Biến đổi khí hậu: Việt Nam vượt thách thức ra sao?

Trong bối cảnh thế giới kỷ niệm 5 năm Thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu, một cuộc tọa đàm thiết thực đã được tổ chức tại Hà Nội. Quy tụ các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau, các diễn giả đã cùng trả lời câu hỏi: Việt Nam có thể làm gì để vượt qua thách thức của biến đổi khí hậu?

Cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 là một lời kêu gọi sự nhận thức mạnh mẽ hơn để bảo vệ hành tinh và hành động vì môi trường bằng việc đấu tranh chống biến đổi khí hậu ...

Các diễn giả tại Tọa đàm. (Ảnh: An Bình)

Các diễn giả tại Tọa đàm. (Ảnh: An Bình)

Chính sách và hành động tích cực

Khẳng định ý nghĩa của Thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu, ThS. Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, chính cách thay đổi ý thức và cách tiếp cận đã giúp cho thỏa thuận này hiệu quả, được các quốc gia nỗ lực và đồng tâm thực hiện.

Cũng theo ông Phạm Văn Tấn, là một nước chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, nên ngay khi Thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu có hiệu lực vào năm 2015, từ năm 2016, Chính phủ Việt Nam đã thông qua nghị quyết phê duyệt thỏa thuận và đề ra kế hoạch thực hiện đến năm 2030.

Đặc biệt, nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu đã được xây dựng thành một chương riêng trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và được Quốc hội thông qua vào ngày 17/11 vừa qua. Theo ông Phạm Văn Tấn, trong thời gian tới, Luật Bảo vệ môi trường sẽ được triển khai rộng khắp tới các đối tượng liên quan.

Trình bày về các xu hướng của biến đổi khí hậu ở Việt Nam, PGS. TS. Ngô Đức Thành - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội - USTH (Trường Đại học Việt Pháp) cho rằng, sự hợp tác trong việc trao đổi giải pháp ứng phó BĐKK là rất quan trọng. “Không chỉ có sự chủ động tích cực, trong hành trình đó, chúng ta cũng phải cảm ơn sự chung tay của các tổ chức phát triển, bạn bè quốc tế trong quyết tâm ứng phó với BĐKK”, PGS. TS Ngô Đức Thành nói.

Nói về tác động của BĐKK, PGS. TS Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng cho biết, ngành nông nghiệp đang rất vất vả để ứng phó và nguy cơ mất an ninh lương thực là ở trước mắt. Không chỉ bị ảnh hưởng, chính nông nghiệp cũng đang góp phần không nhỏ vào việc phát thải khí nhà kính.

“Bởi vậy, chúng ta phải áp dụng giải pháp bền vững hơn bằng cách tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước và đất đai, thay đổi phương thức canh tác và sử dụng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái, sử dụng ít phân bón hóa học, giảm thiểu thuốc trừ sâu... Ngành nông nghiệp cần phải nỗ lực thích ứng cũng như tăng cường giảm thiểu tác động đến BĐKK”, PGS. TS Đào Thế Anh khẳng định.

Sự vào cuộc tổng thể

Tại tọa đàm, Giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) Ngụy Thị Khanh, người tâm huyết thúc đẩy các giải pháp xanh, giảm thiểu thải khí carbon ra môi trường và quản trị không khí, cho biết đã cùng các cộng sự tiến hành phân tích chuyên sâu về hệ thống năng lượng của Việt Nam, bao gồm về sử dụng năng lượng tái tạo không phụ thuộc vào than, giải quyết những thách thức của ô nhiễm nguồn nước không chỉ ở việc cung cấp nước sạch cho cộng đồng.

“Là ngành đóng góp tới 70% phát thải khí nhà kính nên năng lượng có vai trò rất lớn trong việc thực hiện ứng phó với BĐKK. Cùng với mở rộng quy mô phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, chúng ta cũng không xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện than mới, cũng như triển khai đồng bộ các giải pháp về tích trữ và phát triển mạng lưới truyền tải năng lượng”, bà Ngụy Thị Khanh nhấn mạnh.

Trả lời cho câu hỏi “mỗi chúng ta chống biến đổi khí hậu như thế nào”, bà Bùi Thị Thanh Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng cho rằng, mỗi đối tượng đều có một cách thức riêng. Đối với cộng đồng địa phương, tổ chức của bà cùng làm việc với họ để tìm mô hình cân bằng giữa lợi ích kinh tế và sinh thái, môi trường.

Với học sinh, giáo viên, họ cần thực hiện tuyên truyền và các bài tập thực hành thực tế kết hợp chia sẻ kinh nghiệm. Còn với sinh viên thì họ tăng cường các hoạt động về phát triển bền vững và xây dựng lối sống sinh thái...

Tuy nhiên, bà Phạm Thị Hương Giang - nhà sáng lập Quỹ Sống và dự án Nhà chống lũ lại cho rằng, vấn đề nhận thức là quan trọng nhất. Bởi vậy, các dự án xã hội của bà thường xuyên được thực hiện theo phương thức chung tay từ hộ gia đình.

“Tôi nghĩ giáo dục ở Việt Nam bên cạnh nặng về kiến thức với các môn học cơ bản như hiện nay thì cần đẩy mạnh giáo dục trách nhiệm con người với thiên nhiên và gìn giữ môi trường sống. Giáo dục vấn đề này mà thực hiện tốt thì công cuộc chung tay ứng phó với BĐKK tại Việt Nam sẽ hiệu quả hơn”, bà Giang nói.

Muốn thích ứng với biến đổi khí hậu, chúng ta phải đẩy mạnh khôi phục rừng, tập trung tại những khu rừng nghèo hoặc những khu vực đã mất rừng để bảo vệ đất, giữ nước. Tăng cường bảo vệ những diện tích rừng hiện còn, nhất là những khu rừng nguyên sinh mà ở đó, tầng đất mặt với lớp mùn có tác dụng như một bể chứa nước lớn, điều tiết dòng chảy lũ trong mùa mưa và tăng dòng chảy cho mùa cạn. PGS, TS Trần Hồng Thái Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia:

AN BÌNH

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bien-doi-khi-hau-viet-nam-vuot-thach-thuc-ra-sao-132414.html