Biển động kéo dài, ngư dân gặp khó đầu năm
Do ảnh hưởng của thời tiết, biển động kéo dài từ trước, trong và sau tết, ngư dân nhiều làng biển Phú Yên chưa thể ra khơi đánh bắt. Nếu như mọi năm, vào thời điểm những ngày đầu năm không khí rộn ràng, tất bật tại các làng biển, cảng cá…, thì năm nay nhiều làng biển trở nên trầm lắng, mở biển muộn hơn.
Biển động, sóng to, gió lớn kéo dài đã gây bất lợi cho ngư dân về nguồn thu nhập, thậm chí tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiệt hại lớn cho tính mạng, tài sản của ngư dân… trong quá trình hành nghề.
Chiều tối 31/1, tàu cá PY 96497-TS của ngư dân Phú Thanh Việt làm thuyền trưởng sau hơn một tháng vươn khơi, bám biển xuyên tết, khi về đến bờ chuẩn bị cập cảng cá Đông Tác đã bị sóng to đánh chìm. Dù đã nỗ lực cứu hộ, nhưng do thời tiết bất lợi, cả năm thuyền viên chỉ may mắn cứu sống được mình; chiếc tàu cá trị giá 1,5 tỷ đồng cùng toàn bộ số lượng hải sản đánh bắt được đã bị từng đợt sóng lớn đánh tan dần; 1 thuyền viên bị thương nặng.
Theo lời ông Phú Thanh Việt (41 tuổi) thuyền trưởng tàu cá gặp nạn, tàu cá của ông xuất bến từ 28/12, sau hơn 1 tháng đánh được 34 con cá ngừ, 300kg mực… thì quay về. Khi chỉ còn cách bờ 200m thì bất ngờ bị đứt dây lái, buộc phải thả neo khắc phục. Sau đó bị sóng lớn liên tục đánh vào tàu làm chết máy, trôi dạt vào kè Xóm Rớ và bị sóng đánh lật không cứu hộ kịp…
Theo ông Võ Văn Mạnh - Phó Chủ tịch UBND phường Phú Đông, thiệt hại ban đầu của vụ tai nạn tàu ông Phú Thanh Việt là khoảng 1,1 tỷ đồng. "Chính quyền địa phương đã đến chia sẻ, động viên gia đình, mong cộng đồng xã hội hỗ trợ, giúp đỡ cho gia đình ông Việt cùng các thuyền viên vượt qua khó khăn trước mắt, sớm trở lại với nghề biển", ông Mạnh nói.
Biển động kéo dài, giá vật tư xăng dầu tăng cao, lao động đi biển khan hiếm, ngư dân ở các làng biển có tàu công suất lớn đến nhỏ hoặc chỉ khai thác gần bờ gần như không có thu nhập, đời sống đại bộ phận ngư dân gặp khó khăn.
Ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6, thành phố Tuy Hòa cho biết: “Mặc dù gặp khó, nhưng ngư dân vẫn tiếp tục vươn khơi, bám biển. Tàu lưới chuồng thì đã đi nhiều từ mùng 10 tháng Giêng âm lịch, còn tàu câu gù (tàu đánh bắt cá ngừ đại dương) thì bắt đầu lấy tổn (chuẩn bị vật tư, ngư lưới cụ) để bắt đầu ra khơi với khí thế quyết tâm…”, ông Phan Thuẫn nói.
Trong điều kiện thời tiết ngày càng bất thường, Chi cục thủy sản Phú Yên khuyến cáo ngư dân bám sát tình hình thời tiết để ra khơi phù hợp. Theo ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Yên, để khai thác ổn định lâu dài, khuyến cáo ngư dân tập trung theo dõi thời tiết khi xuất bến, kiểm tra thiết bị an toàn tàu cá khi đi trên biển để khai thác; bà con tập trung đi theo tổ đội để hỗ trợ nhau sản xuất đạt hiệu quả.
Điều đáng quý là trong trước Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023 toàn tỉnh Phú Yên có khoảng 80 tàu cá, với trên 700 lao động đi khai thác vùng khơi và đón Tết cổ truyền ngay trên biển. Trong đó, riêng đội tàu của thành phố Tuy Hòa có 75 tàu, với hơn 650 lao động khai thác xuyên Tết trên biển.
Bà con ngư dân Phú Yên lâu nay với ý thức vừa lao động, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền của đất nước, họ chấp nhận đương đầu với những đợt sóng gió, ngày đêm bám bám biển, có nhiều người nhiều năm liền đón giờ phút giao thừa thiêng liêng giữa biển khơi. Và sau những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, các tàu cá của Phú Yên nói riêng và của khu vực Nam Trung Bộ nói chung lần lượt cập bến, mang theo những sản vật của biển khơi về với đất liền mặc cho thời tiết đầu năm không ủng hộ họ…
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bien-dong-keo-dai-ngu-dan-gap-kho-dau-nam-post737116.html