Biển Đông: Áp lực gia tăng với Indonesia và Malaysia

CNN ngày 8-6 có bài viết đưa tin về việc Trung Quốc đang lấn sâu xuống Biển Đông, đe dọa luôn cả Malaysia và Indonesia. Trong bài biết, CNN dẫn lời giới chuyên gia cho rằng, Trung Quốc đang dùng các chiến thuật ngày càng hung hăng ở Biển Đông trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề và mối quan hệ với phương Tây căng thẳng do Covid-19.

CNN ngày 8-6 có bài viết đưa tin về việc Trung Quốc đang lấn sâu xuống Biển Đông, đe dọa luôn cả Malaysia và Indonesia. Trong bài biết, CNN dẫn lời giới chuyên gia cho rằng, Trung Quốc đang dùng các chiến thuật ngày càng hung hăng ở Biển Đông trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề và mối quan hệ với phương Tây căng thẳng do Covid-19.

Mỹ gia tăng tuần tra ở Biển Đông trong thời gian gần đây. Ảnh: CN

Mỹ gia tăng tuần tra ở Biển Đông trong thời gian gần đây. Ảnh: CN

Các chuyên gia thế giới: “Trung Quốc ngày càng gây hấn”

Theo đó, các tàu của Trung Quốc và Malaysia đã “bị khóa” trong cuộc căng thăng leo thang trong suốt hơn 1 tháng, gần đảo Borneo ở Biển Đông. Một tàu địa chất của Trung Quốc đã đối đầu với tàu khoan thăm dò West Capella của Malaysia. Tàu khoan của Malaysia đang tìm kiếm tài nguyên ở vùng biển này thì một tàu khảo sát của Trung Quốc, đi cùng với tàu bảo vệ bờ biển, đi vào khu vực và bắt đầu gây hấn, theo hình ảnh vệ tinh được phân tích bởi Viện minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI). Malaysia đã triển khai các tàu hải quân đến khu vực, sau đó được các tàu chiến Mỹ đang tập trận chung ở Biển Đông hỗ trợ.

Bắc Kinh tuyên bố họ đang tiến hành “các hoạt động bình thường trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc”, nhưng trong nhiều năm, các tàu Trung Quốc luôn bị cáo buộc tội xua đuổi những tàu của các nước cùng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Trên thực tế, theo nguồn tin của CNN, đây không phải lần đầu tiên tàu Trung Quốc cho thấy hành động gây hấn ở Biển Đông trong năm nay.

Hồi đầu năm, một cuộc đối đầu giữa tàu Trung Quốc và tàu Indonesia cũng xảy ra ở vùng biển quanh quần đảo Natuna, phía nam Biển Đông, sau khi các tàu cá của Trung Quốc hoạt động bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Giới chức Indonesia sau đó buộc phải triển khai máy bay chiến đấu F-16 và tàu hải quân tới khu vực. Tổng thống Indonesia Joko Widodo thậm chí đích thân đến thị sát khu vực này nhằm phát đi thông điệp cứng rắn.

Hồi tháng 4, một tàu giám sát hàng hải của Trung Quốc đã đâm và đánh chìm một tàu cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa.

Giờ đây, các chuyên gia cho rằng, các tàu Trung Quốc đang áp dụng các chiến thuật ngày càng mạnh mẽ, có nguy cơ gây ra xung đột mới với các cường quốc trong khu vực như Malaysia và Indonesia. Greg Polling, Giám đốc của AMTI cho biết, thế giới rất quan ngại khi các tàu Trung Quốc mở rộng phạm vi trong khu vực, chủ yếu là do việc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông. “Các đảo nhân tạo trái phép trở thành căn cứ trên biển của tàu Trung Quốc, biến Malaysia và Indonesia thành các quốc gia tiền tuyến”, chuyên gia Polling nói. “Bất kỳ ngày nào cũng có hàng chục tàu hải cảnh Trung Quốc di chuyển quanh quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và hàng trăm tàu cá sẵn sàng ra khơi”, CNN dẫn lời ông Polling nói.

“Đường 9 đoạn” phi pháp

Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan (Trung Quốc) cùng tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông hiện nay. Trong đó, các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh, được gọi là “đường 9 đoạn” – tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông gây chỉ trích mạnh mẽ trên khắp thế giới.

Tuyên bố này không có cơ sở theo luật pháp quốc tế và không có giá trị pháp lý trong phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) năm 2016. Mặc dù vậy, từ năm 2015, Trung Quốc bắt đầu tăng cường tham vọng lãnh thổ của mình bằng cách xây dựng các đảo nhân tạo trên các rạn san hô và bãi cạn ở Biển Đông, sau đó quân sự hóa chúng bằng các dải máy bay, bến cảng và các cơ sở radar. Các chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh đã tạo ra một đội tàu hải cảnh và tàu cá Trung Quốc có thể được triển khai ở Biển Đông để quấy rối các tàu nước khác trong khu vực.

“Những đảo này được trang bị khả năng giám sát và radar, nhìn thấy mọi thứ diễn ra ở Biển Đông”, ông Polling nói và cho biết thêm: “Trước đây, Trung Quốc không biết bạn đang khoan dầu ở đâu. Bây giờ họ chắc chắn làm được”. Các chuyên gia còn cho biết Bắc Kinh đã tạo ra một đội tàu bảo vệ bờ biển và các tàu cá Trung Quốc có thể được triển khai ở Biển Đông để quấy rối các tàu của các bên yêu sách khác hoặc đi thuyền trong các khu vực nhạy cảm.

Lo ngại cho an ninh Biển Đông

Bắc Kinh có một lịch sử lâu dài về việc quấy rối các tàu của các quốc gia khác ở Biển Đông. Trước đây, các nhà ngoại giao Trung Quốc thường giúp xoa dịu các bên, nhưng các chuyên gia cho rằng, sự trỗi dậy của cái gọi là ngoại giao “chiến binh sói lang” ở Bắc Kinh, đã loại bỏ bất kỳ kẻ phá vỡ mạch nào trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực.

Những hành động mạnh mẽ của Bắc Kinh trong khu vực cũng một phần do đại dịch Covid-19 toàn cầu, đã giáng một đòn nặng nề vào tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của nước này và làm tổn hại danh tiếng quốc tế của đất nước. Tại cuộc họp của Quốc hội vào tháng 5, chính phủ Trung Quốc đã không đặt mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm lần đầu tiên sau nhiều năm, một dấu hiệu cho thấy họ lo ngại về hiệu quả kinh tế giảm. Đồng thời, căng thẳng giữa Trung Quốc đang gia tăng với Mỹ và Châu Âu về vai trò của Bắc Kinh trong việc ngăn chặn sự bùng phát ban đầu và cáo buộc nước này giấu dịch khiến thế giới chậm trễ ứng phó đại dịch.

Ông Ian Storey, thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore), nhận định Trung Quốc không ngừng tuyên truyền rằng, Mỹ đang rút khỏi vị trí cường quốc toàn cầu, từ đó giúp Bắc Kinh củng cố ảnh hưởng của mình trong khu vực. Nhưng kế hoạch của Trung Quốc đối mặt không ít rủi ro. Mỹ đã tăng cường các hoạt động tự do hàng hải ở biển Đông, đồng thời nỗ lực hỗ trợ trực tiếp các quốc gia Đông Nam Á ở Biển Đông. Hải quân Malaysia hồi tháng 5 đã nhận được lô máy bay không người lái giám sát đầu tiên từ Mỹ. Chuyên gia Polling nhận định, trong 6 tháng cuối năm nay, Trung Quốc có thể sẽ gia tăng các hành động hung hăng ở Biển Đông. Vì vậy, theo ông đã đến lúc các nước trong khu vực hợp tác lại để kiềm chế sự hiện diện của Bắc Kinh dù ông cũng chỉ ra, điều này là không dễ dàng.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_226118_bien-dong-ap-luc-gia-tang-voi-indonesia-va-malaysia.aspx