Biển Đông: Chiêu trò 'làm luật', sự nguy hiểm và cái giá phải trả
Trong lúc thế giới mỏi mệt vì đại dịch Covid-19, lo ngại sự bất ổn ở Afghanistan..., thì Trung Quốc tung ra chiêu mới trên Biển Đông. Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/9, với những quy định gây bức xúc dư luận.
Lại chiêu mới
Ngay và luôn, truyền thông quốc tế chỉ ra điểm phi pháp của Luật An toàn giao thông hàng hải. Luật bắt buộc 5 loại tàu khi đi vào vùng lãnh hải Trung Quốc phải khai báo thông tin liên quan. Nếu không, các cơ quan chức năng sẽ áp dụng luật, quy tắc, quy định của Trung Quốc để xử lý. Xử lý thế nào, không nói rõ.
Luật quy định tàu chở dầu, khí đốt, có tần suất hoạt động lớn và các tàu “có thể gây nguy hiểm cho an toàn hàng hải Trung Quốc” thuộc đối tượng điều chỉnh. Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Biển Đông (Trung Quốc) Kang Lin nói quy định cũng được áp dụng cho các tàu dân sự sử dụng cho mục đích quân sự.
Quy định sẽ ít bị phản đối nếu chỉ áp dụng trong lãnh hải 12 hải lý của bờ biển Trung Quốc. Nhưng luật “mập mờ” không giải thích “phạm vi lãnh hải”. Nhà bình luận quân sự Trung Quốc Song Zhongping cho rằng quy định có thể áp dụng đối với Biển Hoa Đông, Biển Đông, các đảo, đá mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Nghĩa là các vùng biển, đảo trong phạm vi “đường 9 đoạn”.
Như vậy, tùy thuộc vào cảm nhận chủ quan của lực lượng chấp pháp, bất kỳ tàu nước ngoài nào cũng có thể trở thành đối tượng bị xử lý, dù đang hoạt động bình thường trên các vùng biển ngoài lãnh hải của Trung Quốc.
Cục An toàn Hàng hải và truyền thông Trung Quốc nói quy định phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Nhưng chuyên gia quốc tế khẳng định quy định về nhóm tàu chịu tác động và quyền của quốc gia ven biển trong Luật Trung Quốc trái hoàn toàn với UNCLOS 1982.
Giáo sư quan hệ quốc tế, Đại học Nhân dân Trung Quốc Thời Ân Hoằng dự báo “bất kỳ quốc gia nào có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, cũng như các quốc gia phương Tây như Mỹ và Anh… đều sẽ không chấp nhận quy định mới trên”.
Vì sao biết sẽ bị phản đối mà Cơ quan An toàn hàng hải Trung Quốc vẫn đưa ra quy định? Rất đơn giản, một mũi tên nhằm nhiều đích.
Thứ nhất, ẩn sau quy định “vùng lãnh hải” là ý đồ khẳng định chủ quyền Biển Đông theo “đường 9 đoạn” và chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Thứ hai, tạo cơ sở cho tàu hải cảnh, tàu dân quân biển hiện diện trên các vùng biển để “thực thi pháp luật” Trung Quốc.
Thứ ba, là phép thử phản ứng, “tập” cho các nước quen với việc Trung Quốc “làm luật biển”.
Thứ tư, cùng với các hoạt động khác, để Trung Quốc thực hiện kiểm soát Biển Đông trên thực tế.
Truyền thông quốc tế nhận xét các quy định của Trung Quốc “mơ hồ” một cách có chủ ý. Càng mơ hồ thì càng dễ biện minh và dễ áp dụng theo ý chủ quan. Nghĩa là Trung Quốc cho quyền tùy ý hành động, đem luật quốc gia áp lên luật quốc tế.
Quy định mới, tương tự như việc Trung Quốc công bố “Vùng nhận diện phòng không” (ADIZ) trên Biển Hoa Đông, có thể chưa áp dụng ngay trên thực tế. Nhưng nó là “quả bom hẹn giờ”, có thể nổ bất cứ lúc nào Bắc Kinh muốn, làm gia tăng nguy cơ tranh chấp, va chạm trên biển.
Sự nguy hiểm của hệ thống
Từng “lát cắt salami” có thể tạo cảm giác chưa đến độ làm căng. Có người vẫn hy vọng vào đại cục như phát biểu của Ngoại trưởng Vương Nghị tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Đông Á tháng 8/2021: tôn trọng sự thật lịch sử, luật pháp quốc tế, sự đồng thuận để giải quyết vấn đề Biển Đông dựa trên cơ sở hòa bình, tôn trọng các nước trong khu vực, tránh để bên ngoài can dự.
Nhưng hành động thực tế lại không như vậy.
Xâu chuỗi các sự kiện cho thấy một sự thật khác. Ngày 7/8/2020, Trung Quốc đưa ra quy tắc kỹ thuật để kiểm tra tàu biển trong các tuyến nội địa. Theo đó, khu vực hàng hải từ Hải Nam đến Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam) là “gần bờ” (coastal), vùng biển “nội địa”, áp dụng theo “quy chế quản lý vùng ven biển” của luật Trung Quốc.
Ngày 22/1/2021, Trung Quốc ban hành Luật Hải cảnh, cho phép lực lượng chấp pháp “sử dụng mọi biện pháp cần thiết”, kể cả sử dụng vũ khí nhằm vào các tàu nước ngoài, trên các vùng biển Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
Rồi đến Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi công bố cuối tháng 8/2021. Cứ khoảng 6 đến 8 tháng, Trung Quốc lại cho ra một “lát cắt salami”. Mỗi “lát cắt” đưa ra một số quy định mới, định nghĩa mới… Tổng các “lát cắt salami” sẽ từng bước tạo ra một “Bộ luật” Trung Quốc trên Biển Đông.
Bằng cách đó, Bắc Kinh muốn biến vùng biển, đảo không tranh chấp thành vùng tranh chấp, thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc.
Năm 2012, Trung Quốc phong tỏa, giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough. Trong vòng 5 năm, từ 2014, Trung Quốc cải tạo các đá thuộc quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo, có công trình ngầm, cầu tàu, đường băng cho phép máy bay vận tải quân sự hạng nặng cất hạ cánh (tháng 1/2021, 1 máy bay như thế đã đáp xuống đá Chữ Thập).
Cùng với đó là sự hiện diện thường xuyên của nhiều tàu hải cảnh, tàu dân quân biển và hàng loạt cuộc tập trận trên Biển Đông. Trung Quốc đã thay đổi nguyên trạng, tạo ưu thế trên Biển Đông. Có đảo, có nhiều tàu, có lực lượng, bây giờ là ban hành luật. Đủ công cụ để thực hiện mục tiêu kiểm soát Biển Đông. Đấy chính là sự nguy hiểm của hệ thống.
Im lặng có là vàng?
Muốn ngăn chặn hệ thống nguy hiểm, phải đấu tranh với từng “lát cắt”. Phải xem các quy định trái với UNCLOS 1982 là yêu sách chủ quyền không có cơ sở pháp lý, nguy hiểm không kém việc hạ đặt giàn khoan vào vùng biển nước khác.
Học giả quốc tế dự báo các nước sẽ không chấp nhận quy định áp đặt phi lý. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Các quốc gia cần tuân thủ nghiêm túc các điều ước mà mình là thành viên, nhất là UNCLOS 1982 – khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương, khi ban hành các văn bản nội luật liên quan đến biển”.
Tinh thần đó phù hợp với quan điểm của nhiều quốc gia khác.
Ngay lập tức, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Supple khẳng định đó là “mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do trên biển”, quyền và lợi ích của các quốc gia ven Biển Đông…
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nhấn mạnh, chúng tôi “…đã cùng với các đối tác và đồng minh chống lại các yêu sách hàng hải bất hợp pháp… Chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó”.
Tuy nhiên, một số nước, vì tính toán riêng, vì sự ràng buộc quan hệ hoặc nghĩ “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, có thể né tránh, hoặc chấp nhận khai báo theo yêu cầu của Trung Quốc. Im lặng đồng nghĩa với đồng ý. Chấp nhận khai báo thông tin, vô hình trung chấp nhận “chủ quyền tuyên bố” của Trung Quốc. Suy nghĩ như vậy sẽ tạo đất cho các hành động trái pháp luật nảy nở.
Các nước trong và ngoài khu vực cần đồng thuận cao hơn, phản đối mạnh mẽ, liên tục hơn, hành động có trách nhiệm hơn. Chỉ có như vậy mới tạo áp lực đủ để ngăn chặn các hành vi kiểu đó tái diễn.
Đó không phải là chọn bên, là can dự gây căng thẳng mà là “chọn luật pháp quốc tế”, vì an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực.
Cái giá không hề rẻ
Truyền thông sử dụng các cụm từ “mơ hồ”, “làm luật”, “ngang ngược”, “ sai trái”... để nói về Luật mới của Trung Quốc. Học giả quốc tế nhận xét, chữ nghĩa trong Luật phải rõ ràng, cụ thể. Cái phức tạp chính là cố tình cài cắm ý đồ khác đằng sau chữ nghĩa.
Ngày 10/8/2021, cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra tuyên bố chung, đề cập UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên Biển Đông, bao gồm việc chống lại những hoạt động không hợp pháp, bảo đảm quyền tự do hàng hải, bất chấp sự phản ứng gay gắt của đại diện Trung Quốc.
Hãng Reuters ngày 3/9 đưa tin đảo quốc Micronesia ở Thái Bình Dương dùng quỹ của Mỹ để xây dựng tuyến cáp ngầm dưới biển. Trước đó, quần đảo này đã từ chối trao hợp đồng cho 1 công ty Trung Quốc.
Rõ ràng, thế giới ngày càng cảnh giác với nhiều hành vi của Trung Quốc. Cái giá phải trả không hề nhỏ.
Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả.