Biến động điểm chuẩn các ngành của Trường ĐH Xây dựng Hà Nội trong 5 năm qua

Từ năm 2019 - 2023, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội mở thêm 7 ngành đào tạo ĐH chính quy, trong đó có Khoa học máy tính, Kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật điện,...

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 144/CP ngày 8 tháng 8 năm 1966 của Hội đồng Chính phủ, tiền thân là Khoa Xây dựng của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Trụ sở đào tạo chính tại thành phố Hà Nội có địa chỉ ở số 55 đường Giải Phóng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng. Hiện nay, trường đang đầu tư xây dựng cơ sở đào tạo - thực nghiệm tại Khu Đại học Nam Cao, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam với diện tích trên 24ha.

Trải qua hơn 55 năm hình thành và phát triển, hơn 65 năm trong công tác đào tạo, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã trở thành một trường đại học đa ngành, một trung tâm nghiên cứu và triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đào tạo các ngành, các bậc học từ đại học đến tiến sĩ trong lĩnh vực Xây dựng.

Sứ mạng của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội là “đào tạo nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, sáng tạo và chuyển giao tri thức, đồng kiến tạo vì sự phát triển bền vững của xã hội và đất nước”.

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Ảnh: website nhà trường

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Ảnh: website nhà trường

Đến nay, nhà trường đã đào tạo trên 80.000 kỹ sư và kiến trúc sư, hơn 8.000 thạc sĩ và tiến sĩ cùng nhiều đề tài, dự án khoa học với tầm nhìn nghiên cứu nòng cốt là kỹ thuật và công nghệ.

Hiện, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thi; và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Tùng giữ chức Hiệu trưởng từ tháng 11/2023 đến nay.

Những thay đổi trong công tác tuyển sinh đáng chú ý

Hiện nay, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đang đào tạo các ngành/chuyên ngành bậc đào tạo đại học đáp ứng yêu cầu về nhân lực trình độ đại học cho hầu hết các lĩnh vực xây dựng cơ bản.

Ngoài các ngành, chuyên ngành học thuộc chương trình đào tạo thông thường, một số ngành, chuyên ngành học còn được tổ chức đào tạo dưới dạng hợp tác, liên kết quốc tế nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển và hội nhập.

Theo thông tin từ Đề án tuyển sinh qua các năm của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, từ năm 2022, trường thực hiện 5 phương thức xét tuyển gồm: xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; xét học bạ trung học phổ thông; xét tuyển thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ Tiếng Anh, tiếng Pháp quốc tế (tương đương IELTS 5.0 trở lên), hoặc từ 1100/1600 SAT, 22/36 ACT trở lên; xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; xét kết quả điểm thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức (trừ các tổ hợp có môn Vẽ Mỹ thuật).

Trong những năm trở lại đây, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội mở thêm nhiều ngành/chuyên ngành đào tạo mới, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội trong tình hình mới.

Cụ thể, năm 2019, trường bắt đầu đào tạo ngành Khoa học máy tính và ngành Kỹ thuật môi trường. Năm 2020, trường mở thêm ngành Kỹ thuật vật liệu, năm 2021 ngành mới là Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, năm 2022 bắt đầu tuyển sinh thêm 2 ngành: Kiến trúc cảnh quan và Kiến trúc nội thất (trước đây 2 ngành này là chuyên ngành thuộc ngành Kiến trúc). Năm 2023, trường mở ngành Kỹ thuật điện.

Nếu 4 ngành: Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Kiến trúc cảnh quan, Kiến trúc nội thất và Kỹ thuật điện do trường tự chủ quyết định mở ngành, thì những ngành học còn lại do Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định.

4 ngành/chuyên ngành của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội có chỉ tiêu tuyển sinh nhiều nhất qua các năm.

4 ngành/chuyên ngành của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội có chỉ tiêu tuyển sinh nhiều nhất qua các năm.

Qua 4 năm học, ngành Kỹ thuật Xây dựng/ Chuyên ngành Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp luôn có số lượng chỉ tiêu tuyển sinh đông đảo nhất, gấp khoảng từ 2 đến 15 lần so với các chuyên ngành khác. Riêng năm 2022 chỉ tiêu của ngành này lên đến 780.

Còn ngành Kinh tế xây dựng cũng giữ vững số lượng chỉ tiêu ở vị trí thứ hai qua các năm, riêng năm 2022 có 455 chỉ tiêu và năm 2023 có 450 chỉ tiêu.

Hai ngành học cũng có “sức hút” cao tại Trường Đại học Xây dựng là Kiến trúc và Công nghệ thông tin.

Năm 2020 và năm 2021, ngành Kiến trúc có 250 chỉ tiêu, năm 2022 có 270 chỉ tiêu và năm 2023 tăng lên 300 chỉ tiêu.

Trong 4 năm, ngành Công nghệ thông tin cũng có chỉ tiêu cao, dao động từ 200 đến 275 chỉ tiêu.

Để có cái nhìn tổng quan hơn về bức tranh tuyển sinh của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã cập nhật bảng danh sách các ngành đào tạo đại học trong 5 năm trở lại đây và so sánh điểm trúng tuyển giữa các ngành đại học chính quy theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (trong đó có tổ hợp xét tuyển có môn Vẽ Mỹ thuật):

Ở phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, đối với nhóm ngành Kiến trúc và Quy hoạch, các tổ hợp có thi môn Vẽ mỹ thuật là môn thi chính nhân đôi hệ số 2.

Điểm chuẩn của trường Đại học Xây dựng Hà Nội năm gần đây nhất dao động trong khoảng từ 17 đến 24,49. Trong đó, có những ngành lấy điểm chuẩn thấp nhất là 17 điểm.

Điểm chuẩn 4 ngành “hot” của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội thay đổi qua 5 năm.

Điểm chuẩn 4 ngành “hot” của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội thay đổi qua 5 năm.

Trong 5 năm qua, các ngành Kiến trúc, Kiến trúc nội thất, Công nghệ thông tin và Kinh tế xây dựng luôn nằm trong top ngành có điểm chuẩn cao của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Từ năm 2019 đến năm 2022, ngành Công nghệ thông tin luôn giữ vị trí đứng đầu trong nhóm ngành có điểm chuẩn cao. Riêng năm 2023, ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng vượt qua Công nghệ thông tin để trở thành ngành có điểm trúng tuyển cao nhất.

Theo khảo sát của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội về kết quả tình hình việc làm của sinh viên trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp đại học chính quy năm học 2021-2022, hầu hết sinh viên ra trường đều có việc làm, trong khi một số ít sinh viên lựa chọn tiếp tục học tập.

Biểu đồ thống kê tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp năm học 2021-2022 của 4 ngành trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Biểu đồ thống kê tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp năm học 2021-2022 của 4 ngành trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Biểu đồ thống kê khu vực việc làm của sinh viên tốt nghiệp năm học 2021-2022 của 4 ngành trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Biểu đồ thống kê khu vực việc làm của sinh viên tốt nghiệp năm học 2021-2022 của 4 ngành trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm ra trường cao nhất ở các ngành lần lượt là Công nghệ thông tin (100%), Kỹ thuật xây dựng Công trình giao thông (96,3%); còn ngành ngành Kỹ thuật Trắc địa - Bản đồ có tỷ lệ thấp nhất, chỉ đạt 88,2%.

Nếu thống kê theo khu vực việc làm, hầu hết sinh viên ra trường đều làm việc cho các đơn vị tư nhân. Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Xây dựng Hà Nội còn làm việc tại các đơn vị Nhà nước hoặc các công ty có yếu tố nước ngoài, hoặc tự tạo việc làm (khởi nghiệp).

Ngay sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học 2018 có hiệu lực tháng 7/2019, để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và thực hiện công bố chung của 7 trường đại học đào tạo khối kỹ thuật trong nước, năm 2020, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội bắt đầu chuyển đổi mô hình đào tạo theo Khung trình độ Quốc gia Việt Nam. Ba bậc trình độ tương ứng văn bằng được cấp sau khi tốt nghiệp, gồm có:

Mô hình các chương trình đào tạo chuyển đổi của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội

Chương trình cử nhân được thiết kế cho thời gian 4 năm, định hướng cơ bản, đào tạo ngành rộng, trang bị cho người học kiến thức khoa học, kỹ thuật nền tảng và năng lực nghề nghiệp cơ bản để có khả năng thích ứng với những công việc khác nhau trong lĩnh vực được đào tạo. Người tốt nghiệp chương trình cử nhân đạt bậc trình độ 6 trong Khung trình độ Quốc gia Việt Nam.

Người tốt nghiệp chương trình kỹ sư đạt bậc trình độ 7 trong Khung trình độ Quốc gia Việt Nam và có thể nhận văn bằng thạc sĩ sau khi học chuyển đổi một số kiến thức học phần. Sau khi có bằng cử nhân, người học có thể đi làm hoặc học tiếp lên chương trình thạc sĩ hoặc trình độ kỹ sư với thời gian đào tạo 1,5-2 năm.

Trình độ kỹ sư được thiết kế áp dụng cho các ngành kỹ thuật/kiến trúc, đào tạo theo nhu cầu xã hội, kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng. Chương trình trang bị cho người học kiến thức kỹ thuật nâng cao và năng lực nghề nghiệp chuyên sâu, đáp ứng ngay yêu cầu của thực tế công việc.

Với bậc Đại học (cấp bằng Cử nhân, Kỹ sư, Kiến trúc sư), với quy mô đào tạo khoảng 20.000 sinh viên, gồm hai hình thức chính quy và vừa học vừa làm, trong đó:

- Hệ chính quy: Thời gian đào tạo bậc cử nhân là 4 năm. Bậc kỹ sư/ kiến trúc sư là 5,5-6 năm. Ngoài ra, trường đào tạo chương trình tích hợp cử nhân-kỹ sư/ kiến trúc sư hoặc cử nhân-thạc sĩ cho cùng một ngành/chuyên ngành, với thời gian đào tạo 5-5,5 năm.

- Hệ chính quy bằng 2: Gồm 10 ngành thời gian đào tạo 1,5-2 năm, tập trung.

- Hệ chính quy liên thông: Gồm 10 ngành, thời gian đào tạo 1,5-2 năm, tập trung.

Ở bậc 8, trình độ tốt nghiệp được cấp bằng tiến sĩ nằm trong 19 ngành/chuyên ngành đào tạo sau đại học.

Bên cạnh đó, trường cũng tổ chức các chương trình đào tạo ngắn hạn (cấp chứng chỉ) nhằm bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về chuyên đề xuất phát từ yêu cầu thực tiễn như: Giám sát thi công xây dựng công trình, Quản lý dự án đầu tư xây dựng, Đấu thầu xây dựng, Bất động sản, Nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho Kỹ sư mới ra trường,…

Lưu Diễm

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/bien-dong-diem-chuan-cac-nganh-cua-truong-dh-xay-dung-ha-noi-trong-5-nam-qua-post240723.gd