Biến đổi khí hậu - thực tiễn và bài học
Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại đang phải đối mặt trong thế kỷ 21. Sự nóng lên của trái đất, mưa lũ, hạn hán, xâm nhập mặn có chiều hướng gia tăng, các hiện tượng thời tiết cực đoan, trở nên khó dự báo hơn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của con người.
Tại Yên Bái, dưới tác động của biến đổi khí hậu, tần suất và cường độ thiên tai ngày càng gia tăng, gây nhiều tổn thất về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, kinh tế, văn hóa, xã hội; giai đoạn từ năm 1970 đến nay, các đợt lũ lụt xảy ra tại Yên Bái trở nên thường xuyên hơn, mức độ ảnh hưởng ngày càng lớn. Mưa lớn đã gây ngập úng trên diện rộng, hàng ngàn héc ta lúa và hoa màu bị mất trắng; nhiều đoạn đường quốc lộ bị ngập, phá hỏng; nhiều tài sản, hoa màu của người dân, công trình công cộng của địa phương bị cuốn trôi; mực nước của các sông Hồng nhiều lần tăng trên mức báo động 3... Điều này phản ánh thực tế biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng mạnh hơn và tác động của lũ, lụt đến cuộc sống của người dân ngày càng nhiều hơn, cường độ lớn hơn.
Theo ông Phạm Quốc Hưng - Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh thì tình hình thiên tai đã gây nên thời tiết cực đoan, nghiêm trọng hơn cả là tình hình mưa lũ với cường độ ngày càng gia tăng hơn. Trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh Yên Bái thời gian mưa tương đối nhiều, kéo dài nhiều ngày, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất kinh doanh của người dân.
Thiệt hại nặng nề nhất là ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 trong tháng 9 vừa qua đã gây mưa lớn, kéo dài trên diện rộng, mực nước sông Thao qua Yên Bái đã vượt báo động 3 tới 3,85 mét, có thể coi là đợt mưa lũ lịch sử trong hơn 30 năm qua, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản; đã có 54 người chết, 42 người bị thương, trên 27.000 ngôi nhà bị thiệt hại, hàng ngàn héc ta lúa, hoa màu, hàng ngàn con gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi, phá hỏng nhiều hệ thống giao thông, công trình nhà nước; ước tổng thiệt hại trên 5.700 tỷ đồng.
Cũng theo ông Hưng, dù tổng lượng mưa ít thay đổi nhưng thời điểm mưa đã thay đổi, không còn cố định như trước, mùa mưa đã mưa nhiều hơn, thời gian mưa kéo dài, dồn dập với lượng mưa lớn, gây nên tình trạng ngập úng, sạt lở đất...
Mặc dù ở cả 173/173 đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh đã thành lập lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai, với hơn 13.000 người tham gia; lực lượng dự bị có trên 62.000 người sẵn sàng tham gia các hoạt động PCTT-TKCN trên toàn tỉnh. Toàn tỉnh đã có 142 trạm đo mưa tự động, 5 trạm đo thủy văn, 1 trạm đo cảnh báo lũ sông Hồng, 2 hệ thống cảnh báo sớm sạt lở đất. Vì vậy, năng lực dự báo, cảnh báo của các cơ quan chuyên môn được nâng lên rõ rệt, nhất là khả năng dự báo sớm về mưa, lũ đạt độ chính xác từ 80 - 85%.
Để ứng phó hiệu quả về diễn biến phức tạp của thiên tai, tỉnh chỉ đạo phải làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; xây dựng kịch bản, tổ chức diễn tập ứng phó với các cấp độ thiên tai có thể xảy ra phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và trực tiếp có mặt tại hiện trường nơi xảy ra thiên tai để chỉ đạo ứng phó khắc phục hậu quả; đổi mới, nâng cao năng lực công tác theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo, duy trì chế độ thông tin báo cáo theo quy định; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, hiện đại hóa công cụ hỗ trợ PCTT.
Thực hiện tốt phương châm "Bốn tại chỗ”, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; đặc biệt phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và lực lượng xung kích PCTT cơ sở - lực lượng đầu tiên tổ chức ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin với các tỉnh bạn để áp dụng các giải pháp phù hợp.
Khắc phục hậu quả theo thứ tự ưu tiên cũng như truyền thông nâng cao kỹ năng ứng phó để hạn chế thiệt hại và nhanh chóng khắc phục hậu quả, đồng thời định hướng dư luận, không gây hoang mang, bất ổn xã hội. Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp thường xuyên kiện toàn, bổ sung lực lượng, xây dựng kịch bản hợp lý để ứng phó theo từng cấp độ rủi ro của thiên tai; đặc biệt lưu ý khu vực vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khi xảy ra thiên tai, đặc biệt là mưa lũ cần bảo đảm an toàn tính mạng cho nhân dân. Bên cạnh đó phải có phương án thích ứng với sự biến đổi của khí hậu nhằm giảm thiểu sự tác động tiêu cực đến đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tốc độ biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn so với dự đoán của giới khoa học và tình trạng đó có thể gây nên những hậu quả đáng sợ, thế giới sẽ phải chứng kiến sự nóng lên một cách bất thường của trái đất. Các lục địa đều trải qua tình trạng ấm lên, nhiệt độ trung bình của trái đất tăng 0,6 độ C trong 50 năm qua. Mực nước biển tăng thêm 3cm kể từ năm 1993, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trung bình của thế kỷ XX, kéo theo đó là sự gia tăng về thiên tai bão lũ, cả về tần suất và mức độ tàn phá.
Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/22/342358/bien-doi-khi-hau---thuc-tien-va-bai-hoc.aspx