Biến động của thế giới có mang 'mùa xuân' đến sớm với doanh nghiệp xuất khẩu Việt?

Các doanh nghiệp xuất khẩu đang đón nhận nhiều cơ hội tích cực trong ngắn hạn. Song các chuyên gia cũng dự báo về một số rủi ro sẽ phải đối mặt như biến động tỷ giá, phụ thuộc nguyên phụ liệu đầu vào, chi phí vận tải biển leo thang...

Thông tin từ tọa đàm “Xuất khẩu khởi sắc - Có tiếng liệu có miếng", tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2024 đạt mức 227 tỷ USD (tăng 15,7% so với cùng kỳ). Dự kiến ngành xuất khẩu Việt Nam những tháng còn lại của năm 2024 vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt so với mức thấp của năm 2023 khi các thị trường xuất khẩu chính đang tích cực nhập hàng hóa dự trữ cho mùa mua sắm cuối năm đang cận kề.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp niêm yết trong ngành xuất nhập khẩu đã công bố kết quả kinh doanh bán niên. Đây là thời điểm thích hợp cho nhà đầu tư để lựa chọn những doanh nghiệp tận dụng được “sóng ngành”, có chiến lược kinh doanh bài bản, có sức khỏe tài chính ổn định.

BẠO LOẠN BANGLADESH CHỈ MANG ĐẾN TÍCH CỰC NGẮN HẠN

Theo các chuyên gia kinh tế đánh giá, một trong những ngành quan trọng đóng góp tốt vào hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới là dệt may. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự quan ngại rằng nhóm ngành này sẽ bị ảnh hưởng bởi bạo loạn tại Bangladesh.

Về vấn đề này, ông Trần Nhật Trung, Giám đốc Phân tích tại Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) đánh giá, căng thẳng ở Bangladesh dẫn đến các doanh nghiệp may mặc tại đây đóng cửa trong ngắn hạn, cho nên các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng để tăng trưởng doanh thu trong thời gian ngắn chứ không duy trì được trong lâu dài.

Ông Trung lý giải, Bangladesh vốn dĩ là một quốc gia có nhiều bất ổn chính trị. Song, quốc gia này vẫn có nhiều lợi thế cạnh tranh các đơn hàng may mặc hơn so với Việt Nam, như lương nhân công thấp, chỉ khoảng 75 - 100 USD so với khoảng 300 USD của Việt Nam, trong khi đó Việt Nam vừa mới tăng lương cơ bản.

 Ông Trần Nhật Trung, Giám đốc Phân tích tại Công ty Chứng khoán ACB (ACBS)

Ông Trần Nhật Trung, Giám đốc Phân tích tại Công ty Chứng khoán ACB (ACBS)

“Ngoài ra, do đây là ngành trọng yếu của Bangladesh với việc chiếm khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu nên rất được Chính phủ hỗ trợ. Họ có chuỗi cung ứng gần như hoàn thiện từ đầu đến cuối, trong khi Việt Nam chỉ tập trung vào phần may, chưa sản xuất được đầu vào, dẫn đến nhiều nước vẫn ưa chuộng Bangladesh hơn Việt Nam”, vị chuyên gia này phân tích.

Một ý kiến khác, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, trước đây ngành dệt may Việt đã mất một số đơn hàng do họ chuyển sang Bangladesh vì không đáp ứng yêu cầu của các thị trường lớn.

"Một điều cần nhắc đến là chúng ta chậm chuyển đổi xanh, trong khi các nhãn hàng, thị trường lớn đòi chúng ta phải dán nhãn xanh, nhãn carbon. Bangladesh bất ổn nhưng chúng ta không đủ điều kiện xuất khẩu ra những thị trường khó tính thì chúng ta không tận dụng được cơ hội", ông Huân cho biết.

Điều này cũng không có gì bất ngờ khi trước đây, Việt Nam từng chứng kiến xu hướng nhiều dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước lân cận của các doanh nghiệp FDI khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung dâng cao.

"Nhiều người nói Việt Nam cơ hội vươn lên phát triển, xuất khẩu tăng trưởng bùng nổ nhưng từ năm 2018 đến nay, xuất khẩu vẫn tăng nhưng không được như kỳ vọng. Vấn đề là có cơ hội nhưng chúng ta có nắm bắt được không?", ông Nguyễn Hữu Huân phân tích.

Vậy, vấn đề đặt ra là liệu các doanh nghiệp Việt có chấp nhận các đơn hàng giá rẻ mà các doanh nghiệp thường trả cho Bangladesh?

Ông Trần Nhật Trung cho rằng: "Việc cạnh tranh với Bangladesh không trực tiếp vì việc phân bổ các đơn hàng phụ thuộc vào doanh nghiệp bán lẻ lớn. Tuy nhiên các đơn hàng Bangladesh thường có biên lợi nhuận thấp hơn các đơn hàng Việt Nam. Vì vậy Bangladesh có vấn đề nhưng chưa chắc Việt Nam được hưởng lợi vì chúng ta đã quen với đơn hàng biên lợi nhuận lớn hơn. Ví dụ như lâu nay các đơn hàng đang có biên lợi nhuận 20% thì liệu chúng ta có nhận đơn hàng chỉ 10%?".

Bổ sung thêm, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân cho biết dù hiện Việt Nam đã tham gia chuỗi giá trị toàn cầu tuy nhiên vẫn còn khiêm tốn do chủ yếu thiên về gia công, khó chủ động nguồn nguyên vật liệu và thị trường, dễ bị ảnh hưởng bởi biến động chính trị.

"Rõ ràng xuất khẩu đang có điểm sáng của Việt Nam, vấn đề cần xem lại là cấu trúc kinh tế, doanh nghiệp sản xuất... để có thể tối ưu các lợi thế có được", ông Huân nhấn mạnh.

SẢN XUẤT TRUNG QUỐC HỒI PHỤC ẢNH HƯỞNG XẤU ĐẾN NGÀNH TIÊU DÙNG VÀ LOGISTIC

Trong khuôn khổ tọa đàm, các chuyên gia cũng bình luận về tình hình sản xuất của Trung Quốc hiện tại. PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân thông tin, hoạt động sản xuất kinh doanh của Trung Quốc đang có dấu hiệu phục hồi.

Bên cạnh đó Trung Quốc hiện nay cũng xây dựng khá nhiều kho xung quanh khu vực ở biên giới với Việt Nam với mục tiêu chính là xuất hàng qua Việt Nam. Đó là các mặt hàng giá trị nhỏ nhưng lượng tiêu thụ ở Việt Nam tương đối cao. Một vấn đề nữa là hoạt động logistics của họ vào thị trường Việt Nam tương đối tốt.

“Khi chúng ta từ TP.HCM đặt hàng qua Taobao thì chỉ khoảng 2 - 3 ngày là có thể nhận hàng, nếu chậm có thể mất 4 - 5 ngày. Điều này tương đương với những doanh nghiệp logistics trong nước, nhưng hàng hóa của Trung Quốc lại có giá rẻ hơn rất nhiều. Do đó, trong thời gian tới nhiều khả năng thị phần của Trung Quốc sẽ tăng lên thông qua chiến lược này”, ông Huân cho biết.

Theo ông Huân, ngành hàng tiêu dùng chắc chắn bị ảnh hưởng xấu nhất, bởi về chi phí, giá cả, mẫu mã thì các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam rất khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Song song với đó, lĩnh vực logistics cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế TP.HCM

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế TP.HCM

Đánh giá về tác động lên các ngành xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, thủy sản, gỗ, ông Trần Nhật Trung cho rằng đều không sợ bị cạnh tranh bởi Trung Quốc.

Theo Giám đốc Phân tích ACBS, Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất là qua Mỹ ở ngành may mặc và gỗ, còn thủy sản thì trong 6 tháng đầu năm xuất sang Trung Quốc tăng tốt.

Nếu nói về cạnh tranh, bản chất doanh nghiệp may mặc không cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc, ngay cả Bangladesh cũng không cạnh tranh trực tiếp.Vì việc phân bổ các đơn hàng thường là quyết định ở các doanh nghiệp bán lẻ. Mặt khác, các đơn hàng của Bangladesh thường có biên lợi nhuận thấp hơn của Việt Nam, nên ngay cả khi Bangladesh có vấn đề thì chưa chắc Việt Nam hưởng lợi nhiều.

Còn về thủy sản, chúng ta cũng xuất khẩu sang Trung Quốc, bên cạnh đó mặt hàng xuất khẩu chính là cá tra - mặt hàng mà Việt Nam có chi phí sản xuất rẻ hơn nhiều so với Trung Quốc.

Ông Trung cũng phân tích thêm, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu cạnh tranh về giá và đó là lợi thế. Do những hàng hóa đặc thù như vậy nên cả ba ngành thủy sản, dệt may, gỗ đều không sợ bị cạnh tranh bởi Trung Quốc.

CẦN NHANH CHÓNG "CHUYỂN ĐỔI KÉP"

Các chuyên gia cũng đưa ra dự báo, doanh nghiệp xuất khẩu trong thời gian tới cũng phải đối mặt với một số rủi ro gia tăng. Cụ thể, biến động tỷ giá, phụ thuộc nguyên phụ liệu đầu vào, chi phí vận tải biển leo thang là những trở ngại cho sự phục hồi sản xuất và xuất khẩu, từ đó tác động đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Giám đốc Phân tích ACBS cảnh báo: "Chi phí logistics tăng cao đã tác động đáng kể đến các doanh nghiệp xuất khẩu. Chịu ảnh hưởng nhiều nhất là ngành thủy sản do xuất khẩu nhiều sang thị trường Mỹ. Trong đó có thể kể tới các doanh nghiệp như Vĩnh Hoàn, Nam Việt. Các doanh nghiệp xuất khẩu đi các thị trường châu Á ít ảnh hưởng hơn".

Bên cạnh đó, do phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu từ bên ngoài, nên dù xuất khẩu tăng, nhưng đi kèm theo đó là rủi ro cũng gia tăng khi giá đầu vào biến động. Việt Nam xuất khẩu nhiều nhưng nhập khẩu cũng nhiều, nhất là dệt may, yếu tố gia công còn lớn. Khi tỷ giá neo cao xuất khẩu được lợi, thì chiều nhập khẩu các doanh nghiệp cũng chịu tác động. Do đó lợi thế không quá lớn so với các quốc gia chủ động được nguồn nguyên phụ liệu trong nước.

Mặt khác, trong xu thế các quốc gia nhập khẩu lớn như Mỹ, EU yêu cầu về sản phẩm xanh, sản phẩm dán nhãn carbon, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp hãy nhanh chóng thực hiện "chuyển đổi kép".

Các doanh nghiệp phải song hành chuyển đổi số lẫn chuyển đổi xanh, bởi đây là xu hướng tất yếu phải theo của doanh nghiệp, nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi giá trị.

Các nhóm sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ chịu tác động mạnh nhất từ hàng rào thương mại xanh trong thời gian tới bao gồm sản phẩm điện, điện tử, nông sản, thủy sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ, thực phẩm, dệt may, giày dép…

Thùy Lâm

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/bien-dong-cua-the-gioi-co-mang-mua-xuan-den-som-voi-doanh-nghiep-xuat-khau-viet-post554073.html