Biến đổi khí hậu khiến châu Âu 'điêu đứng' vì nắng nóng

Nhiệt độ kỷ lục mới được ghi nhận tại Vương quốc Anh, quốc gia nổi tiếng với khí hậu ôn hòa và nhiều mưa. Đây là một phần trong đợt sóng nhiệt nóng và khô bất thường đang càn quét khắp châu Âu, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, cơ sở hạ tầng và môi trường - làm dấy lên nhiều lo ngại về biến đổi khí hậu.

 Nước được phun lên cầu bắc qua các kênh để ngăn kim loại giãn nở ngày 19/7 ở Amsterdam (Hà Lan). Ảnh: AP

Nước được phun lên cầu bắc qua các kênh để ngăn kim loại giãn nở ngày 19/7 ở Amsterdam (Hà Lan). Ảnh: AP

Anh lần đầu ghi nhận nắng nóng trên 40 độ C

Nhiệt kế đã chỉ 40,3 độ C tại hạt Lincolnshire, miền trung nước Anh vào lúc 4 giờ chiều (giờ địa phương), cao hơn gần 2 độ so với nhiệt độ kỷ lục cũ năm 2019. Tới chiều ngày 19/7, đã có 34 địa phương phá vỡ mức nhiệt kỷ lục trước đó.

Nền nhiệt cao tác động xấu đến nhiều mặt của đời sống người dân đất nước này, từ giao thông tới y tế và giáo dục. Nhiều gia đình, doanh nghiệp nhỏ và cả các tòa nhà công cộng như bệnh viện tại Anh không có hệ thống điều hòa không khí. Sở Cứu hỏa London đã ra thông báo khẩn khi nhiều vụ cháy xảy ra khắp thủ đô, nhiều khu vực của nước Anh cũng đã bị ngắt quãng dịch vụ điện. Một vài tuyến đường sắt đã bị hủy do hỏng hóc đường ray và dây cáp.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Anh quốc Grant Shapps chỉ ra rằng hạ tầng đường sắt tại Anh không thể đối mặt với nắng nóng cực đoan và sẽ cần "rất nhiều năm" để những nâng cấp cần thiết được hoàn thành. Cơ sở vật chất ứng phó với kiểu thời tiết này tại Anh được nhận định là còn rất nhiều thiếu sót và bất cập.

Ảnh trái: Biển cảnh báo nắng nóng gay gắt tại Anh, nguy cơ chảy nhựa đường và nổ lốp xe (Ảnh: Evening Standard). Ảnh phảiL Đường ray tại ga Battersea, London (Anh) bị cháy trong thời tiết nắng nóng (Ảnh: Network Rail)

Nhiều thương vong vì nắng nóng khắp châu Âu

Anh không phải là quốc gia Tây Âu duy nhất có đợt nắng nóng bất thường. Thủ đô Amsterdam của Hà Lan được dự kiến đạt ngưỡng nhiệt 39 độ C. Các kỹ sư đã phải phun nước lên nhiều cây cầu để ngăn kết cấu kim loại giãn nở, cản trở giao thông đường sông tại đây.

Một sĩ quan cảnh sát cấp nước cho một người lính gác Hoàng gia Anh mặc trang phục truyền thống với mũ da gấu và áo đỏ dài, trong thời tiết nắng nóng tại London (Anh). Ảnh: AP

Một sĩ quan cảnh sát cấp nước cho một người lính gác Hoàng gia Anh mặc trang phục truyền thống với mũ da gấu và áo đỏ dài, trong thời tiết nắng nóng tại London (Anh). Ảnh: AP

Nhiều cảnh báo về mức độ nguy hiểm của thời tiết đã được phát đi khắp châu Âu và Bắc Phi. Ít nhất 6 người đã chết đuối khi tìm cách hạ nhiệt trong các sông và hồ chứa tại Anh. Ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, gần 750 vụ thiệt mạng liên quan đến nắng nóng đã được báo cáo trong giai đoạn sóng nhiệt càn quét.

Thiên tai, đặc biệt là cháy rừng cũng xảy ra ở nhiều nước: Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Morocco. Tại tây nam Pháp, hơn 2.000 lính cứu hỏa được huy động để đối phó với cháy rừng dữ dội lan nhanh qua các rừng thông khô cứng.

Hàng chục nghìn người đã phải sơ tán khẩn cấp. Tại Hy Lạp, một đám cháy tại khu rừng phía đông bắc Athens đã làm cháy nhiều ngôi nhà ở vùng ngoại ô, tạo ra một màn khói dày có thể quan sát thấy từ thành phố.

Tuy nhiên, dự báo cho rằng nhiệt độ tại châu Âu sẽ dịu bớt trong vài ngày tới, có thể sẽ kèm theo mưa.

Lính cứu hỏa đang chuẩn bị để dập lửa tại rừng La Test-de-Buch, tây nam Pháp, ngày 18/7. Ảnh: SDIS 33

Lính cứu hỏa đang chuẩn bị để dập lửa tại rừng La Test-de-Buch, tây nam Pháp, ngày 18/7. Ảnh: SDIS 33

Nắng nóng - hệ quả trực tiếp của biến đổi khí hậu

Trưởng Văn phòng Khí tượng Anh quốc cho rằng mức nhiệt tưởng chừng bất khả thi này là hệ quả trực tiếp của biến đổi khí hậu, tạo ra bởi hiệu ứng nhà kính. Ông cho rằng nếu những khí gây nên hiệu ứng này vẫn tiếp tục được thải ra với khối lượng lớn "chúng ta có thể thấy nhiệt độ thế này cứ mỗi 3 năm".

Các đợt sóng nhiệt đang diễn ra nhiều hơn và cực đoan hơn do sự biến đổi khí hậu của con người gây nên. Theo Liên Hợp quốc, chúng ta đang ở trong giai đoạn nóng nhất trong 125 nghìn năm.

Tuy chưa từng có tiền lệ, những sự kiện thời tiết cực đoan tại châu Âu và trên toàn thế giới đã được cảnh báo hàng thập kỷ bởi các nhà khí tượng học. Khi được hỏi liệu kiểu sóng nhiệt này có gây sự bất ngờ, nhà khí tượng học Micheal Mann trả lời: "Đáng tiếc là không. Chúng ta đã thấy sự lặp lại của một dòng tia rất uốn lượn hè năm nay. Sự lặp lại này có liên quan tới các sự kiện khí tượng hiện giờ tại Mỹ và châu Âu".

Trưởng Cơ quan Thời tiết của Liên Hợp quốc bày tỏ hy vọng rằng cái nóng tại châu Âu sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho chỉnh phủ các quốc gia để hành động nhiều hơn. Các nhà khoa học khác nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động ngay lập tức.

Bãi biển Brighton (Anh) - một trong những địa điểm thu hút đông người dân tới để tránh nóng. Ảnh: BBC

Bãi biển Brighton (Anh) - một trong những địa điểm thu hút đông người dân tới để tránh nóng. Ảnh: BBC

Trong bản báo cáo đặc biệt: "Sự nóng lên toàn cầu ngưỡng 1,5 độ C", Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu nhấn mạnh: "Kiềm chế sự nóng lên toàn cầu ở ngưỡng 1,5 thay vì 2 độ C sẽ làm bớt đi khoảng 420 triệu người phải thường xuyên chịu những đợt sóng nhiệt cực đoan và giảm khoảng 65 triệu người phải tiếp xúc với những đợt sóng nhiệt nguy hiểm tới tính mạng".

Tuy nhiên, ở ngưỡng tăng 1,2 độ C hiện giờ, những tác động của biến đổi khí hậu đã được cảm nhận thấy rất rõ rệt, đặc biệt ở những tháng hè. Điều tệ nhất, theo Mann, là những nguy cơ lâu dài của sóng nhiệt có thể đã bị đánh giá thấp. "Cơ chế mà biến đổi khí hậu làm thay đổi hoạt động của dòng tia không được chạy thử nghiệm trên những thiết bị mới nhất. Điều này nghĩa là những thử nghiệm có thể đã không cho chúng ta thấy toàn cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu". "Những thử nghiệm này có lẽ đã đánh giá thấp sức tàn phá khi nhiệt độ tăng đạt ngưỡng 1,5 hay 2 độ C".

Ví dụ của Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, với nhiệt độ trên dưới 40 độ C, là một lời nhắc nhở đanh thép về sự cấp bách của những hành động nghiêm túc từ chúng ta, nếu không muốn chịu những kỷ lục nhiệt độ mới.

"Có sự khác biệt giữa rất khó và bất khả thi. Kiềm chế sự nóng lên ở ngưỡng 1,5 độ C chắc chắn là nỗ lực kinh tế - xã hội khổng lồ. Những không có nghĩa điều này bất khả thi", Caroline Brouillette, Quản lý Chính sách Quốc gia của Mạng lưới Hành động vì Khí hậu Canada, chia sẻ.

Đại biểu cấp cao của 40 quốc gia nhóm họp tại Berlin (Đức) trong 2 ngày để thảo luận về việc thực hiện các mục tiêu đạt được tại Hội nghị COP26 tại Glasglow, Anh. Đây là sự kiện trước thềm Hội nghị COP27 sẽ được tổ chức tại Ai Cập. Ảnh: Africa News

Đại biểu cấp cao của 40 quốc gia nhóm họp tại Berlin (Đức) trong 2 ngày để thảo luận về việc thực hiện các mục tiêu đạt được tại Hội nghị COP26 tại Glasglow, Anh. Đây là sự kiện trước thềm Hội nghị COP27 sẽ được tổ chức tại Ai Cập. Ảnh: Africa News

Tại thủ đô Berlin của Đức, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc António Guterres phát biểu trước đại diện của 40 quốc gia: "Các đại biểu, đây phải là thập kỷ của hành động dứt khoát về khí hậu. Đó nghĩa là sự tin tưởng, chủ nghĩa đa phương và sự hợp tác sâu rộng. Chúng ta có một lựa chọn. Hành động cùng nhau hoặc tự sát cùng nhau. Quyết định nằm trong tay chúng ta".

Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp quốc, loài người đang ở giai đoạn nóng nhất trong 125 nghìn năm, nguyên nhân chủ yếu là từ nồng độ CO2 cao nhất trong 2 triệu năm, gây ra bởi các hoạt động của con người.

Liên Hợp quốc đã đặt mục tiêu giới hạn sự tăng nhiệt của thế giới ở ngưỡng 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp. Để đạt mục tiêu, theo đà tăng của lượng khí CO2 thải ra môi trường, lượng khí phát thải cần giảm còn khoảng một nửa so với hiện tại vào năm 2030. Sau đó thế giới cần đạt phát thái ròng bằng "0" vào năm 2050.

Nguồn: BBC, AP, CBC

Ninh Phi (Tổng hợp)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/bien-doi-khi-hau-khien-chau-au-dieu-dung-vi-nang-nong-20220720103440522.htm