Biến đổi khí hậu khiến bão dữ dội hơn

Giới khoa học nhận thấy sự nóng lên của đại dương do biến đổi khí hậu đang góp phần khiến bão mạnh lên nhanh hơn, hình thành siêu bão với sức tàn phá lớn như bão Yagi.

Giới khoa học nhận thấy sự nóng lên của đại dương do biến đổi khí hậu đang góp phần khiến bão mạnh lên nhanh hơn, hình thành siêu bão với sức tàn phá lớn như bão Yagi.

(Ảnh: National Geographic Education)

(Ảnh: National Geographic Education)

Theo các nhà khoa học, chỉ 3 ngày trước, bão Yagi là một cơn bão nhiệt đới với sức gió tối đa 90 km/h. Tuy nhiên, cơn bão đã nhanh chóng tập trung sức mạnh trên vùng nước ấm của khu vực Đông Nam Á với sức gió lên tới gần 240 km/h - tương đương với bão cấp 4 ở Đại Tây Dương.

Phân tích đường đi của bão, các nhà khoa học phát hiện nhiệt độ nước biển quanh Philippines trung bình trên 31oC. Trong khi đó, nhiệt độ nước biển từ 29oC trở lên có thể cung cấp đủ năng lượng để cơn bão đạt đến sức mạnh tối đa. Điều kiện khác như độ ẩm dồi dào trong khí quyển cũng quan trọng để cơn bão phát triển.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hồi tháng 8 vừa qua cũng cảnh bảo nhiệt độ nước biển ở khu vực Thái Bình Dương đang tăng với tốc độ nhanh gấp 3 lần so với mức trung bình toàn cầu.

Biến đổi khí hậu đang làm các cơn bão mang nhiều hơi nước hơn, nhiều gió hơn và dữ dội hơn. Ngoài ra, cũng có bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu khiến bão di chuyển chậm hơn, theo đó bão có thể trút nhiều nước hơn vào một chỗ.

Mưa lớn do bão Yagi gây ngập lụt nghiêm trọng ở thị trấn Cainta, tỉnh Rizal, phía Đông Manila, ngày 3/9 (Ảnh: AFP)

Mưa lớn do bão Yagi gây ngập lụt nghiêm trọng ở thị trấn Cainta, tỉnh Rizal, phía Đông Manila, ngày 3/9 (Ảnh: AFP)

Nếu không có đại dương, hành tinh này sẽ nóng hơn nhiều do biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trong 40 năm qua, đại dương đã hấp thụ khoảng 90% lượng nhiệt dư thừa bị giữ lại do khí thải nhà kính. Phần lớn lượng nhiệt đại dương này được chứa gần bề mặt nước. Lượng nhiệt bổ sung này có thể thúc đẩy cường độ của cơn bão và tạo ra sức gió mạnh hơn.

Biến đổi khí hậu cũng có thể làm tăng lượng mưa do cơn bão mang lại. Nguyên nhân là do bầu khí quyển ấm hơn có thể giữ nhiều độ ẩm hơn nên hơi nước tích tụ cho đến khi mây tan, gây ra mưa lớn.

Thế giới đã ấm lên 1,1oC so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Các nhà khoa học tại Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) dự đoán khi nhiệt độ tăng thêm 2oC, tốc độ gió của bão có thể tăng đến 10%. NOAA cũng dự báo tỷ lệ bão đạt đến mức dữ dội nhất - cấp 4 hoặc 5 - có thể tăng khoảng 10% trong thế kỷ này. Cho đến nay, chưa đến 20% các cơn bão đã đạt đến cường độ này kể từ năm 1851.

Theo VTV.VN

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/18/193141/bien-doi-khi-hau-khien-bao-du-doi-hon.htm