Biến động lớn trên thị trường cotton quốc tế

Cơ cấu thị trường xuất khẩu cotton chứng kiến sự thay đổi lớn khi Brazil dự kiến sẽ vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất. Trong khi đó, thời tiết có thể làm cho Ấn Độ, từ quốc gia đang xuất khẩu thành nhập quốc gia nhập khẩu cotton.

Ảnh hưởng thời tiết ở Ấn Độ và Pakistan

Sau khi giảm miệt mài hơn 37% kể từ quý I, giá cotton đã hồi phục kể từ giữa tháng 8 đến nay và đang tiếp tục duy trì xu hướng tăng. Nguyên nhân do thị trường lo ngại lượng mưa vượt mức trung bình liên tiếp ở Ấn Độ và trên khắp khu vực vành đai trồng bông (nguyên liệu sản xuất cotton) của Pakistan, sẽ tác động tiêu cực tới năng suất và chất lượng bông.

Tính đến ngày 4-9, giá hợp đồng kỳ hạn cotton tháng 12-2024 trên sàn ICEUS giao dịch quanh mức 70,7 cent/pound, tăng khoảng 6,7% so với đáy.

Văn phòng Dịch vụ nông nghiệp nước ngoài (FAS) của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ tại New Delhi, dự báo sản lượng bông của Ấn Độ (sản lượng đứng thứ 2 thế giới) vụ 2024-2025 đạt 24,5 triệu kiện 480lb (tương đương 5,33 triệu tấn) trên diện tích trồng 11,8 triệu ha, giảm 2% so với dự báo trước đó và giảm gần 6,5% so với sản lượng mùa vụ trước.

Nguyên nhân vì nông dân đã chuyển diện tích trồng bông sang các loại cây trồng có lợi nhuận cao hơn như lúa và đậu nành. Bên cạnh lượng thu hoạch dự kiến giảm do diện tích trồng giảm, thì yếu tố thời tiết cũng đang gây lo ngại làm ảnh hưởng tới chất lượng và năng suất.

Tổng Giám đốc Cục Khí tượng Ấn Độ, cho biết quốc gia này dự kiến sẽ đón lượng mưa cao hơn mức trung bình trong tháng 9 sau khi đã trải qua lượng mưa dư thừa liên tiếp vào tháng 7 và 8. Lượng mưa trong tháng 9 có khả năng cao hơn 109% so với mức trung bình 50 năm.

Điều đó sẽ có hại cho các loại cây trồng được gieo vào mùa hè như lúa, bông, đậu nành, bắp. Trong khi sản lượng dự kiến giảm mạnh thì nhu cầu tiêu thụ của Ấn Độ lại được dự báo tăng 2% so với vụ trước. Điều đó dẫn tới việc Ấn Độ từ một quốc gia vẫn luôn xuất khẩu ròng cotton ở mùa vụ 2023-2024 có khả năng chuyển thành nhà nhập khẩu cotton trong mùa vụ 2024-2025.

Thị trường bông ở Pakistan (sản lượng lớn thứ 5 thế giới) cũng bị gián đoạn vào tuần cuối tháng 8 do mưa liên tục trên khắp vành đai bông của 2 tỉnh Sindh và Punjab. Nguồn cung đã giảm đáng kể và hầu hết các nhà máy bông đều đã đóng cửa hoặc chỉ hoạt động một phần. Bộ An ninh lương thực và Nghiên cứu Quốc gia Pakistan (MNSandR), đánh giá mưa sẽ tác động tiêu cực đến vụ bông của nước này vì mưa gây ra nhiều loại bệnh cho cây trồng.

Mặc dù mưa có tác động tích cực đến các loại cây trồng chính khác như mía và lúa nhưng ngược lại, có tác động tiêu cực đến bông và bắp. Hiện tại vụ bông Pakistan đang ở giai đoạn trổ quả, do đó nhiều mưa hơn ở vành đai bông của nước này sẽ ảnh hưởng đến vụ mùa. Sản lượng bông của Pakistan, vốn đã giảm, sẽ còn xấu hơn nữa do mưa liên tục.

Ngôi sao mới Brazil

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy tác động của căng thẳng chính trị giữa Mỹ - Trung Quốc. Với việc Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với các công ty lớn của Trung Quốc khiến quốc gia này quyết định ngừng nhập khẩu cotton từ Mỹ. Lâu nay, Trung Quốc vẫn luôn là quốc gia nhập khẩu cotton lớn nhất thế giới.

Trong khi đó, Mỹ là quốc gia xuất khẩu cotton lớn nhất thế giới tính đến mùa vụ 2022-2023, nhưng vừa đánh mất vị trí số 1 về Brazil ở mùa vụ 2023-2024.

Brazil là quốc gia nắm bắt được tốt nhất cơ hội đến từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Ở mùa vụ 2022-2023, Brazil ghi nhận xuất khẩu 1,45 triệu tấn (tương đương 17,9% thị trường), chỉ bằng một nửa so với lượng xuất khẩu 2,78 triệu tấn của Mỹ (tương đương 34,4% thị trường).

Thế nhưng, trong vòng 1 năm sau đó, ở mùa vụ 2023-2024, lượng xuất khẩu của Brazil đã tăng gần 85% lên mức 2,68 triệu tấn để vượt qua con số xuất khẩu của Mỹ là 2,56 triệu tấn, giúp cho thị phần xuất khẩu của Brazil tăng lên thành 27,5%. Dự kiến thị phần của Brazil tiếp tục tăng lên mức 29% trong mùa vụ 2024-2025 sắp tới.

Lợi thế của Brazil là ở chỗ nông nghiệp nước này có chi phí sản xuất bông thấp nhất, cũng như năng suất tốt nhất trên toàn cầu. Năng suất bông của Brazil đạt 2 triệu tấn/ha trong năm 2023, thậm chí cao hơn cả Mỹ. Sự thống trị của nông nghiệp Brazil dựa trên chi phí sản xuất thấp và năng suất đặc biệt.

Do đó, sự trỗi dậy về quy mô trồng và thu hoạch của quốc gia này trên thị trường thế giới có thể dẫn tới sản lượng dư thừa và sự sụt giảm giá trong dài hạn. Brazil có trữ lượng đất nông nghiệp lớn nhất thế giới, với hơn 100 triệu ha ở Cerrado. Do đó, dự kiến sản lượng bông của quốc gia này sẽ tăng trưởng bền vững trong 10 đến 15 năm tới.

Động lực để chính sách của Brazil đi theo hướng phát triển mạnh sản lượng bông, đó là sự thay đổi cơ bản đang diễn ra trong nhu cầu bông toàn cầu, được thúc đẩy bởi thói quen mặc quần áo thay đổi trên toàn thế giới. Theo đó, người dùng có xu hướng đặt tài nguyên thiên nhiên lên hàng đầu, từ chối sử dụng polyester và các hóa chất khác.

Xu hướng này cũng bao gồm xu hướng của các trung tâm thời trang lớn của thế giới như Milan, Paris, New York.

Phạm Tuấn

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/bien-dong-lon-tren-thi-truong-cotton-quoc-te-post117021.html