Biến đổi khí hậu: Chờ đợi gì từ COP26?

Các chuyên gia cảnh báo rằng, thế giới không còn nhiều thời gian để thờ ơ trước những tác động mạnh mẽ của quá trình biến đổi khí hậu. Hội nghị COP26 tới đây được kỳ vọng sẽ hối thúc các quốc gia có những hành động thiết thực.

Hội nghị khí hậu COP26 sẽ là cột mốc quan trọng để duy trì các mục tiêu trong Thỏa thuận Paris. (Nguồn: Fleetalliance)

Hội nghị khí hậu COP26 sẽ là cột mốc quan trọng để duy trì các mục tiêu trong Thỏa thuận Paris. (Nguồn: Fleetalliance)

Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu hay còn gọi là các kỳ Hội nghị COP diễn ra lần đầu vào năm 1995 tại Berlin (Đức). Từ đó đến nay, qua 25 kỳ Hội nghị diễn ra hằng năm, nhân loại đã tiến những bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Dù còn nhiều thách thức để đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, giữ cho nhiệt độ Trái đất tăng không quá 2 độ C vào cuối thế kỷ XXI, song, các kỳ Hội nghị COP đã giúp nhân loại nhận rõ mối nguy hiểm từ biến đổi khí hậu, giúp các nước đoàn kết để bảo vệ Trái đất, bảo vệ chính mình.

Những cột mốc đáng nhớ

Khi bước ra khỏi Chiến tranh Lạnh, từ năm 1992, thế giới dường sẵn sàng bắt đầu một kỷ nguyên mới, thúc đẩy hợp tác toàn cầu để cùng phát triển, trong đó, vấn đề bảo vệ môi trường được coi là một trong tâm trong các cuộc họp trên trường quốc tế. Năm 1992 cũng là năm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Trái đất ở Rio de Janeiro (Brazil). Tại đây, Công ước Khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCC) ra đời và chính thức có hiệu lực vào năm 1994, được 195 quốc gia phê chuẩn cùng với Liên minh châu Âu (EU).

Mục tiêu chính của Công ước khung là ổn định nồng độ khí nhà kính trong bầu khí quyển để không làm đảo lộn hệ thống khí hậu của Trái đất. Các nhà khoa học đã cảnh báo về vấn đề này từ những năm 1970. Tuy nhiên, công ước này không ràng buộc giới hạn phát thải khí nhà kính cho các quốc gia đơn lẻ và không bao gồm cơ chế thực thi.

Sau khi có hiệu lực, vào năm 1995, các nước nhóm họp và tổ chức kỳ COP đầu tiên tại Berlin (Đức). Tại đây, hội nghị đã đạt đồng thuận về “Các hành động cùng được thực thi”, những biện pháp chung tay đầu tiên trong hành động chống lại biến đổi khí hậu quốc tế.

COP 3 năm 1997 tại Kyoto (Nhật Bản) là một bước ngoặt quan trọng. Sau các cuộc thương thảo quyết liệt, các quốc gia đã thông qua Nghị định thư Kyoto, lần đầu tiên vạch ra các nghĩa vụ giảm phát thải khí nhà kính cho các quốc gia phát triển thuộc Phụ lục I. Nghị định thư này cũng đề ra ba cơ chế mềm dẻo để giảm phát thải là Cơ chế cùng thực hiện (JI), cơ chế mua bán quyền phát thải (ET) và cơ chế phát triển sạch (CDM). Nghị định thư Kyoto có hiệu lực vào năm 2005 và kết thúc vào năm 2012.

Hội nghị COP 11 tại Montreal (Canada) năm 2005, được xem là hội nghị liên chính phủ lớn nhất về biến đổi khí hậu từng diễn ra với 10.000 đại biểu. Sự kiện này đánh dấu việc Nghị định thư Kyoto bắt đầu có hiệu lực.

Tuy vậy, chính trong thời gian tám năm chuẩn bị thực hiện Nghị định thư Kyoto, các quốc gia đang phát triển vốn không có trách nhiệm giảm phát thải như Trung Quốc, Ấn Độ lại phát thải lượng khí khổng lồ. Điều đó khiến các quốc gia nhận thấy, việc gia hạn Nghị định thư Kyoto sau năm 2012 là cần thiết để ràng buộc trách nhiệm giảm phát thải mạnh mẽ hơn nữa.

COP 13 năm 2007 tại Bali (Indonesia) đưa ra Kế hoạch Hành động Bali, hình thành một hướng tiếp cận mới về giảm nhẹ khí nhà kính đối với các nước phát triển, được gọi là “các hành động giảm nhẹ khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia” (NAMA).

“Net zero” là khi lượng khí nhà kính thải ra không lớn hơn lượng khí thải thoát ra khỏi khí quyển.

Để đạt được “net zero”, các quốc gia và công ty sẽ cần dựa vào các phương pháp tự nhiên, như trồng rừng, để loại bỏ cùng một lượng carbon thải ra. Hoặc là cách sử dụng công nghệ được gọi là thu giữ và lưu trữ carbon, bao gồm việc loại bỏ carbon tại nguồn phát thải trước khi nó có thể đi vào khí quyển. Sau đó, carbon sẽ được lưu trữ hoặc chôn vùi dưới lòng đất.

Hiệp định Paris lịch sử

Tuy vậy, những kết quả trên vẫn là những bước tiến nhỏ. Chỉ đến COP 21 tại Paris (Pháp) với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được gần 200 quốc gia thông qua ngày 12/12/2015 mới đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hơn 20 năm theo đuổi mục tiêu chống biến đổi khí hậu của nhân loại.

Hiệp định một phần mang tính ràng buộc pháp lý, một phần mang tính tự nguyện. Mục tiêu quan trọng nhất của Hiệp định lịch sử này là giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ này dưới 2oC, rồi tiếp đó cùng thúc đẩy nỗ lực để xuống còn 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp.

COP 22 thông qua một tuyên bố kêu gọi cam kết chính trị cao nhất và đoàn kết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. COP 23 khởi động tiến trình “Đối thoại Talanoa” để xem xét các kế hoạch giảm thiểu khí thải nhà kính hiện hành nhằm đạt các mục tiêu tham vọng của Thỏa thuận Paris. COP 23 còn đưa ra được bản dự thảo một bộ quy tắc chi tiết thực thi Thỏa thuận này.

Bộ quy tắc này đã được chính thức hóa tại COP 24 vừa qua dưới tên gọi Chương trình nghị sự thực hiện Hiệp định Paris. Từ đây, các quốc gia có một cẩm nang hướng dẫn xây dựng lộ trình chi tiết, cách thức áp dụng để hiện thức hóa Thỏa thuận.

Tuy nhiên, kỳ họp gần nhất lại được đánh giá là không thành công. Sau gần hai tuần họp tại Madrid (Tây Ban Nha), COP 25 do Chile chủ trì, kết thúc ngày 15/12/2019 với một tuyên bố chung hết sức “dè dặt”. Tuyên bố chỉ thừa nhận “nhu cầu cấp thiết” đối với các những cam kết cắt giảm khí carbon và viện trợ cho các nước nghèo đã bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, chỉ có 80 quốc gia nhỏ (chiếm 10,5% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính) hứa sẽ nâng thêm mức cam kết của mình. Những ông lớn xả thải như Mỹ, Trung Quốc, Brazil, Australia, Nhật, Canada... gần như không đưa ra tuyên bố đáng kể nào. Những vấn đề còn vướng mắc như thị trường carbon lại bị hoãn đàm phán và chuyển sang kỳ COP26 ở Glasgow.

Trong tuyên bố đưa ra ngay sau khi COP 25 kết thúc, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: “Tôi rất thất vọng về kết quả của COP 25. Cộng đồng quốc tế đã mất đi cơ hội quan trọng để thể hiện tham vọng lớn hơn về giảm nhẹ tác động, tăng cường thích nghi và tài trợ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu".

Hy vọng vào COP26

Dù thế giới đã đồng lòng ký kết Hiệp định Paris nhưng lượng khí thải làm Trái Đất nóng lên liên tục tăng nhanh hơn dự kiến. Thế giới đã nóng lên 1,1°C và một đánh giá của Liên hợp quốc được công bố vào tháng Tám đã dự đoán, trong vòng hai thập kỷ tới, Trái Đất sẽ nóng lên vượt mốc 1,5°C.

Do vậy, COP26 được cho là hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lớn nhất kể từ COP21. Hội nghị diễn ra từ ngày 31/10-12/11, được tổ chức tại Glasgow (Scotland) và do Vương quốc Anh làm chủ nhà. Đúng ra, COP 26 vốn được lên kế hoạch tổ chức vào năm 2020, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hội nghị này được lùi lại một năm.

Trong khoảng thời gian chững lại, bản thân COP26 cũng như các quốc gia thành viên có sự chuẩn bị chu đáo hơn về nội dung cũng như gia tăng các cam kết. Gần 140 quốc gia công bố đưa phát thải khí nhà kính về trung hòa vào khoảng giữa thế kỷ và nhiều quốc gia tăng cam kết về đóng góp tài chính.

Nước chủ nhà Anh hy vọng thuyết phục các nhà lãnh đạo thế giới đạt được đồng thuận về một thỏa thuận khí hậu quan trọng và đang tìm kiếm sự ủng hộ từ các cường quốc đối với một kế hoạch triệt để hơn nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

UNFCC xác định bốn mục tiêu lớn trong chương trình nghị sự cho COP26 là: giữ vững mục tiêu không để Trái Đất tăng quá 1,5oC, thức đẩy các cam kết đạt “net zero”, thích ứng để bảo vệ cộng đồng và môi trường sống tự nhiên, huy động tài chính để hỗ trợ các nước đang phát triển, và thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia. COP26 được kỳ vọng tạo bước tiến quan trọng trong việc đặt ra các mục tiêu về khí thải nhằm làm chậm lại quá trình Trái đất ấm lên.

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bien-doi-khi-hau-cho-doi-gi-tu-cop26-163217.html