Biến đổi khí hậu gây ra cuộc chiến biên giới mới giữa Mỹ và Mexico

Căng thẳng biên giới giữa Mỹ và Mexico đang ngày một gia tăng. Tuy nhiên, cuộc xung đột này không phải xuất phát từ vấn đề di cư mà đó là về nguồn nước.

Sông Rio Grande tạo thành biên giới Mỹ-Mexico tại Công viên bang Big Bend Ranch gần Presidio, Texas. Ảnh: Getty Images

Sông Rio Grande tạo thành biên giới Mỹ-Mexico tại Công viên bang Big Bend Ranch gần Presidio, Texas. Ảnh: Getty Images

Theo hiệp ước đã tồn tại 80 năm, Mỹ và Mexico lần lượt chia sẻ nguồn nước từ sông Colorado và sông Rio Grande. Tuy nhiên, trước tình trạng hạn hán nghiêm trọng và nhiệt độ tăng vọt, Mexico không có đủ lượng nước chia sẻ như dự kiến, không còn khả năng đáp ứng theo các điều khoản của hiệp ước với Mỹ. Một số chính trị gia nói rằng họ không thể cho đi những gì họ không có.

Về phía Mỹ, những người nông dân ở Nam Texas cũng đang phải vật lộn với tình trạng thiếu mưa. Họ nói rằng việc thiếu nước từ Mexico đang đẩy họ vào cuộc khủng hoảng, khiến tương lai của ngành nông nghiệp bị mất cân bằng. Một số nhà lãnh đạo bang Texas đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden từ chối viện trợ từ Mexico cho đến khi bù đắp được khoản thiếu hụt.

Cả hai quốc gia đều đang lo ngại về một mùa hè nóng nực và kéo dài. Nhiều người trông chờ vào một cơn bão sẽ tràn vào các con sông đang bị hạn hán ở Mexico. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng phương pháp trông chờ vào những cơn mưa là một chiến lược ngắn hạn, đầy rủi ro trong khi vấn đề dài hạn chưa được giải quyết.

Tranh chấp giữa Mỹ và Mexico lại một lần nữa phản ánh những thách thức to lớn trong việc tìm cách chia sẻ nguồn tài nguyên nước đang bị thu hẹp trong một thế giới nóng hơn, khô hơn.

Theo hiệp ước năm 1944, năm năm một lần, Mexico được chuyển 2,1 tỷ mét khối nước từ sông Rio Grande sang Mỹ. Đổi lại, hàng năm Mỹ phải chia sẻ 1,8 tỷ mét khối nước từ sông Colorado đến Mexico.

Theo bà Maria Elena Giner, ủy viên Mỹ của Ủy ban Nước và Biên giới Quốc tế - cơ quan hai quốc gia giám sát hiệp ước, cho biết Mexico đang không thực hiện được nghĩa vụ của mình.

Trả lời phỏng vấn đài CNN, bà Maria cho biết: “Chúng tôi chỉ mới nhận được lượng nước đủ cho khoảng một năm và chúng tôi đã bước sang năm thứ tư. Chu kỳ hiện tại kết thúc sẽ vào tháng 10/2025”.

Sông Rio Grande - được gọi là Río Bravo ở Mexico - là một trong những con sông dài nhất Bắc Mỹ, kéo dài hơn 3.000 km từ dãy núi Rocky của Colorado, len lỏi qua ba bang của Mỹ và năm bang của Mexico trước khi kết thúc hành trình ở Vịnh Mexico. Nhiều năm khai thác quá mức để phục vụ nông dân và dân số bùng nổ, cùng với tình trạng nắng nóng và hạn hán do biến đổi khí hậu, đã gây thiệt hại.

Alfonso Cortez Lara, giám đốc Cao đẳng Biên giới phía Bắc, chỉ ra nhiệt độ cao làm mất lớp tuyết ở vùng núi nên dòng chảy của sông cũng giảm.

Khoảng 320 km sông Rio Grande, trải dài từ Fort Quitmen đến Presidio, bang Texas, được gọi là “vùng bị lãng quên”, nơi lòng sông thường khô hạn quanh năm. Dòng chảy chỉ được hồi sinh ở hạ lưu nhờ dòng nước từ Rio Conchos ở bang Chihuahua của Mexico, phụ lưu lớn nhất của Rio Grande.

Bà Maria Giner cho biết sự bất thường và khó lường của Rio Grande là lý do khiến các cam kết của Mexico kéo dài 5 năm thay vì hàng năm.

Trong vài thập kỷ đầu tiên của hiệp ước, mọi việc đều diễn ra tốt đẹp. Nhưng từ đầu những năm 1990, dòng chảy đã thay đổi.

Tương tự thỏa thuận sông Colorado giữa các bang phía Tây Nam nước Mỹ, hiệp ước Mexico-Mỹ đã tính toán lượng nước sẵn có dựa trên dữ liệu từ nửa đầu thế kỷ 20. Dữ liệu này dự báo trước những đợt hạn hán ngắn hạn, nhưng không thấy trước những đợt hạn hán kéo dài nhiều năm.

Vianey Rueda, nhà nghiên cứu về hiệp ước tại Đại học Michigan, cho biết Mexico ghi nhận hai chu kỳ thâm hụt kéo dài 5 năm, từ năm 1992 đến năm 2002. “Đây là lần đầu tiên chúng ta thực sự chứng kiến những căng thẳng chính trị gia tăng giữa hai quốc gia liên quan đến nước”.

Bây giờ, khi gần hết chu kỳ 5 năm nữa, Mexico đang phải đối mặt với tình trạng tương tự. Chỉ có điều lần này nó dữ dội hơn. Hệ thống cung cấp nước vẫn được giữ nguyên nhưng cuộc khủng hoảng nước ngày càng trầm trọng hơn.

Sự kết hợp của nhiều yếu tố đã gây ra cuộc khủng hoảng này.

Nhu cầu về nước tăng vọt khi sự phát triển dọc sông Rio Grande tăng vọt. Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ, có hiệu lực vào năm 1994, đã dẫn đến sự bùng nổ của các trang trại và nhà máy ở Mexico, phát triển và sản xuất các sản phẩm dành cho thị trường Mỹ và Canada. Cả hai bên biên giới đều đô thị hóa và dân số tăng lên.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng khí hậu khiến nắng nóng và hạn hán thường xuyên hơn và kéo dài hơn.

Trong khi các hồ chứa nước của Mỹ tại Texas như Falcon và Amistad bị sụt giảm đáng kể công suất và thậm chí chạm đến mức thấp nhất trong lịch sử vào giữa tháng 6, thì Mexico lại đang hứng chịu một đợt hạn hán cực đoan ảnh hưởng tới 90% diện tích lãnh thổ.

Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở miền Bắc Mexico. Toàn bộ bang Chihuahua gặp hạn hán kể từ tháng 2, với dữ liệu từ cuối tháng 5 cho thấy gần 40% diện tích bang đang ở trong tình trạng “hạn hán đặc biệt”, mức nghiêm trọng nhất.

Hiện tại, việc đàm phán lại toàn bộ hiệp ước là khó có thể xảy ra. Bà Sheinbaum, tổng thống đắc cử Mexico, đã cam kết ưu tiên các vấn đề về nước. Nhưng Mỹ cũng có thể có một tổng thống mới khi chu kỳ 5 năm hiện tại kết thúc vào năm 2025 và điều này có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa hai nước.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo CNN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/bien-doi-khi-hau-gay-ra-cuoc-chien-bien-gioi-moi-giua-my-va-mexico-20240617191819282.htm