họ sẽ tiến xa hơn ở Biển Đỏ và Biển Arab.

Houthi từng nhấn mạnh thay vì leo thang quân sự, Mỹ và Anh nên giảm căng thẳng bằng cách ngăn chặn các cuộc tấn công của Israel ở Gaza và cho phép đưa thực phẩm cùng thuốc men vào dải đất này.

Giorgio Cafiero, Giám đốc điều hành Gulf State Analytics, một công ty tư vấn rủi ro địa chính trị có trụ sở tại Washington DC, cho rằng Mỹ có các lựa chọn khác ngoài việc tấn công quân sự vào lực lượng Houthi ở Yemen.

“Một trong số đó là sử dụng đòn bẩy mà Washington có đối với Israel để buộc Israel tuân thủ lệnh ngừng bắn ở Gaza. Chính quyền Tổng thống Biden đã không làm điều đó mà lựa chọn đối phó với Houthi bằng cuộc tấn công quân sự. Điều này có thể sẽ đẩy Mỹ vào một cuộc xung đột kéo dài ở Trung Đông. Đây không phải là điều mà đa số người Mỹ mong muốn. Các quan chức trong chính quyền Biden cũng nhiều lần nhấn mạnh họ không muốn một kết cục như vậy”, ông Cafiero nói với Al Jazeera.

Thay vì răn đe Houthi, các cuộc tấn công của phương Tây sẽ chỉ thúc đẩy nhóm này có hành động tiếp theo. Đó có thể là các cuộc tấn vào thành phố Eilat phía Nam Israel, nơi nằm trong tầm bắn tên lửa và UAV của Houthi.

“Nếu mức độ phản ứng của Anh và Mỹ chỉ là các cuộc tấn công cảnh cáo, lực lượng Houthi có thể sẽ đáp trả bằng các hành động tiếp theo như tấn công vào Israel… Phương Tây cần phải có một chiến dịch bền vững để đánh bại nhóm vũ trang này”, ông Julien Barnes-Dacey, Giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu nhận định.

Một số quan chức Mỹ lo ngại rằng các cuộc tấn công vào Yemen có thể leo thang thành một cuộc ăn miếng trả miếng giữa các tàu hải quân Mỹ và lực lượng Houthi.

Chỉ huy quân sự Houthi ngày 12/1 thông báo lực lượng này đang tấn công lực lượng trên biển của Mỹ và Anh trong khu vực để đáp trả vụ tập kích trước đó.

“Hành động của Mỹ, Anh và Israel đã bị đáp trả. Một trận chiến lớn giờ bùng phát ở Biển Đỏ và chắc chắn một số chiến hạm Mỹ, Anh đã trúng đòn”, ông Abdulsalam Jahaf, thành viên Hội đồng an ninh của Houthi cho hay.

Những diễn biến mới ở Biển Đỏ cũng có thể lôi kéo Iran tham gia sâu hơn vào cuộc xung đột. Trong nhiều năm qua, Tehran được cho là đã tăng cường cung cấp vũ khí cho Houthi trong cuộc chiến kéo dài 10 năm ở Yemen chống lại liên minh của Saudi Arabia. Ngày 11/1, Hải quân Iran đã bắt giữ một tàu chở dầu thô ngoài khơi bờ biển Oman.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo Telegraph, Al Jazeera, NY Times

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/bien-do-day-song-khi-anh-va-my-giang-don-canh-cao-houthi-post1071255.vov