Biến đổi khí hậu làm phát lộ mồ chôn hạt nhân đáng sợ của quân đội Mỹ

Các cuộc thử nghiệm hạt nhân đã khiến người dân Quần đảo Marshall bị bệnh, cá bị nhiễm độc phóng xạ, gây ra bệnh ung thư và tiếp tục di chứng cho đến ngày nay.

Địa điểm Mỹ thử bom hạt nhân tại Quần đảo Marshall hiện nay

Địa điểm Mỹ thử bom hạt nhân tại Quần đảo Marshall hiện nay

Vào năm 2017, Ariana Tibon đang theo học tại Đại học Hawaii, cô tình cờ nhìn thấy bức ảnh trên mạng: một bức ảnh đen trắng chụp một người đàn ông đang bế một đứa bé. Chú thích cho biết: “Nelson Anjain đón nhận đứa con từ một thành viên nhóm AEC RadSafe vào ngày 2/3/1954 trên Rongelap hai ngày sau Bravo”.

Tibon chưa bao giờ nhìn thấy người đàn ông này nhưng cô liền nhận ra cái tên đó là của ông cố. Vào thời điểm đó, ông cố của Tibon đang sống trên Rongelap thuộc Quần đảo Marshall khi Mỹ tiến hành vụ thử vũ khí hạt nhân Castle Bravo - vụ lớn nhất trong số 67 vụ thử vũ khí hạt nhân ở đó trong Chiến tranh Lạnh. Các cuộc thử nghiệm hạt nhân đã khiến người dân Quần đảo Marshall bị bệnh, cá bị nhiễm độc phóng xạ, làm đảo lộn các thói quen ăn uống truyền thống, gây ra bệnh ung thư và các hậu quả tiêu cực khác cho sức khỏe vẫn tiếp tục di chứng cho đến ngày nay.

Một báo cáo liên bang của Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ (GAO) công bố vào tháng trước đã xem xét những gì còn sót lại của vụ ô nhiễm hạt nhân đó, không chỉ ở Thái Bình Dương mà còn ở Greenland và Tây Ban Nha. Các tác giả kết luận rằng biến đổi khí hậu có thể làm xáo trộn chất thải hạt nhân còn sót lại ở Greenland và Quần đảo Marshall. Báo cáo cho biết: “Mực nước biển dâng cao có thể làm lây lan tình trạng ô nhiễm ở Quần đảo Marshall và các đánh giá rủi ro trái ngược nhau khiến người dân không tin tưởng vào thông tin phóng xạ từ Bộ Năng lượng Mỹ”.

Ở Greenland, hóa chất độc hại và chất lỏng phóng xạ vốn bị đóng băng trong các tảng băng. Chúng là những gì còn sót lại từ một nhà máy điện hạt nhân thuộc cơ sở nghiên cứu của quân đội Mỹ vốn là nơi các nhà khoa học nghiên cứu khả năng lắp đặt tên lửa hạt nhân.

Báo cáo không nêu rõ ô nhiễm hạt nhân có thể di chuyển như thế nào hoặc lan truyền bao xa ở Thái Bình Dương hoặc Greenland, hoặc điều gì sẽ xảy ra nếu có bất kỳ rủi ro sức khỏe nào có thể gây ra cho những người sống gần đó. Tuy nhiên, các tác giả lưu ý rằng ở Greenland, chất thải đông lạnh có thể bị rò rỉ vào năm 2100.

Hjalmar Dahl, chủ tịch Hội đồng Vành đai Inuit Greenland, cho biết: “Có khả năng ảnh hưởng đến môi trường, điều này có thể ảnh hưởng thêm đến chuỗi thức ăn và ảnh hưởng đến người dân sống trong khu vực”. Lãnh thổ hải ngoại của Đan Mạch có khoảng 90% là người Inuit. “Tôi nghĩ điều quan trọng là chính quyền Greenland và Mỹ phải trao đổi về vấn đề đáng lo ngại này và chuẩn bị những gì cần làm với nó”.

Các tác giả của nghiên cứu GAO viết rằng Greenland và Đan Mạch chưa đề xuất bất kỳ kế hoạch dọn dẹp nào, nhưng cũng trích dẫn các nghiên cứu cho biết phần lớn chất thải hạt nhân đã phân hủy và sẽ bị pha loãng do băng tan. Tuy nhiên, những nghiên cứu đó lưu ý rằng chất thải hóa học như biphenyl polychlorin hóa, hóa chất nhân tạo được biết đến nhiều hơn là PCB có khả năng gây ung thư, “có thể là chất thải gây hậu quả nặng nề nhất tại Camp Century”.

Báo cáo tóm tắt những bất đồng giữa các quan chức Quần đảo Marshall và Bộ Năng lượng Mỹ liên quan đến những rủi ro do chất thải hạt nhân của nước này gây ra. GAO khuyến nghị cơ quan này áp dụng chiến lược truyền thông để truyền tải thông tin về khả năng ô nhiễm đến người dân Quần đảo Marshall.

Nathan Anderson, giám đốc của GAO, cho biết trách nhiệm của Mỹ tại Quần đảo Marshall “được xác định bởi các đạo luật liên bang cụ thể và các thỏa thuận quốc tế”. Ông lưu ý rằng chính quyền Quần đảo Marshall trước đây đã đồng ý giải quyết các yêu cầu bồi thường liên quan đến thiệt hại từ vụ thử hạt nhân của Mỹ.

“Quan điểm trước sau của chính phủ Mỹ, theo thỏa thuận đó, Cộng hòa Quần đảo Marshall chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với các vùng đất của mình, gồm cả những vùng đất được sử dụng cho chương trình thử nghiệm hạt nhân”.

Đối với Tibon, một người con Marshall đang ở xa nhà và hiện là chủ tịch Ủy ban Hạt nhân Quốc gia, việc đề xuất duy nhất trong báo cáo là một… chiến lược truyền thông mới thật là khó hiểu. Tibon không chắc điều đó sẽ giúp ích gì cho người dân Quần đảo Marshall.

Tibon than phiền: “Điều chúng ta cần bây giờ là hành động và thực hiện các biện pháp khắc phục môi trường. Chúng ta không cần một chiến lược truyền thông. Nếu họ biết rằng nó bị ô nhiễm, tại sao không đưa ra khuyến nghị về các bước tiếp theo để khắc phục môi trường hoặc làm cách nào để trả lại những vùng đất này về điều kiện an toàn và có thể an cư cho các cộng đồng ở đây?”

Chính quyền Mỹ gần đây đã đồng ý tài trợ cho việc xây dựng một bảo tàng mới để tưởng nhớ những người bị ảnh hưởng bởi vụ thử hạt nhân cũng như các sáng kiến về biến đổi khí hậu ở Quần đảo Marshall. Thế nhưng, các sáng kiến này đã nhiều lần bị Quốc hội Mỹ phớt lờ, mặc dù chúng là một phần của hiệp ước đang còn hiệu lực với Quần đảo Marshall.

Châu Âu công nhận quyền quản lý của Tây Ban Nha đối với Quần đảo Marshall năm 1874. Nơi này chính thức là một phần của Đông Ấn Tây Ban Nha từ 1528. Tây Ban Nha bán quần đảo cho Đế quốc Đức năm 1884 và nó trở thành một phần của New Guinea thuộc Đức năm 1885.

Vào Chiến tranh thế giới thứ nhất, Đế quốc Nhật Bản chiếm Quần đảo Marshall. Năm 1919, Hội Quốc liên đã kết hợp nó với các cựu lãnh thổ của Đức để tạo nên Ủy thác Nam Dương. Vào Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ đánh chiếm quần đảo trong Chiến dịch quần đảo Gilbert và Marshall. Cùng với các quần đảo châu Đại Dương khác, Quần đảo Marshall được hợp nhất vào Lãnh thổ Ủy thác Quần đảo Thái Bình Dương do Mỹ quản lý.

Nước này giành được quyền tự quản năm 1979 và độc lập năm 1986, dưới Hiệp ước Liên kết Tự do với Mỹ. Quần đảo Marshall đã là một thành viên Liên Hợp Quốc từ nằm 1991.

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/bien-doi-khi-hau-lam-phat-lo-mo-chon-hat-nhan-dang-so-cua-quan-doi-my-214694.html