Biến đổi khí hậu gây nhiều thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long
Theo Bộ NN&PTNT, sản xuất nông nghiệp (SXNN) ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang chịu ảnh hưởng đồng thời bởi BĐKH, thời tiết cực đoan, nước biển dâng; hoạt động khai thác thủy điện, tăng lượng nước cho hoạt động SXNN ở thượng nguồn sông Mekong; hoạt động khai thác quá mức nước ngầm, cát trên lòng sông của vùng ĐBSCL; hoạt động kiểm soát lũ và thực hành SXNN thiếu bền vững ở ĐBSCL. Những yếu tố này tác động đồng thời, bổ trợ cho nhau, làm cho nông nghiệp ĐBSCL chịu ảnh hưởng tiêu cực ngày càng trầm trọng.
BĐKH đã và đang gây nhiều thiệt hại cho SXNN ở ĐBSCL, trong đó có hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) và hộ thành viên. Kết quả điều tra năm 2020 của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Viện CSCL) cho thấy: 80,3% HTX khảo sát cho biết hiện tượng BĐKH có xuất hiện trên địa bàn hoạt động của HTX trong 5 năm qua với 3 hiện tượng phổ biến là xâm nhập mặn, hạn hán và thời tiết cực đoan (giông bão, mưa to, lũ lụt).
Có tới 96,6% HTX ghi nhận có hiện tượng BĐKH trên địa bàn khẳng định BĐKH có ảnh hưởng tiêu cực đến SXNN của HTX. Các ảnh hưởng tiêu cực gồm làm tăng chi phí sản xuất, giảm năng suất cây trồng vật nuôi, làm mất trắng không được thu hoạch, giảm chất lượng sản phẩm, và làm mất đất SXNN.
Các hiện tượng BĐKH đều làm tăng chi phí sản xuất trên tất cả các nhóm cây trồng và nuôi trồng thủy sản. Trong đó, hiện tượng xâm nhập mặn làm tăng chi phí sản xuất cao nhất, với mức tăng cho phí sản xuất thêm trung bình là 29,1%; tiếp đến là hạn hán (27,6%); các hiện tượng BĐKH khác (23,1%) và thời tiết cực đoan (2,7%). Trung bình, BĐKH làm tăng chi phí SXNN thêm 26,2%.
Kết quả khảo sát HTX cho thấy, BĐKH làm tăng chi phí sản xuất lúa thêm 18%; cây ăn quả 34,5%; nuôi trồng thủy sản 36,8% và cây trồng khác (như rau màu) 31,7% trong trường hợp bị xâm nhập mặn.
80% HTX đánh giá rằng ảnh hưởng của các hiện tượng BĐKH đến việc tăng chi phí SXNN và thủy sản trong 5 năm qua (2016-2020) có xu hướng ngày càng trầm trọng hơn.
Theo một nghiên cứu năm 2019, trong trường hợp nước biển dâng 1m, tổng sản lượng lúa của vùng ĐBSCL có thể giảm 40% nếu không có các biện pháp ứng phó phù hợp. Ngoài ra, do điều kiện thời tiết khắc nghiệt và nhiều dịch bệnh xuất hiện, năng suất của nhiều loại cây trồng như lúa, ngô sẽ giảm.
Với kịch bản BĐKH trung bình, năng suất lúa vụ Đông Xuân được dự báo giảm 716,6kg/ha, vụ Hè Thu giảm khoảng 795kg/ha vào năm 2050. Điều này sẽ dẫn đến suy giảm khoảng 1,48 triệu tấn lúa. Năng suất ngô có thể giảm 782kg/ha, khiến sản lượng giảm khoảng 880 ngàn tấn.
Một yếu tố khác dẫn đến sự giảm năng suất cây trồng là sự suy giảm lượng phù sa do bị giữ lại phía thượng nguồn. Theo tính toán của các chuyên gia, tác động tích lũy của các dự án thủy điện trên sông Mekong có thể làm giảm từ 6-10% nguồn chất dinh dưỡng (đạm và lân) cho ĐBSCL, năng suất cây trồng dự báo sẽ giảm từ 0,6-1 tấn/ha.
Điều tra của Viện CSCL năm 2020 cho thấy, xâm nhập mặn gây giảm năng suất 41,5%; tiếp đến là hạn hạn làm giảm 35,8%; thời tiết cực đoan làm giảm 27,9% và các hiện tượng khác làm giảm 28,3%. Cây ăn quả bị giảm năng suất nhiều nhất (giảm 49,6%), thủy sản giảm 43,9%, lúa giảm 24,9% và cây trồng khác giảm 30%. Trung bình, BĐKH gây giảm năng suất cây trồng vật nuôi khoảng 35,2%.
Các HTX bị ảnh hưởng bởi BĐKH có thể bị mất trắng diện tích, giảm chất lượng sản phẩm, giảm diện tích đất nông nghiệp do ra sạt lở, hoặc hạn hán, nhiễm mặn quá không thể canh tác được…
Đồng thời, BĐKH tác động đến thời vụ, làm thay đổi cấu trúc mùa. Sinh kế nông nghiệp bền vững có nguy cơ bị mai một. Một bộ phận nông dân có khả năng phải chuyển đổi (hoặc đánh đổi) sinh kế, tỷ lệ này ở ĐBSCL được dự báo là không nhỏ…
Theo thống kê, đến hết năm 2020, toàn vùng ĐBSCL có 2.546 HTXNN (HTX trồng trọt chiếm 55,1%, HTX tổng hợp chiếm 23,9%, HTX nuôi trồng thủy sản chiếm 13,2%, HTX chăn nuôi chiếm 2,8%...), tăng 1.379 HTX so với năm 2012, là vùng có số lượng HTX tăng nhiều nhất. Toàn vùng ĐBSCL có khoảng 169,2 ngàn thành viên HTX. Trung bình một HTXNN có 65 thành viên.
Bộ NN&PTN cho biết, các hoạt động thích ứng BĐKH của các HTXNN thời gian qua còn mang tính tự phát, số lượng chưa nhiều… Để thúc đẩy sự tham gia của các HTXNN và người SXNN ở ĐBSCL thích ứng với BĐKH một cách hiệu quả, việc xây dựng và tổ chức thực hiện đề án “Nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH của HTX vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025” là hết sức cần thiết.
Theo dự thảo đề án, mục tiêu đến năm 2025, 100% HTXNN vùng ĐBSCL được tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao nhận thức và hiểu biết về BĐKH và biện pháp thích ứng trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản và diêm nghiệp.
Xây dựng ở mỗi tỉnh từ 3-5 mô hình HTX áp dụng các biện pháp thích ứng hiệu quả với BĐKH, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để tuyên truyền nhân rộng. Tổ chức định kỳ diễn đàn khu vực kinh tế tập thể, HTX, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh nông nghiệp thích ứng với BĐKH.
Góp phần vào mục tiêu 70% HTXNN được xếp loại từ loại khá trở lên; tối thiểu 50% HTXNN tham gia các chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; doanh thu sản xuất kinh doanh của HTX tăng ít nhất 20%...