Biến đổi khí hậu mở đường cho những vi khuẩn hiếm gặp trỗi dậy
Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng biến đổi khí hậu sẽ làm thay đổi tỷ lệ xuất hiện và lây lan bệnh tật, đặc biệt là những bệnh do mầm bệnh nhạy cảm với nhiệt độ gây ra.
Mùa hè này, một em bé 16 tháng tuổi ở Little Rock, Arkansas (Mỹ) đang chơi trong vườn nhà thì ngã gần vũng nước có chứa một loại amip ăn não rất hiếm. Sinh vật chết chóc này theo nước bẩn bay thẳng vào mũi em bé. Nạn nhân qua đời vài ngày sau đó trong bệnh viện. Em bé mới biết đi này không phải là người đầu tiên ở Mỹ nhiễm amip nước ngọt Naegleria fowleri trong năm nay. Vào tháng 2, một người trưởng thành ở Florida đã qua đời sau khi rửa xoang bằng nước chưa đun sôi và đó là ca tử vong đầu tiên liên quan đến Naegleria fowleri xảy ra vào mùa đông ở Mỹ.
Năm 2023 cũng là năm hoạt động mạnh mẽ của vibrio vulnificus, một loại vi khuẩn ăn thịt người. Có 11 ca tử vong liên quan đến vi khuẩn này ở Florida, 3 ca tử vong ở Bắc Carolina, 3 ca tử vong khác ở New York và Connecticut. Sau đó, xuất hiện ca sốt xuất huyết đầu tiên do muỗi địa phương lây truyền ở Nam California vào tháng 10, tiếp theo là một ca khác vài tuần sau đó.
Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng biến đổi khí hậu sẽ làm thay đổi tỷ lệ xuất hiện và lây lan bệnh tật ở Mỹ, đặc biệt là những bệnh do mầm bệnh nhạy cảm với nhiệt độ gây ra. Số lượng bệnh hiếm gặp trong năm qua có thể gây ngạc nhiên cho những người chưa quen, nhưng với các nhà nghiên cứu theo dõi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến bệnh tật, chuyện này không lạ. Họ cho biết năm 2023 tiếp tục thể hiện xu hướng mà họ tin chắc sẽ ngày càng trở nên rõ rệt hơn: Phân bố địa lý của mầm bệnh và thời điểm bùng phát của chúng đang có sự thay đổi.
Rachel Baker, Trợ lý giáo sư dịch tễ học tại Đại học Brown cho biết: “Chúng tôi dự đoán mọi thứ (liên quan đến mầm bệnh) bắt đầu di chuyển về phía bắc, mở rộng ra ngoài vùng nhiệt đới”. Còn Colin Carlson, một nhà sinh vật học đang nghiên cứu mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu toàn cầu, mất đa dạng sinh học và các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện tại Đại học Georgetown, cho biết số lượng các đợt bùng phát mà người Mỹ chứng kiến mỗi năm “sẽ tiếp tục gia tăng”.
Nguyên nhân là biến đổi khí hậu có thể tác động sâu sắc đến các yếu tố gây bệnh, chẳng hạn như nhiệt độ, thời tiết cực đoan và thậm chí cả hành vi của con người. Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy nhiệt độ nước là một trong những yếu tố môi trường hàng đầu ảnh hưởng đến sự phân bố và sự phát triển của Naegleria fowleri. Loài vi khuẩn này phát triển mạnh ở nhiệt độ nước trên 100 độ F (37,7 độ C) nhưng cũng có thể sống sót qua mùa đông lạnh giá bằng cách hình thành các nang trong trầm tích hồ hoặc ao. Amip lây nhiễm sang người khi nó xâm nhập vào ống mũi rồi từ đó lên não. Nghiên cứu cho biết: “Khi nhiệt độ nước bề mặt tăng lên cùng với biến đổi khí hậu, có khả năng loài amip này sẽ gây ra mối đe dọa lớn hơn đối với sức khỏe con người”.
Vi khuẩn vibrio vulnificus cũng bị ảnh hưởng theo cách tương tự. Đại dương đã hấp thụ phần lớn hiện tượng nóng lên do con người gây ra trong hơn một thế kỷ rưỡi qua. Hệ quả là nhiệt độ bề mặt nước biển, đặc biệt là dọc theo bờ biển nước Mỹ, đang bắt đầu tăng nhanh chóng. Các nghiên cứu đã lập bản đồ về sự phát triển của vibrio vulnificus cho thấy vi khuẩn này vươn dài về phía bắc dọc theo bờ biển phía đông nước Mỹ với tốc độ tỷ lệ với nhiệt độ tăng cao. Một nghiên cứu cho biết, mùa hè nóng hơn cũng dẫn đến nhiều người tìm đến các vùng nước để giải nhiệt và điều này tỷ lệ với số lần con người tiếp xúc với vi khuẩn. Mọi người bị nhiễm bệnh do ăn phải động vật có vỏ bị ô nhiễm hoặc để vết thương hở - dù nhỏ đến đâu - tiếp xúc với nước bị nhiễm vibrio.
Muỗi sinh sản trong điều kiện ấm áp, ẩm ướt và có thể truyền bệnh như sốt xuất huyết khi đốt người. Các nghiên cứu cho thấy loài muỗi mang mầm sốt xuất huyết vốn là bệnh đặc hữu phổ biến ở nam bán cầu, nay lại đang di chuyển về phía bắc tạo địa bàn mới khi nhiệt độ tăng cao, khi lũ lụt trở nên thường xuyên và khắc nghiệt hơn. Một nghiên cứu từ năm 2019 đã cảnh báo rằng phần lớn miền đông nam nước Mỹ có khả năng trở thành nơi thích hợp cho bệnh sốt xuất huyết vào năm 2050.
Các mầm bệnh ưa thời tiết ấm áp khác và các trung gian truyền bệnh cũng đang di chuyển, có thể ảnh hưởng đến hàng nghìn người mỗi năm. Sốt thung lũng, một căn bệnh do nấm có thể tiến triển thành căn bệnh gây chết người, đang lan rộng khắp miền tây nước Mỹ vốn khô hơn và nóng hơn trước.
Bọ ve amblyomma americanum, loài bọ nguy hiểm và đáng ghét thường khiến con người bị nó cắn mắc chứng dị ứng suốt đời với thịt đỏ, đang mở rộng địa bàn về phía bắc nhờ nhiệt độ mùa đông ấm hơn. Lý do là mùa đông ít lạnh đồng nghĩa với mùa sinh sản dài hơn cho phép quần thể bọ ve phát triển lớn hơn và phân bổ nhiều hơn.
Điều này không có nghĩa là mọi ca tử vong liên quan đến amip ăn não hoặc vibrio xảy ra trong năm nay đều do biến đổi khí hậu. Trên thực tế, những mầm bệnh hiếm gặp đã cướp đi mạng sống con người từ lâu trước khi chúng ta gây ra hiện tượng nóng lên làm biến đổi sâu sắc hành tinh.
Các phân tích trong tương lai có thể xem xét từng đợt bùng phát diễn ra vào năm 2023 để xác định liệu nhiệt độ tăng hay một số yếu tố liên quan đến biến đổi khí hậu khác có đóng vai trò hay không. Điều rõ ràng là biến đổi khí hậu đang tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các bệnh truyền nhiễm hiếm gặp phát triển.
Daniel R. Brooks, Giáo sư sinh học tiến hóa tại Đại học Toronto và là tác giả cuốn sách về biến đổi khí hậu và các bệnh mới xuất hiện, gọi đây là “sự ô nhiễm mầm bệnh”.
Điều người Mỹ lo ngại là các sở y tế cấp tiểu bang trở xuống có rất ít công cụ để dự đoán các đợt bùng phát dịch bệnh bất thường và các bác sĩ thường không quen với những căn bệnh không đặc hữu ở khu vực của họ. Nhưng các tổ chức y tế có thể thực hiện các bước để hạn chế sự lây lan của các mầm bệnh hiếm gặp do khí hậu gây ra. Các trường y có thể đưa các bài về bệnh nhạy cảm với khí hậu vào chương trình giảng dạy để giúp sinh viên cách nhận biết những mối đe dọa đang gia tăng.
Hiện đã có phương pháp xét nghiệm nhanh Naegleria fowleri có thể sử dụng để phát hiện amip ở các hồ bơi và các điểm nóng khác trong mùa hè. Các bang có thể thông qua vệ tinh, tiến hành giám sát liên tục các bãi biển để phát hiện vi khuẩn vibrio. Các thành phố có thể khống chế ấu trùng của loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết cũng như các bệnh khác và phun thuốc trừ sâu để giảm số lượng muỗi trưởng thành.
Brooks cho biết: “Nếu chúng ta chủ động tìm kiếm mầm bệnh trước khi chúng gây bệnh, chúng ta có thể kiểm soát tốt hơn các đợt bùng phát tại khu vực”. Nói cách khác, theo ông, "ta nên tìm chúng trước khi chúng tìm thấy ta”.