Biến đổi khí hậu khiến tốc độ tuyệt chủng các loài sinh vật gia tăng
Những vùng đầm lầy nhiệt đới đáng lẽ nên ẩm ướt và xanh mướt, chứ không phải những thảm thực vật cháy ngụt. Song vùng đầm lầy nhiệt đới ẩm lớn nhất thế giới Pantanal ở Brazil đã cháy hàng tuần liền, số vụ cháy lớn nhất từng xảy ra ở khu vực này kể từ khi bắt đầu thống kê vào năm 1998.
Biến đổi khí hậu khiến tốc độ tuyệt chủng các loài sinh vật gia tăng. Ảnh minh họa: AP
Hậu quả dành cho một trong những hệ sinh thái đa dạng nhất trên hành tinh thật ám ảnh. Những con báo đốm đen kịt, trong cơn đói lang thang giữa đám tro tàn với bàn chân cháy đến tận xương.
Chúng vẫn còn là những kẻ may mắn. Tàn tích cháy đen của của cá sấu Caiman, heo vòi và khỉ là minh chứng cho những kẻ kém may mắn hơn.
Xa hơn về phía bắc rừng Amazon, hơn 20.000 đám cháy đã được phát hiện vào hai tuần đầu của tháng Chín, một số lượng lớn hơn cả toàn bộ tháng Chín năm 2019.
Ở cả hai khu vực này, hỏa hoạn đều do nông dân đốt rừng khai khẩn những vùng đất hoang cho nông nghiệp, vốn được khuyến khích bởi các chính sách lỏng lẻo của chính quyền.
Nạn phá rừng ở Amazon đang làm khô hạn cả một vùng rộng lớn, khiến các vụ cháy tệ đi, và ngăn các “dòng sông bay” mang hơi nước được ngưng tụ từ các ngọn cây ở Amazon thổi xuống Pantanal.
Cháy một cách lạ thường. Lượng mưa ở toàn Pantanal năm nay ở mức thấp nhất kể từ năm 1973. Mùa mưa của năm trước bị trì hoãn, khiến nạn hạn hán gia tăng. Trên hết vẫn là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Những điều này rất khó để phân biệt với những biến đổi khí hậu tự nhiên ở Pantanal, nhưng nhiệt độ ấm hơn và lượng mưa giảm đi trong khu vực phù hợp với một số kết quả thử nghiệm.
Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia của Brazil báo cáo rằng đã có ít nhất 15.000 vụ cháy ở các vùng đầm lầy kể từ tháng 1, gấp ba lần con số được ghi nhận so với cùng kỳ năm 2019 và tăng gấp 12 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Một phân tích riêng biệt của các nhà nghiên cứu từ Đại học Liên bang Rio de Janeiro cho thấy rằng, vào ngày 6 tháng Chín, các đám cháy được ghi nhận đã thiêu rụi 23.490 km vuông - 17% tổng diện tích của Pantanal.
Khu vực này là nơi sinh sống của hơn 1.000 loài chim, động vật có vú và động vật có xương sống khác, gần 3.500 loài thực vật, và hơn 9.000 loài côn trùng và động vật không xương sống khác.
Chưa biết các loài sinh vật sẽ phục hồi như thế nào sau đám cháy, nhưng khả năng là sẽ có những tác động lâu dài.
Các giống cỏ thích nghi với lửa sẽ mọc lại nhanh hơn nhiều so với các giống cây. Những cây bị cháy xém nhưng vẫn sống sót sẽ ít có khả năng ra quả vào năm tới. Điều này gây ảnh hưởng dây chuyền đến những loài động vật còn sống dựa vào nguồn thức ăn này.
Tổn thất được theo dõi. Đây là bộ mặt xấu xí của việc mất đi đa dạng sinh học. Vào đầu tháng này, Công ước về đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc đã công bố báo cáo thứ năm về đa dạng sinh học, đánh giá những tiến bộ đạt được đối với một loạt các mục tiêu quốc tế nhằm ngăn chặn sự tuyệt chủng các loài trên toàn cầu.
20 mục tiêu đã được 196 quốc gia thành viên của Công ước thông qua vào năm 2010 và được dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Tuy nhiên, chưa có mục tiêu nào được thực hiện.
Các chỉ số cho nhiều mục tiêu đã bị đình trệ hoặc tệ đi. Tuy vậy vẫn có một số điểm tích cực. Trong những năm 2010, tỷ lệ phá rừng trên toàn cầu đã giảm 1/3 so với thập kỷ trước và số lượng các khu bảo tồn đã tăng lên.
Ở những nơi áp dụng các chính sách quản lý thủy sản tốt như Chile, Nam Phi và Indonesia, sinh khối của trữ lượng cá biển đã tăng trở lại.
Tỷ lệ tuyệt chủng ở các loài chim và động vật có vú ước tính đã giảm một nửa so với viễn cảnh khi ta không có động thái gì. Nhưng theo Báo cáo Hành tinh Sống (Living Planet Report) được công bố tuần trước bởi tổ chức môi trường WWF, những nỗ lực này vẫn còn rất mỏng manh.
Đây là bản đánh giá về tình trạng đa dạng sinh học toàn cầu được thực hiện hai năm một lần nhằm theo dõi dữ liệu từ 20.811 quần thể của 4.392 loài động vật. Bản đánh giá chỉ ra rằng các quần thể động vật trên toàn thế giới đã giảm trung bình hai phần ba từ năm 1970 đến năm 2016.
Sự sụt giảm cao nhất rơi vào các vùng nhiệt đới. Ở khu vực Mỹ Latinh và quần đảo Caribe, các quần thể động vật giảm trung bình 94% trong khoảng thời gian trên.
Việc con người phá hủy các hệ sinh thái hoang dã đổi lại để khai thác mỏ, đô thị hóa hoặc như nạn phá rừng ở Brazil để làm nông nghiệp, là thủ phạm chính cho chuyện này.
Các loài xâm lấn là một thủ phạm khác. Nhưng chắc chắn mối đe dọa đang nổi lên quan trọng nhất đối với các loài chính là sự mất ổn định do biến đổi khí hậu gây ra. Trên khắp thế giới, biến đổi khí hậu đang làm thay đổi các hệ sinh thái, thay đổi các mùa giao phối và ảnh hưởng đến nguồn cung cấp thực phẩm.
Trước khi nhân loại tạm dừng các ưu tiên đối phó với đại dịch toàn cầu, các nhà sinh thái học và chính trị gia đã chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học khác vào tháng 10 tại Côn Minh, Trung Quốc.
Covid-19 đã trì hoãn cuộc họp đó đến tháng Năm năm 2021. Các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học sẽ có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ nếu họ nhìn vào Brazil và chú ý đến những gì đang trên bờ vực nguy hiểm.